NHỮNG MẢNH ĐỜI BUỒN

Lê Đức Minh


Đốt một nén hương để nhớ thương mày, Hiệp!

 

Không lâu sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, chúng tôi đã nhận ra rằng câu nói nổi tiếng “Đừng nghe những gì cộng sản nói, mà hãy nhìn những gì cộng sản làm” của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là không sai chỗ nào.

 

Trong những buổi học tập chính trị cho thanh niên các phường và khối phố, nhiều cán bộ quân sự của chính quyền mới đã nói với chúng tôi rằng, không phải dễ dàng để trở thành một bộ đội của Quân Đội Nhân Dân Việt Nam anh hùng. Những vị cán bộ này đưa ra hàng lô lốc những tiêu chuẩn như trình độ học vấn, sức khỏe, đạo đức, lý lịch gia đình... mà một thanh niên miền Nam phải hội đủ để có thể trở thành một chiến sĩ của quân đội cách mạng.

 

Trong khi các vị cán bộ thao thao bất tuyệt, chúng tôi nhìn nhau cười ý nhị. Vào thời điểm này giới thanh niên chúng tôi đã nghe lan truyền câu nói “Dép cao su dẫm nát đời tuổi trẻ. Mũ tai bèo che khuất bóng tương lai.”  Thật vậy, nhìn những anh “bộ đội cụ Hồ” ốm đói, ăn mặc lôi thôi lếch thếch, mặt mũi nghệch ra vì những chiếc radio bán dẫn và những chiếc đồng hồ rẻ tiền, chúng tôi tin rằng họa chỉ có những thằng điên mới mơ thành anh bộ đội.

 

Mặc dầu đưa ra rất nhiều tiêu chuẩn cao ngất ngưỡng, trong thực tế chính quyền mới đã tìm cách “hốt” tất cả những thanh niên miền Nam trong các kỳ tuyển quân thi hành nghĩa vụ quân sự. Những thanh niên này được khám tuyển sơ sài. Sau đó được đưa ngay sang các đơn vị đang tham chiến tại Campuchia thậm chí chưa hề qua một ngày huấn luyện quân sự với lời giải thích rằng đơn vị sẽ phụ trách huấn luyện.

 

Nhiều thanh niên miền Nam thời đó đã trở thành những anh “bộ đội cụ Hồ” ngoài ý muốn, hay nói đúng hơn là đã bị cưỡng bách trở thành những chiến sĩ của Quân đội Nhân Dân Việt Nam. Không biết bao nhiêu cuộc đời tươi đẹp, chưa hề biết đến một ngày đất nước hòa bình, đã vĩnh viễn nằm xuống ở xứ người. Đã có biết bao nhiêu thanh niên miền Nam đã trở thành liệt sĩ bất đắc dĩ như thế?

 

Nhiều gia đình đã cay đắng nhận những tấm bằng “liệt sĩ”. Nhiều ông bố đã căm hận chửi thề trong góc nhà. Nhiều bà mẹ đã nuốt nước mắt làm ra vẻ tự hào khi nhận những tấm bằng liệt sĩ đó từ chính quyền. Trong số những gia đình đó có gia đình của thằng bạn tôi tên Hiệp.

 

Chúng tôi cùng học lớp 12 với nhau. Nhà Hiệp và nhà tôi cùng phường, chỉ khác khối phố. Vì thế trong những đêm học tập chính trị cho thanh niên phường, lúc nào cũng có tôi và Hiệp. Vào thời đó có thông báo đi học tập chính trị mà tay nào không đi liền có dân quân vũ trang mang AK-47 đến tận nhà “mời”.

 

Sau khi tốt nghiệp lớp 12, trước khi nộp hồ sơ thi đại học, thế nào cũng có những đợt tuyển quân. Dù thân nhau lắm nhưng vào thời đó tôi chẳng dám tin Hiệp một trăm phần trăm, dù biết rằng bố hắn là một hạ sĩ quan cảnh sát trước năm 1975. Chính vì không dám tin Hiệp một trăm phần trăm nên tôi chẳng dám thổ lộ cùng hắn quyết định của tôi: bằng mọi cách phải bị loại trong những kỳ khám tuyển vào bộ đội.

