MD vs RN

 

Vào một sáng sớm mùa đông của năm trước, chị Thanh trong nhóm thể dục đã gọi tôi với giọng nói vui vẻ để chúc mừng Merry Christmas. Tôi cũng chào chị với một câu như vậy và hỏi thăm chị lâu nay có khỏe không. Chị bảo chị mới bị giải phẫu hysterectomy và sau đó thì vết thương bị nhiễm trùng, bác sĩ phải gởi nurse chăm sóc vết thương cho chị tại nhà. Thế là chị thao thao bất tận về cô nurse tây đã đến nhà chị.

 

Chị bảo sao cô nurse này giỏi quá, tui hỏi gì cô cũng biết và trả lời một cách dễ hiểu còn hơn ông bác sĩ của tui nữa; cô ăn nói nhẹ nhàng làm tui cảm thấy bớt lo âu, nhẹ hẳn cả người. Từ hồi nghe bị mổ rồi vết thương nhiễm trùng tui mất ăn mất ngủ, giờ yên hết rồi tui mừng lắm.

 

Chị Thanh thở dài rồi buộc miệng nói một câu: “Phải chi cô nurse nầy làm bác sĩ thì bệnh nhân sẽ mau lành bệnh biết mấy và tui sẽ là người đi khám đầu tiên.” Tôi cười thầm và trả lời: “Nếu cô nurse đó là bác sĩ thì chắc gì cô có thì giờ để giải thích cặn kẽ cho chị, rồi cũng như các bác sĩ khác thôi, vì đó là nghề của nàng mà, chị đừng so sánh làm chi cho mệt, gặp người nào đối xử tốt với mình thì cứ vui lúc đó, rồi lúc gặp người ta bực bội càu nhàu thì mình cũng cho qua, để cho cái tâm mình được yên ổn nghe chị.” Chị Thanh liền phân bua: “Tôi biết chứ, trời có khi mưa khi nắng, lòng người cũng khi nắng khi mưa, khi gặp trời nắng tốt thì tôi khen trời đẹp vậy thôi, chứ gặp trời mưa thì không muốn than thở gì cho buồn người khác, cứ để buồn vào hồn không tên…”

Thế là hai bà cười he he… với nhau. Mấy chị bạn lâu lâu gọi nhau nói mấy câu rồi cười hí há một chút cũng đủ vui suốt cả ngày.

 

Hồi đi học nursing, cũng mấy tuần sau tôi mới phân biệt rõ công việc của ngành y khoa và ngành điều dưỡng, tuy hai mà một, tuy một mà hai như cặp vợ chồng vậy. Chung quanh họ còn có những bà con quyến thuộc, nào là PSW, SW, PT, OT, Pharmacist, Cleaner, Management… Học nursing cũng phải học physiology, anatomy, pathology, pharmacology,… để biết bệnh tật của bệnh nhân, bệnh diễn tiến ra sao, và để hiểu những order của bác sĩ. Những môn này tôi có lợi thế hơn vì đã học qua, nhưng phần chính của nursing là nursing theory, một cái nhìn toàn diện về cuộc sống của bệnh nhân với bệnh tật nên ngành nursing phải học communication, psychology, sociology, religion, psychiastry, nutrition, …

 

Môn học khó nhất đối với tôi là therapeutic communication, nói làm sao mà phải phản ảnh sự thật nhưng không làm bệnh nhân buồn hoặc phẫn nộ, vì sự thật trần truồng luôn làm cho người ta đau lòng. Nói sao cho người ta vui vẻ yên tâm để chữa bệnh chứ không làm họ thêm lo âu. Những môn này khá mới mẻ với tôi, không những mới mà còn khó vì tôi là ESL student, ngôn ngữ đã giới hạn mà văn hóa cũng quá khác biệt trong một thành phố có nhiều di dân. Có những điều tôi cho là đúng ở VN thì ở đây là cấm kỵ. Sau một thời gian tôi cũng khám phá ra là cái gì VN cho là đúng thì ở đây là sai, cứ đối nghịch lại cho dễ khỏi phải suy nghĩ nhiều. Thời nay có sự toàn cầu hóa nên Đông Tây không khác biệt lắm chứ thời tôi đi học thì văn hóa Đông Tây vẫn còn cách biệt lớn, nhất là lúc nhà nước ta chưa mở cửa ra thế giới bên ngoài, nên bấy giờ thì tôi phải học ăn học nói học gói học mở lại một lần nữa theo kiểu của Toronto.

