BÀI VIẾT KHÔNG TÊN

 

Có một thời tôi rất mê nghe nhạc Vũ Thành An. Những “Bài Không Tên” với các con số theo sau là những tác phẩm nổi tiếng của người nhạc sĩ một thời được yêu mến. Bài viết dưới đây không liên hệ gì đến các bản nhạc Không Tên; chẳng qua chỉ vì tôi không thể tìm ra một đề tựa ăn ý nhất cho câu chuyện muốn viết về một tấm hình. Một câu chuyện  dưới dạng connect the dots, để từ đó tìm hiểu nhân vật, qua sự góp nhặt từng bức thư chia sẻ – là những dots, dù là thư riêng nhưng lại thuộc loại tình chung.

Đầu tháng 2, 2021, bác sĩ Đoàn Thanh Long, một đàn em khóa 20 (1980-1986) đưa vào diễn đàn Y Khoa Huế Hải Ngoại một bức ảnh Văn Bằng Tiến Sĩ Y Khoa Quốc Gia cấp cho bác sĩ Huỳnh Ánh Nguyệt vào ngày 15, tháng 3, 1972, với lời viết ngắn nhưng đầy khâm phục “Bà ấy năm nay đã ngoài 80, ngày ấy đã giỏi mà còn đẹp nữa”. Trong văn bằng, ngoài chữ ký của 3 vị Giáo Sư Viện Trưởng Viện Đại Học Saigon, Khoa Trưởng Đại Học Y Khoa Saigon và Xử Lý Thường Vụ Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục VNCH, có tấm hình của cá nhân bác sĩ Huỳnh Ánh Nguyệt. Người trong hình làm tôi liên tưởng đến công chúa Audrey Hepburn, duyên dáng, ngây thơ, sống động với đầu tóc cắt cao, trong phim Vacances Romaines mà tôi từng thích thú xem nhiều lần, từ Huế vào đến rạp Vĩnh Lợi ở Saigon trong cuối thập niên 60.

Thật đúng khi người đời thường cho đằng sau mỗi tấm hình là một câu chuyện, vậy câu chuyện đằng sau tấm ảnh Văn Bằng này kèm theo tấm hình bác sĩ Huỳnh Ánh Nguyệt là như thế nào, tôi tự hỏi? Vì sao lại lưu lạc trên mạng giang hồ sau năm 1975. Bộ Giáo Dục, Bộ Y Tế VNCH và Đại Học Y Khoa Saigon có thể là nơi cất giữ bản nguyên thủy của Văn Bằng, ngoài một bản trao cho bác sĩ Ánh Nguyệt sau kỳ trình luận án Tiến sĩ Y Khoa Quốc Gia. Sau biến cố 1975, có thể chăng các nơi chứa hồ sơ của các cơ quan nói trên bị lục soạn, tìm hiểu, đánh cắp, loại bỏ theo kiểu tẩy xóa, đập đổ, đốt hủy tất cả tư liệu văn hóa “gìn vàng giữ ngọc” của chế độ cũ? Tôi không nghĩ chính đương sự có hình trong Văn Bằng lại đi phổ biến tài liệu cá nhân của mình lên mạng hay face book của mình vì Chị vốn có một cuộc sống kín đáo xa cách hồng trần từ rất lâu. Có thể chăng một người bán giấy tờ vụn nhưng có học thức, biết quý trọng giá trị của mảnh giấy nên giữ lại? Hay có chăng một bác sĩ đàn con cháu trong chế độ mới tìm thấy Văn Bằng khi làm việc tại phòng nhân viên của Bộ Y Tế trước đây, rồi giữ lấy nó như một loại antique quý báu? Hay phải chăng một bạn hữu, một đồng môn nào tình cờ lượm nhặt tờ Văn Bằng, hay mua nó lại từ chợ trời, và sau mấy chục năm cất giữ, bỗng một ngày nào đó muốn tìm thăm hỏi bạn mình nên chuyển tấm ảnh Văn Bằng lên mạng lưới, thầm mong bạn mình sẽ hồi âm?

