Nhân mùa Vu Lan năm nay, BBT chọn đăng bài “Ký Ức Tháng Bảy” của BS. Nguyễn Đình Bội Anh, một cựu SV YKH khoá 20. BS. Bội Anh và vợ, BS. Khổng Lê Diệu Dung, đồng môn và đồng khoá với nhau, định cư tại Ontario, Canada từ năm 2015. Trước khi rời VN, BS. Bội Anh hành nghề Nhãn Khoa tại các BV. Mắt Saigon và Pháp - Việt, và BS. Diệu Dung chuyên khoa Sản Phụ. Thay mặt BCH cùng quý ACE trong Hội YKH Hải Ngoại, chúng tôi chào đón vợ chồng BS. Khổng Lê Diệu Dung & BS. Nguyễn Đình Bội An đến với Hội. Và BBT ước mong vợ chồng Diệu Dung và Bội An sẽ thường xuyên có mặt trong vườn hoa 99 Độ, đem thêm nhiều hương hoa mới lạ cho trang nhà chúng ta. Như đoạn tìm thấy trong bài viết dưới đây: <<... Saigon thành một “nếp văn hóa mới” rồi. Gia chủ nào cúng mà có nhiều “cô hồn sống” tới xúm xít giựt vậy xem như là hên, vì họ có nhiệt tình thì trong năm cô hồn “thiệt” sẽ không quậy phá, để yên cho mà làm ăn nên ra>>.

BBT

Ký ức tháng bảy

Tháng bảy có mưa Ngâu và có ngày lễ Vu Lan. Những giọt mưa của Ngưu Lan – Chức Nữ đẹp, nghe lãng mạn nhưng nó mơ hồ với mình hơn là ngày lễ của Mẹ.

 

Hồi nhỏ ở dưới làng với Bà Nội, tới năm 9 tuổi mới lên thành phố với Mạ. Có lẽ lúc này mới lớn để hiểu và cảm nhận được ý nghĩa của ngày lễ Vu Lan, mặc dù hồi đó Bà Nội và Mạ có lẽ đều là hai người chăm sóc và thương yêu mình nhiều như nhau.

Ngày xưa, Vu Lan về là thấy hạnh phúc khi biết mình còn Mẹ, được chọn hoa hồng màu Đỏ cài lên ngực áo, cảm thương cho một bạn nào đó cài hoa hồng Trắng khi gặp nhau trên Chùa và rất sợ cái ngày mình phải chọn icon hoa hồng Trắng đó. Bây giờ thì mình không quan trọng màu hoa đến thế nữa, chỉ thấy tiếc là không làm ráng được thêm một cái gì đó cho Ba Mẹ hồi còn sống thôi. Có lẽ ai cũng vậy.

Nhớ mang máng học trò hồi xưa đi học thường dùng cuốn tập 50 trương (trang) hay 100 trương (tính luôn bìa). Bìa trước in hình cái ông đạp xe Cyclo máy hay cái ông vận động viên Olympic cầm cây đuốc với quả địa cầu, bìa sau in bảng Thời khóa biểu và Bảng cửu chương. Nói chung là vậy, nhưng có khi vài cuốn tập in khác đi ví dụ như có cuốn bìa sau in hình minh họa chuyện Mục Liên – Thanh Đề, hiếm lắm. Hình tóm tắt chuyện tại sao mẹ của Mục Kiền Liên bị đày xuống địa ngục và ông đã trì chí làm nhiều cách để giải thoát cho mẹ. Khi tìm đọc thì chuyện dài lắm, nhưng đại khái là sau bao nhiêu việc thiện, lấy tâm đức của mình xin thế tội lỗi cho các vong hồn phạm tội, trong đó có Mẹ mình, thì cuối cùng thì ông cũng nghe thấy tiếng Mẹ văng vẳng trên không là bà đã thoát kiếp địa ngục rồi, và từ đó ngày rằm tháng bảy, mọi người theo lệ cũng đều cúng Vu Lan bồn.

Câu chuyện được viết thành Kinh để nói lên tính nhân quả trong cuộc sống, khuyên mọi người nên làm việc thiện - bớt làm việc ác, và nêu cao lòng hiếu thảo của người làm con đối với cha mẹ.

Nói chuyện cúng rằm tháng bảy hồi nhỏ thì buổi trưa ông bà Nội có cúng lễ Vu Lan và tụng kinh trên bàn thờ Phật cái gì đó không nhớ lắm, nhưng sau trưa thì có làm cái bàn cúng ngoài sân gọi là cúng thí thực, cho vong linh các vong hồn chưa được siêu thoát. Cái bàn này mấy đứa nhỏ thích vì có khoai sắn luộc, cháo trắng, kẹo, bánh men và các hạt nổ đủ màu xanh đỏ trắng vàng, gạo, muối hạt…Cúng xong mấy chú thường hất tung gạo, muối, hạt nổ, cháo, nước… quanh sân. Mấy con gà cục cục chạy tới ăn thỏa thích. Mấy đứa nhóc xúm nhau xin bánh men hay lụm hạt nổ ăn thiệt vui.

Thời gian trôi đi cho tới một ngày đang chạy xe giữa đường phố chợt nghe ồn ào, tiếng người la í ới, tiếng máy xe hai bánh gầm rú… thấy một thanh niên chụp con heo quay nhỏ hay gà quay gì đó bọc trong giấy đỏ từ một cái bàn cúng kê trước sân nhà, chắc là của một công ty, nhảy lên yên một thanh niên khác ngồi sẳn trên chiếc Spacy, rú ga chạy. Mấy người lớn, con nít nhao nhao chạy vào chụp giựt đồ cúng còn lại trên bàn. Mọi thứ văng tung tóe và nháo nhác như một đám đánh nhau.

Anh bạn ngồi sau nói cúng cô hồn tháng bảy đó. Anh kể công ty anh mà cúng cũng vậy, từ khi bày bàn lên tới khi thắp hương xong là hai bảo vệ phải đứng canh con heo quay kẻo không là chúng giựt ngay, mấy thứ khác thì không cần. Canh vậy chớ mà có khi cũng bị cô hồn nhảy vô cướp. Giựt qua giựt lại vui như ngày hội cướp phết. Đám người đi giựt đồ cúng này trước đây còn kiên nhẫn chờ hương tàn tí, còn sau này, khỏi. Thấy gia chủ mới van vái cắm hương cái là nhào vô giựt chạy ngay.

Bây giờ tới tháng bảy, không biết các thành phố khác sao chứ ở Sài gòn là nó thành một “nếp văn hóa mới” rồi. Gia chủ nào cúng mà có nhiều “cô hồn sống” tới xúm xít giựt vậy xem như là hên, vì họ có nhiệt tình thì trong năm cô hồn “thiệt” sẽ không quậy phá, để yên cho mà làm ăn nên ra.

 

Già rồi, nhớ chuyện tầm phào. Tâm vẫn cầu mong cho bạn bè, người thân, ai còn Cha Mẹ luôn được an khang, trường thọ và sum vầy với con cháu.

 

 

 

Mississsauga, Sept, 2020

Mùa Vu Lan

Nguyễn Đình Bội Anh

YKH-20


 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.