 

Hồi còn ở VN người ta cho có da có thịt là đẹp vì đó là biểu tượng của sự giàu có và sung túc, nhưng ở đây quở ai có da có thịt là không sexy, nên khi gặp lại cô bạn người da trắng ngồi bên cạnh sau mấy tháng hè, tôi thấy cô đẹp hẳn ra nhờ da thịt hơi đầy đặn, tôi bèn quở: “You look good, you gain some weight during the summer.” Vậy là cô lườm tôi một cái rồi quay đi chỗ khác, làm tôi cứ phân vân không biết tại sao. Đến giờ ăn trưa tôi nói chuyện với chị bạn người Phi, chị bảo: “Ở đây mà chị đụng tới chữ weight của mấy cô trẻ đó là họ buồn lắm, không chơi với chị là phải rồi.” Khi nói chuyện xã giao, thì mình cứ khen, xấu tốt gì cũng khen, mặc cái áo thùng thình như mặc khín áo của ai cũng ráng nói “I like your shirt”, thì được câu trả lời “you make my day”, vì ở cái xứ đa văn hóa này thì cái gì cũng đẹp tùy theo cách nhìn của mình, chớ ở theo kiểu VN bảo cái áo đó “too big for you” là vỡ nợ, gặp cô hiền thì bỏ đi, gặp cô dữ thì cho mình một cái nhìn sắc bén rồi mới bỏ đi.

 

Khi gặp những tin xấu cần phải thông báo với bệnh nhân thì nurse phải dè dặt và luôn cho họ một niềm hy vọng nào đó để sống, họ sẽ từ từ hiểu được bệnh tình của mình, có thì giờ để chấp nhận và đối phó với nó. Một bác bệnh nhân VN qua đây đã lâu nhưng chỉ biết làm nghề sửa sang nhà cửa cho cộng đồng nên ít tiếp xúc với thế giới phương Tây, đến khi ông bị chẩn đoán prostate cancer ở giai đoạn ba, ông đi gặp các bác sĩ chuyên khoa và những cô nurse trong khoa phòng. Lúc về ông nói với tôi là cách ăn nói và đối xử của nhân viên y tế ở đây hay quá làm tôi mát cả ruột, tuy tôi phải dùng hệ thống thông dịch. Giờ thì có chết tôi cũng cam tâm ra đi không thắc mắc gì nữa.

 

Cái môn communition nầy học thì dễ mà thực hành thì khó. Chỉ chuyện Yes/No, He/She cũng mất thời gian mới quen. Rồi non-verbal communication làm tôi nhiều khi lẫn lộn.

Ở VN khi nói với người lớn mà nhìn thẳng vào mặt họ là hỗn, là thách thức, còn ở đây nói mà không nhìn thẳng vào người đối diện là biểu hiện của sự gian dối hoặc yếu đuối. Nói chuyện thì phải biết lên giọng xuống giọng và khuôn mặt phải diễn tả điều mình đang nói, chứ nói bằng bằng và cái mặt bất động là biểu hiện của sự mệt mỏi thấy chán, đôi lúc người ta khó hiểu. Gặp người thì ôm hôn má với nhau là chuyện thường, gặp người Pháp thì thân thiện tình cảm, còn gặp người Anh thì nên đứng xa ra để có personal space, và không được đụng tay đụng chân…

 

Nursing học gì nữa nhỉ? Về skill thì có sự quy định rõ ràng, thủ thuật nào nurse có thể tiến hành, thủ thuật nào thì không được đụng tới, thường thì những phần nông cạn trên cơ thể như chích thuốc, lấy vein, và chăm sóc tất cả loại ống trên cơ thể bệnh nhân, ống thông tiểu, thông dạ dày, thông mật, thông khí quản, thông ruột non ruột già… bất cứ gì thông ra ngoài là của nurse. Những gì phải đi vô sâu bên trong, vô tận buồng tim lá phổi, lá gan lá lách, ruột non ruột già, quả thận… là của bác sĩ.