Trong cuộc săn tìm dấu chân chim, tôi chuyển tấm hình Văn Bằng đến các diễn đàn y khoa thân thuộc rộng lớn hơn. Đến khi có vài mấu chốt làm sáng tỏ phần nào con người thật trên tấm Văn Bằng, tôi lại loay hoay với nhiều đề tựa khác nhau, không biết nên chọn cái nào. “Về Khung Trời Cũ”? Hay “Một Thoáng Hương Xưa”, hoặc “Tìm Màu Hoa Hương Cũ”, “Nối Kết Tình Bạn Qua Hình Xưa”, “Giải Mã Một Tấm Hình”, “Hình Xưa Bạn Cũ”, “Vang Bóng Một Thời”, “Connect The Dots -  Friendship Blosssoms”… Hay vẫn đơn giản giữ nguyên “Bài Viết Không Tên”, nghe cho có vẻ mơ hồ, và hấp dẫn bạn đọc. Thật thú vị và đầy ngạc nhiên khi tôi nhận những giải thích thân tình, đầy thán phục và ca ngợi từ những điện thư có ngày tháng và tên người gởi.

Xin quý bạn đọc ngồi vào ghế dựa, cài dây an toàn – như khi chúng ta đang di chuyển trên toa xe Back in Time của Disney World - cùng nhau đi tìm lại quá khứ của tuổi hoa niên –  trước khi đọc những dòng mails liên lạc sau đây, hiện lên từ từ trên màn hình trong Epcot Center.

 

Có quý đại sư huynh nào nhớ và biết đồng nghiệp này?? (kèm hình Văn Bằng)

V. Chánh. gởi lên diễn đàn tmg ngày 7 tháng 2, 2021

 

 

Begin forwarded message:

Y Khoa Hue Hai Ngoai <ykhoahue@googlegroups.com

 Bác ấy năm nay đã ngoài 80, ngày ấy đã giỏi mà còn đẹp nữa ...

Đoàn Thanh Long

 

Ngay liền sau đó là thư trả lời của anh Bát Sách:

Tôi không biết, Chị ấy cỡ tuổi tôi.

Bình.

Vì anh Bình không biết dù anh thuộc loại “Hán Rộng” nên tôi đành gởi thư hỏi riêng anh Thượng Vũ, một Encyclopédie sống, quen biết với rất nhiều nhân vật tên tuổi mà không ít người thuộc loại legendary:

Anh Vũ mến,

 Em không hiểu hình ở đâu mà có nhưng do 1 bs đàn em của YKH sưu tầm và gởi cho forum YKH Hải Ngoại xem.

 Em cũng có nhìn kỹ trên tấm hình, thấy năm sinh của chị là năm 1939, chắc thuộc khóa khá lớn, nhưng vì sao lại trình these vào năm 1972. Hơi trễ!?

 Em mong là chị BS. Huỳnh Ánh Nguyệt nhìn lại được cái bằng Tiến Sĩ Quốc Gia của mình.

 Thân mến, em V. Chánh

 

Không lâu sau, anh Thượng Vũ viết lại trên diễn đàn tmg cùng nhiều diễn đàn khác:

Thưa anh Bình

Đây là bằng cấp của chị BS Huỳnh Ánh Nguyệt, trước học Marie Curie, bạn của tôi từ ngót 65 năm về trước.

Nguyệt bây giờ ở Hawaii, ông xã trước là Professor về Radiology.

Nguyệt ra trường sau tôi 1 năm

Nguyen Thuong Vu.

 