 

Hồi đó chúng tôi chơi thân trong một nhóm bạn có bốn thằng, tôi, Sơn, Tân và Hiệp. Chúng tôi bao giờ cũng đi với nhau. Trong nhóm Hiệp là thằng hiền và đẹp trai nhất. Tính nó ít nói, ai nói gì cũng cười cười và chẳng làm mất lòng ai bao giờ.

 

Trong khi tôi, Tân và  Sơn tỉnh bơ trao đổi với nhau những quan điểm “phản cách mạng”, thì Hiệp chẳng bao giờ có một ý kiến gì về chuyện chính trị, cộng sản hay quốc gia. Có một lần khi tôi, Tân và Sơn cố tình phá hỏng dây điện loa phóng thanh của trường trong một buổi chào cờ, Hiệp lặng lẽ tránh xa sau khi bảo với chúng tôi rằng: “Đừng chơi dại, tụi bây”.

 

Hiền, đẹp trai, học giỏi và chơi guitar classic khá hay, Hiệp chính là trung tâm điểm chú ý của nhiều cô nàng trong trường. Nhờ Hiệp nhóm chúng tôi đã thu hút được nhiều cô nữ sinh xinh như mộng và “bè lũ bốn tên” đã trở thành một “thương hiệu” của chúng tôi.

 

Nhà Hiệp cũng nghèo như nhà tôi. Bố hắn sau khi đi học tập tại địa phương hai hay ba tuần gì đó, quay qua kiếm sống bằng nghề kéo xe ba gác. Mẹ hắn từ một giáo viên tiểu học không được “lưu dụng”, chuyển sang bán một quầy gia vị nhỏ ngoài chợ. Nhiều lúc Hiệp phụ bố kéo xe, hay phụ mẹ mang hàng hóa ra ngoài chợ. Là đứa con duy nhất trong gia đình, bố mẹ Hiệp đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào đứa con trai ngoan và có hiếu.

 

Vào thời đó chính quyền thành phố Đà Nẵng ra lệnh sử dụng nhân công của mọi phường, mọi khối phố vào việc cải tạo một khu vực đổ rác bên ngoài thành phố để xây dựng thành một công viên. Sau này trở thành công viên 29/3, và là công viên lớn nhất của Đà Nẵng hiện nay. Lúc đó khu vực công viên còn là một bãi rác khổng lồ, nước cống từ thành phố đổ vào đen xì và đủ mọi loại rác rến, kể cả súng đạn bị vứt bỏ khắp mọi nơi.

 

Tùy theo nhân khẩu trong gia đình, mỗi gia đình phải đóng góp bao nhiêu ngày công. Theo tuyên bố của cán bộ phường thì đây là lao động công ích xã hội chủ nghĩa, ai cũng phải có trách nhiệm đóng góp không phân biệt.

 

Tuy nhiên sự thật không phải vậy. Không có con cái của bất cứ gia đình cách mạng nào bị gọi đi lao động cải tạo công viên cả. Trong khi đó các gia đình “ngụy quân ngụy quyền” được chú ý tận tình. Tôi và Hiệp nằm trong số những thanh niên được “vinh dự” đóng góp sức lực để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đây rõ ràng là một công việc khó khăn và nguy hiểm cho nên con cái các gia đình cách mạng được miễn.