 

Nhưng than ôi …, cái gì đi vô bên trong mới là tinh hoa còn cái gì đi ra ngoài là phế thải nên nurse nghèo hơn doctor, nhất là bác sĩ chuyên khoa càng vô sâu trong các cơ quan thiết yếu thì càng nhiều tiền, bù lại nurse có cái tâm như biển rộng để xử lý những phế thải đó.

 

Nếu nhìn theo quan điểm của cụ Nguyễn Du “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”, tài là tiền, có tài là có tiền, thì rốt cuộc bên MD tám lạng, còn bên RN cũng được nửa cân.

Một hồi tôi phải đơn giản hóa cho dễ nhớ là cái gì đi ra là của nurse, cái gì đi vô là của bác sĩ, ngay cả thuốc men đi vô cơ thể bệnh nhân phải có order của bác sĩ, nurse chỉ làm công việc đẩy thuốc vào nên phải nhớ khi cho thuốc thì phải đọc kỹ order, theo đúng năm điều: đúng bệnh nhân, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng ngày giờ, và expired day, chứ sai một ly đi một dặm. May mắn phần lớn các loại thuốc đều được các dược sĩ ngồi một chỗ tập trung đầu óc để chuẩn bị sẵn sàng, ready to use, chứ nhiều khi nurse phải chạy lui chạy tới lo nhiều chuyện nên sự lầm lẫn là không thể tránh khỏi.

 

Công việc của bác sĩ là chẩn đoán và điều trị. Công việc của nurse là giúp bệnh nhân thực thi order của bác sĩ và sống với bệnh tật. Tiếng Việt mình ngày xưa gọi nurse là y tá vì còn phụ thuộc vào ngành y, y tá là phụ cho y sĩ. Hơn nữa thế kỷ nay ngành nursing đã trở thành tự trị và gọi là ngành điều dưỡng, vậy mà có mấy bác VN mình nhiều lúc chưa biết nên vô bệnh viện thăm bệnh nhân mà cứ đòi đi méc bác sĩ vì cô y tá không làm cái này cái kia.

 

Nurse còn phải có cái tâm vững vàng để giúp bệnh nhân chống đỡ trong những tình huống đau buồn hay khó quyết đinh. Có khi nurse phải giúp cho bệnh nhân và gia đình họ hiểu rõ bệnh tình và chọn cách giải quyết tốt nhất. Có khi giúp bệnh nhân làm quyết

định trong những lựa chọn về phương pháp điều trị, càng ngày với sự lớn mạnh trong nền y học thì càng có nhiều lựa chọn, nurse động viên bệnh nhân nói lên tiếng nói của mình, không bị sự áp đặt. Dĩ nhiên nhiệm vụ của bác sĩ cũng phải đưa ra cho bệnh

nhân biết những pros and cons trong sự lựa chọn đó, nhưng nhiều khi bác sĩ ít thì giờ không đi sâu vào cuộc sống toàn diện của bệnh nhân, hoặc bệnh nhân trong tình trạng căng thẳng, xúc động nên nhiều khi không hiểu được bác sĩ đã nói gì, nhất là những

bệnh nhân không có trình độ hiểu biết về y học, mà bác sĩ thì cứ dùng từ y học.