Tôi đọc thư của anh Vũ mà lòng rộn lên. Thì ra người trong Văn Bằng vẫn còn trên dương thế. BS. Huỳnh Ánh Nguyệt hiện sống tại quần đảo Aloha, với nắng ấm hầu như quanh năm và biển xanh trong tầm mắt. Phải vậy chứ! Tấm hình với Văn Bằng bỗng trở nên sống động, là chứng nhân của một con người thật. Nhưng không chỉ vậy thôi. Vì trong vài hôm sau, tôi vô cùng ngạc nhiên và hạnh phúc nhận thư của 2 vị bác sĩ niên trưởng gởi riêng cho tôi. Người thứ nhất là người mà tôi rất kính mến, là Đích Thân của tôi trong TĐQY Nhảy Dù. Với người thứ hai, tôi chưa diện kiến lần nào dù biết tên. Như những tiếng chim bạt gió mãi tận từ Pháp Quốc và từ London/ UK, 2 vị cất tiếng gọi đàn khi chiều về, với tuổi vàng phản chiếu trong mắt và tình bạn nhộn nhịp trong tim. Cả hai vị hé mở thêm vài kỷ niệm về BS. Ánh Nguyệt, người bạn cùng lớp tại ĐH Y Khoa Saigon và cùng tốt nghiệp Y Khoa năm 1966.

Bác Sĩ Trần Đức Tường viết như sau:

Vĩnh Chánh thân,

Huỳnh Ánh Nguyệt năm nay 81 cùng lớp cùng groupe với mình. Gửi Vĩnh Chánh mấy tấm hình có Ánh Nguyệt còn có tên là "quatre cent trois" vì đi học có xe nhà Peugeot 403 tài xế đưa;

Trần Đức Tường QYHD-13

 

Bác Sĩ Trần Đức Tường là một con người kín đáo, hiếm khi xuất hiện trên giang hồ; năm thì mười họa tôi mới nhận được vài dòng chữ từ người. Nay Đích Thân lên tiếng, tôi phải thông minh để hiểu rằng, sau bao nhiêu thập niên mất dấu nhau, BS. Ánh Nguyệt vẫn để lại cho người bạn học cùng groupe với mình vô số ấn tượng đẹp và khó quên đến thế nào! Do anh Tường không có lời chú thích cho các tấm hình đen trắng, nên tôi vẫn không biết đích xác bác sĩ Ánh Nguyệt là người nào trong các hình này. Tuy nhiên dựa vào tấm hình mẫu trong Văn Bằng thì BS. Ánh Nguyệt phải là người cao, gầy, có mái tóc ngắn demi garcon. Vậy mời quý bạn đọc phỏng đoán cùng với tôi.

            Với 2 thư nối tiếp nhau của Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Bích, tôi có nhiều chi tiết hơn về người trong hình, và còn được thêm một tấm hình bonus về anh Bích với nhóm bác sĩ làm việc năm 1968 tại QYV Nguyễn Tri Phương, Huế:

Kính anh BS Vĩnh Chánh.

BS Huỳnh Anh Nguyệt học cùng lớp tôi trong suốt thời gian học y khoa ra trường 66 

Thời gian sinh viên chị đẹp, vui vẻ, dịu hiền thường di chuyển từ trường YK tới BV thực tập với BS Bửu Châu [ chắc anh biết ] trên xe Vespa , nhưng sau khi ra trường tôi không có tin nữa .

Anh có biết BS Tôn Thất Sơn ở Na Uy? Sơn và tôi là anh em con cô con cậu.

Tôi được biết tài của anh qua BS N.T. Vũ.

Thân mến.

BS Nguyễn Ngọc Bich [ London UK ]

 

BS Vĩnh Chánh thân mến.

Xin gửi ảnh hình chụp lớp tôi hồi năm thứ 3 sau giờ Bacteriologie của GS Nguyễn văn Ái có hình BS Huỳnh Ánh Nguyệt chị đứng hàng đầu thứ 2 từ phiá phải, tóc vấn cao trông đẹp và sang. Và hình tôi chụp ở QYV Nguyễn tri Phương với anh BS Đương và các bạn năm 1968. 