 

Riêng những người có lệnh đi lao động, nếu muốn khỏi phải đi thì bỏ tiền ra cho người khác đi thế. Chính quyền cách mạng không phiền hà gì những người bỏ tiền ra thuê người khác đi thế cho mình. Nhiều người đã đến nộp tiền để cán bộ “bố trí” người đi thay. Trong khi đó tôi và Hiệp, nhà nghèo, đành phải nghiến răng đi lao động. Thiệt khủng khiếp. Chúng tôi đi chân trần, lội trong bùn đen đủ loại rác rến lên đến ngực để nhặt rác, vét bùn mà hoàn toàn không có một phương tiện hay dụng cụ lao động gì ráo. Cứ đến ngày đi lao động là Hiệp đến nhà gọi tôi đi cùng. Tôi còn nhớ Hiệp luôn mặc chiếc áo sơ mi ca rô và mang đôi giày ba ta cũ. Chiếc mũ lát rộng vành rách nát nhưng càng làm cho anh chàng có một nét gì đó lãng mạn và đáng yêu.

 

Cuối cùng Hiệp trúng tuyển đi nghĩa vụ quân sự, trong khi tôi bị loại vì “huyết áp đo không được”. Ngày hắn lên đường giao quân, tôi đến chia tay hắn tại bộ chỉ huy quân sự thành phố mà không cầm được nước mắt. Tôi biết Hiệp không bao giờ muốn trở thành “bộ đội cụ Hồ”. Nhiều lần Hiệp nói với tôi là hắn có mơ ước học ngành y để sau này có điều kiện để giúp đỡ cha mẹ và giúp đời. Chúng tôi chia tay, buồn và chẳng biết tương lai của hai đứa đi về đâu.

 

Hiệp đi bộ đội. Tôi ở nhà bị chính quyền địa phương từ chối ký lý lịch để đi thi đại học, và cuối cùng bị bắt đi xây dựng công trình thủy điện Phú Ninh. Cũng như việc đi xây dựng công viên 29/3, ai có tiền thì có quyền trả tiền cho người khác đi thay mình. Trên công trường Phú Ninh lúc nào cũng có hàng ngàn người lao động đắp đập, đào mương, chủ yếu là thanh niên, dùng toàn sức người. Chẳng có bao nhiêu máy xúc, máy đào. Nếu có máy xúc, máy đào thì người lao động phải bỏ tiền túi ra thuê để làm bớt những công việc nặng nhọc.

 

Lúc nào cũng có nhiều gia đình chuyên đi lao động thế cho người khác sống thường trực trong các lán trại. Nhiều gia đình này có quan hệ mật thiết với các cán bộ thủy lợi của chính quyền trên công trường. Những tay cán bộ này chính là những “ông trời con” trên công trường thủy lợi Phú Ninh.

 

Đa số những cán bộ thủy lợi này là những đứa con nít không quá 16 tuổi, không biết được đào tạo thành cán bộ kỹ thuật như thế nào, nhưng dụng cụ hành nghề bao giờ cũng chỉ là một thanh sắt nhỏ dài khoảng 40 cm, đầu nhọn hoắt. Mỗi khi được mời đến nghiệm thu công trình, những tay cán bộ này dùng thanh sắt nhọn đó xỉa vào đất để xem thử độ nén của đất như thế nào.

 

Nếu những tay cán bộ này bảo “tốt” thì công trình được nghiệm thu. Nhưng nếu phán quyết của quý vị cán bộ này là “chưa được” thì chắc chắn người đi lao động phải làm lại từ đầu. Còn nếu không muốn làm lại thì phải nói chuyện phải quấy với những gia đình chuyên lao động thuê đồng thời cũng là tay chân của các ngài cán bộ này.  Thế là những lao động trên các công trình không được nghiệm thu phải bỏ tiền túi ra để tay chân của quý cán bộ tổ chức ăn uống và mời cán bộ đến “chia vui”.

 

Tuy nhiên có nhiều ngài cán bộ này không những muốn ăn nhậu mà còn muốn nhiều thứ khác. Trong số những người bị cưỡng bức đi lao động như thế có không ít thiếu nữ có cha là sĩ quan đi học tập cải tạo, vì không có tiền thuê người đi làm thế, cho nên phải chịu lên công trường lao động hay phụ bếp nấu cơm. Tôi nhìn những cô gái xinh đẹp đó và cảm thấy tội nghiệp mà không giúp gì được. Có một lần tên cán bộ kỹ thuật tên T sau khi chè chén say sưa đã thẳng thừng tuyên bố là hắn muốn ngủ với một cô gái tên A, con của một vị thiếu tá chế độ cũ. T nói rằng nếu cô A không chịu ngủ với hắn thì cả nhóm lao động trong đó có A sẽ không bao giờ được về lại thành phố vì hắn sẽ không nghiệm thu bất cứ công việc nào của nhóm.

 

Tôi tận mắt chứng kiến cô gái tên A quỳ xuống và lạy T như tế sao. Không đành nhìn, tôi bỏ đi và không biết sự việc sau đó thế nào. Nhưng trong thời gian lao động ở Phú Ninh tôi nhiều lần nghe tiếng những cô gái hét thất thanh trong bóng đêm dày đặc của núi rừng.

 

Chính trong thời gian tôi lao động ở Phú Ninh tôi nhận được tin thằng Hiệp chết ở Campuchia. Hắn lãnh nguyên một trái B.40 của đám quân Khmer đỏ, chỉ còn nửa dưới của thân thể. Đơn vị hắn vùi hắn qua loa bên đường rồi đi tiếp. Ở thành phố chính quyền địa phương trang trọng đến thăm bố mẹ của Hiệp để trao tặng bằng liệt sĩ.

 

Sau này khi hoàn tất việc lao động cưỡng bức, tôi đến thăm nhà Hiệp và rồi chứng kiến những tan thương của gia đình hắn.

Thì ra việc Hiệp đi bộ đội đã từng gây ra một cuộc chiến dữ dội giữa bố và mẹ hắn. Ông Thọ, bố Hiệp, là cảnh sát trước năm 1975. Theo lời của ông thì ông không thể nào chấp nhận rằng Hiệp, con trai của ông trở thành một cán binh Việt cộng.  Ông Thọ cũng không thể nào chấp nhận việc con ông bị đưa sang đánh nhau ở Campuchia mà theo ông là để thực hiện tham vọng chính trị của nhà cầm quyền Hà Nội.

 

Trong khi đó mẹ Hiệp bảo rằng Hiệp sinh ra trong một gia đình “ngụy quân ngụy quyền” và có thể sẽ chẳng bao giờ vào được đại học nếu không đi bộ đội. Các cán bộ phường từng nói với bà Thọ rằng sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự Hiệp sẽ được ưu tiên vào đại học.

 

Bà Thọ nói với tôi rằng sống thời nào phải theo thời ấy; nếu Hiệp cố tình trốn đi bộ đội thì sẽ không còn cơ hội nào vươn lên trong cái chế độ mới này. Trước khi Hiệp đi khám tuyển, hai ông bà đã rất căng thẳng với nhau. Tuy nhiên Hiệp đã nói với bố mẹ rằng hắn không thể nào tránh được việc đi bộ đội do đó bố mẹ không nên căng thẳng với nhau nữa. Hiệp cũng trấn an bố mẹ hắn rằng đâu phải ai đi bộ đội cũng chết đâu.

 

Ngày hắn lên đường giao quân, ông Thọ uống rượu say mèm và bảo với bà Thọ rằng “sau này thằng Hiệp có mệnh hệ gì là do lỗi của bà”.

 

Từ ngày Hiệp trở thành “liệt sĩ”, ông Thọ thay đổi hoàn toàn. Ông uống rượu liên miên và chẳng thiết gì đến việc đẩy xe ba gác nữa. Bà Thọ lúc nào cặp mắt cũng sưng đỏ nhưng vẫn gắng gượng ra chợ buôn bán kiếm chút ít tiền. Vợ chồng hễ có dịp nói chuyện với nhau là ông Thọ mắng nhiếc, xỉ vả bà Thọ không tiếc lời. Ông Thọ nhắc đi nhắc lại rằng chính bà Thọ đã cổ vũ cho thằng Hiệp đi vào cõi chết.