Thân mến, NNBich. London

 

 

 

 

Cám ơn thế giới ngày nay, tuy ảo mà thiệt, tuy thật mà lắm lúc lại fake, cung cấp cho chúng ta bao nhiêu thông tin một cách nhanh chóng, cho chúng ta nhận thư tín hình ảnh từ bất cứ nơi xa xôi nào gởi đến, không những vậy mà còn được nhìn thấy nhau qua Facebook, Facetime, hay Zoom…Liên lạc giữa các bạn bè, giữa các nhóm không còn là một vấn đề. Tình thân từ đó dễ kết nối và nở hoa, các dị biệt dễ cảm thông. Trong chỉ gần 2 ngày, từ một tấm hình không biết nói, tôi tìm biết được một đàn chị tốt nghiệp năm 1966, có lẽ thuộc loại con nhà quyền quý, học chương trình Pháp từ trường Marie Curie được xe nhà Peugeot 403 có tài xế riêng chở đi học, vì vậy mới có thêm tên cúng cơm là “Quatre Cent Trois”. Chị có lẽ là hoa khôi của lớp với tóc demi garcon, cao sang, thanh tú, vui vẻ và dịu dàng. Toàn là những từ ngữ mỹ miều cho một giai nhân – mà lại là một giai nhân có học. Các bạn cùng lớp chắc chỉ đứng xa xa mà nhìn, ngoại trừ nhiều khi Chị phải nhờ anh bạn hiền khô có dáng thư sinh Bửu Châu (RIP) đèo giùm sau xe vespa từ trường YK đến bệnh viện này, rồi qua bệnh viện khác, khi cùng nhau đi thực tập. Tiết lộ này từ BS. Nguyễn Ngọc Bích khiến tôi càng liên tưởng đến chàng ký giả Gregory Peck chở công chúa Ann trong Vacances Romaines! Xe Peugeot nhà khó mà biết công nương ở bệnh viện nào mà chờ, mà đón!? Thôi đành ngồi sau xe vespa là yên trí, vừa mát vừa phơi phới – dù có mưa thì mặc mưa - lại không một thám tử tư nào bắt được! Ui chao ơi là vui!

Bỗng nhiên tôi nhớ đến mấy câu thơ Áo Lụa Hà Đông của Nguyên Sa được nhạc sĩ Ngô Thụy Miên phổ thành nhạc:

Em ở đâu, hỡi mùa Thu tóc ngắn?
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng

Câu chuyện bỗng sống động hẳn lên, tấm hình trở nên vivid, có thêm linh hồn hơn nữa là khi tôi nhận được thư của chính bác sĩ Ánh Nguyệt viết do anh Vũ chuyển đến. Tôi xin giữ màu đỏ nguyên thủy của lá thư Chị. Vì qua màu đỏ thắm này, tôi có cảm giác câu chuyện rất thực này đang và sẽ lưu chuyển trong tim của bao bạn hữu xa gần, những người từng một thời là đồng môn với nhau,

 

Chánh ơi

Chị BS Huỳnh Ánh Nguyệt cám ơn Chánh. Email đính kèm

Cho anh thăm Minh Châu. Bisous,

Love. Anh Vũ 

Chuyen nay bat ngo (quelle bonne surprise) va vui that! Rat han hanh douc biet BS Chanh Vinh, da co nha y tham hoi.  Nguyet nam nay 81 tuoi, het dep roi! Neu co chang, thi chi la dep lao thoi (belle vieille)

Nho Vu chuyen loi toi cam on BS Chanh Vinh da quan tam den toi.

Men chuc Vu Cham Doan va cac chau Nam Moi duoc manh khoe, an vui va moi su nhu y.   

          Mong co ngay duoc gap lai.   Nguyet.

Chị đã biến mất sau ngày tốt nghiệp, sự kiện mà tôi nghĩ, không những vì các anh bắt đầu trở thành chiến sĩ Quân Y bay nhảy khắp lãnh thổ Miền Nam, hay “lang thang bên cuộc đời vội vã” mà cũng có thể chị lặng lẽ chóng yên bề gia thế, hay chị chọn nơi làm việc trên bàn giấy trong Bộ Y Tế thay vì trong các bệnh viện hoặc phòng mạch tư. Chi tiết Chị trình Luận Án Tiến Sĩ Y Khoa năm 1972, sáu năm sau khi tốt nghiệp, cho tôi có cảm tưởng Chị không cần hành nghề tư mà muốn một cuộc sống an nhàn, không bon chen, không mấy tranh đua.