 

Tôi đến thăm bố mẹ nó nhiều lần và lần nào bà Thọ cùng ngồi riêng với tôi hồi lâu để nhắc nhở đến thằng Hiệp lúc nó còn sống. Lúc nào bà cũng nói “con thì còn đây mà thằng Hiệp của bác thì đã mất...,” rồi bà khóc. Tôi xót xa nhìn bố mẹ thằng Hiệp và cảm thông được nỗi đau tận cùng của họ.

 

Một buổi chiều ông Thọ sau khi đẩy chiếc xe ba gác vào góc sân, lấy chai rượu trắng ra ngồi trước hiên nhà uống. Một lúc sau ông Thọ bắt đầu chửi. Ông Thọ kêu tên từ ông tổ trưởng dân phố, cho đến ông chủ tịch phường và những cán bộ chính quyền nào mà ông biết tên, ra chửi. Ông đi qua đi lại trước nhà, mặt đỏ như gà chọi, tay vung vít chai rượu trắng và ông chửi cả “cha già dân tộc Hồ Chí Minh”.

 

Hàng xóm láng giềng lúc đầu thấy ông chửi, vội vàng chạy qua bịt miệng ông lại và cố mang ông vào nhà. Tuy nhiên ông Thọ đẩy tất cả mọi người ra và tiếp tục chửi đảng cộng sản, chửi chế độ đã giết chết con ông. Ông dùng tất cả mọi ngôn từ “nghe chát chúa” nhất để chửi. Thấy ông chửi dữ quá, hàng xóm hoảng sợ kéo hết vào nhà đóng cửa lại vì sợ vạ lây.

 

Một lúc sau một đám công an và dân quân đeo súng ống đầy mình đến trước nhà ông Thọ. Tay công an phường ra lệnh cho ông Thọ im ngay lập tức nhưng ông không nghe. Hắn ra lệnh cho mấy tên dân quân mang súng vào bắt ông Thọ. Trong khi mấy tay dân quân này thấy ông Thọ dữ quá ngại ngùng chưa muốn bước qua cổng nhà ông, thì ông Thọ đã loạng choạng bước vào nhà.

 

Khi mấy tay dân quân vừa bước đến ngưỡng cửa thì một tiếng nổ đanh gọn vang lên bên trong nhà ông Thọ. Có tiếng bà Thọ kêu thất thanh. Mấy tên dân quân hết hồn, có tên nằm rạp xuống tránh đạn, có tên thì hoảng hốt bắn lên trời hàng loạt đạn AK làm cả xóm kinh hồn mất vía.

 

Một lúc sau khi đã hoàn hồn và không nghe động tĩnh gì khác, tay công an phường vẫy tay bảo bọn đàn em bước vào bên trong. Ngay trước bàn thờ thằng Hiệp, ông Thọ nằm sóng xoài với khẩu súng ru lô trong tay. Có một lổ thủng ngay bên thái dương của ông và máu từ đó tuôn chảy ra trên nền xi măng. Bà Thọ nằm bất tĩnh nhân sự gần đó.

 

Khẩu súng đó ông Thọ đã từng dùng trong suốt cuộc đời làm nhân viên công lực của ông. Dù đã có lệnh giao nạp toàn bộ vũ khí, ông Thọ đã quyết định giữ lại khẩu súng. Giờ đây ông đã dùng chính khẩu súng đó để kết liễu đời mình.

 

Không lâu sau ngày hôm đó bà Thọ lên cơn điên nặng. Bà xé áo xé quần, đập phá hết đồ đạc còn lại trong nhà và có khi còn cố gắng nổi lửa đốt nhà nữa.

 

Chính quyền và công an phường ra lệnh cho xe chở bà Thọ ra bệnh viện tâm thần ở Hòa Khánh.

 

Trên bàn thờ đôi mắt của thằng Hiệp như nhìn vào cõi hư không.

 

 

 Lê Đức Minh YKH-23

 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.