Dù biết chị viết  “Mong có ngày gặp lại” là với anh chị Thượng Vũ Châm Đoan, nhưng tôi đây cũng mong có ngày gặp được người vang bóng một thời trong một lần hội ngộ nào đó của các vị niên trưởng cùng khóa 1959-1966. Để một lần chứng kiến các anh chị vui đùa thân mật bên nhau, sống lại những ngày xưa thân ái, cùng lúc điểm lại quân số khi số tuổi người nào cũng trên tám mươi. Với người nào cũng đẹp lão – Beaux Vieux, Belles Vieilles - cũng dễ xúc cảm, cũng dễ nước mắt lưng tròng, cũng ngây thơ hồn nhiên và dễ…chướng, ngang như cua, y như lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông.

Tóc đã bạc mà lòng vẫn chưa bạc
Răng đã mất mà cười vẫn còn thơ
Nụ hoa nào nở xanh như tình bạn
Ánh mắt nào vụt sáng khi nhìn nhau (
Vĩnh Chánh)

Trong phần kết, xin gởi tặng chị Ánh Nguyệt cùng các vị đang trên đường óng ánh lá vàng bài thơ Vieillir en Beauté (của Ghyslaine Delisle***) và bài thơ Vieillir en Beauté et en Sagesse của Félix Leclerc (***), được người BS đàn anh tài hoa Mùi Quý Bồng phóng tác trong vòng vài tiếng đồng hồ sau khi nhận bài thơ nguyên thủy bằng tiếng Pháp của tôi gởi trong chiều ngày 6 tháng 6, 2021. Bài thơ “Tuổi Già Trong Niềm Vui Và Sự Hiểu Biết” này làm tăng thêm màu sắc thanh nhã và sự trân trọng cho bài viết. Vô cùng cám ơn BS. Mùi Quý Bồng.

TUỔI GIÀ TRONG NIỀM VUI VÀ SỰ HIỂU BIẾT

 

Cách tốt đẹp bước vào tuổi già, 

Là bước vào với trái tim thơ

Không tiếc nuối, nhìn giờ, hối hận. 

Mạnh bước tới, lo âu không bận, 

Vì hạnh phúc tiềm ẩn mỗi thời. 

 

Già vui, là già cùng cơ thể, 

Giữ cho thân tráng kiện, mạnh khoẻ 

Bên trong, và đẹp đẽ bên ngoài.

Gắng sức, đừng bao giờ buông xuôi. 

Tuổi tác liên quan gì cái chết?

 

Già trong niềm vui, là giúp sức

Cho tha nhân vượt thoát khó khăn 

Khi mà họ đã mất lòng tin 

Thấy cuộc đời không còn êm ấm.

Cho họ biết bên cạnh họ vẫn 

Có bàn tay để nắm, khi cần.

 

Cách tốt đẹp bước vào tuổi già 

Là với lòng hăng say, tích cực 

Quá khứ, không bận tâm, thổn thức

Hãnh diện mái tóc bạc trên đầu,

Vì niềm vui, hạnh phúc mai sau, 

Vẫn còn đó, hơi đâu mà vội.

 

Già mà vui, là với thương yêu 

Luôn cho đi, không cầu hoàn trả. 

Vì dù bạn ở đâu đi nữa 

Mỗi ngày khi mở cửa bình minh 

Luôn có ai đón tiếng chào mừng.

 

Già phong cách, già trong hy vọng.

Tự bằng lòng mình khi chiều xuống.

Và khi thời gian điểm hồi chuông 

Thì chúng ta hãy tự nhủ lòng 

Chẳng qua chỉ là màn tạm biệt.

 

Đừng tiếc nuối tuổi trẻ bạn nha.

Được bước vào tuổi già, bạn ạ,

Là một đặc ân mà, thật ra, 

Nhiều người ước mong, nhưng không có.

 

MÙI QUÝ BỒNG

(phóng tác)

 

 

            Vĩnh Chánh,

Trung tuần tháng 6, 2021

Mission Viejo, CA

 

*** https://www.facebook.com/pstekateri/posts/482326081964223

**** https://www.inspirant.fr/vieillir-en-beaute.html

 

 

 

 


Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.