 

Ngày nay doctor google và doctor youtube… có thể giúp bệnh nhân tự tìm hiểu để có vài khái niệm về bệnh tật của mình, nhưng càng ngày càng bị lạm dụng vì sự đăng tải quá nhiều, bệnh nhân có thể lẫn lộn. Nói chung thời gian của bác sĩ thường giới hạn, ít hơn, nên nurse phải đảm nhận công việc giải thích và phòng ngừa bệnh tật nhiều hơn gọi là công việc teaching. Trí thông minh nhân tạo trong những apps cũng giúp nhiều cho cả MD và RN trong việc tiết kiệm thì giờ suy nghĩ và tra khảo.

 

Bác sĩ thì lo phần xác của bệnh nhân nhiều hơn là phần hồn. Nurse thì lo phần hồn nhiều hơn phần xác. Xác có mạnh khỏe thì hồn mới thơi thới, hồn có yên ổn thì xác mới ăn ngon ngủ yên. Bởi vậy bác sĩ thì dùng cái trí để tổng hợp fact data trên cơ thể

bệnh nhân làm chẩn đoán rồi điều trị bệnh, còn nurse thì lấy data bằng feel để biết biết bệnh nhân vui buồn lo lắng ra sao, ăn ngủ thế nào nên dùng cái tâm nhiều hơn. Những người làm trong ngành y tế đều phải có cái tâm, cái trí đạt đến một mức nào đó để có thể vui vẻ hành nghề suốt một thời gian dài cho tới khi tâm trí bắt đầu xuống dốc, có khi vượt cả tuổi hưu. Bệnh nhân thường nhờ nurse để xả bầu tâm sự, vì nurse nghe tai nầy rồi bỏ ra trong bầu không khí chứ không bỏ qua tai người khác như nghề nghiệp đã quy định trong chữ “confidential”. Ở những thành phố lớn nhiều khi chẳng biết tin ai, nói với họ rồi chuyện ít xít ra nhiều, đôi khi nó trở lại hại mình, nên bệnh nhân thường muốn được mở lòng với nurse.

 

Làm nurse như làm vợ trong nhà nên thường là nữ, làm bác sĩ như làm chồng nên thường là nam. Vậy mà thời buổi này âm đang thịnh hay nói cách khác là phụ nữ đã vùng lên nên con gái đi học y khoa còn nhiều hơn con trai, con trai đi học ngành điều dưỡng cũng không thiếu. Trong gia đình thì đàn ông làm house husband càng tăng, đàn bà trở thành bread winner càng phổ biến.

 

Vợ và chồng thì thường chỉ có vài điểm chung căn bản và rất nhiều điểm riêng. Hai điểm chung lớn của RN và MD là communication và intergrity. Communication thì ăn nói thì phải chuẩn mực, rõ ràng, phát âm cho đúng, nói sao cho người nghe cảm thấy yên lòng, nhưng phải đúng sự thật, không nói ngọt, không nói như kiểu mị dân để cho xong chuyện. Tuy mỗi người mang accent khác nhau vì không mấy người có thể thay đổi accent của mình nhưng phải nói cho rõ, nếu cần thì phải nói chậm lại. Khi cho toa thì MD ráng viết sao để người khác có thể đọc được. Từ lúc computer được xử dụng trong documentation thì mọi người có thể đọc dễ dàng, toa thuốc được đánh máy rõ ràng. Hồi làm nurse tập sự trước khi ra trường nhiều khi tôi phải ôm cái order của bác sĩ chạy đi hỏi vì tôi không dám đoán chữ, sợ sai là khổ cho bệnh nhân và cả nurse.

 

Intergrity là sự trung thực, tuân theo đạo đức lương tâm của con người, phục vụ bệnh nhân theo cùng một tiêu chuẩn, không double standard, làm gì cũng cứ coi như có người đang nhìn mình dù làm một mình. Bệnh nhân giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, là những người cần sự cứu giúp, mạng sống của họ trong tay của mình thì đừng dùng cái thế của mình để lợi dụng hay trục lợi. Đừng nhận tiền bạc, quà cáp của công ty dược để cho bệnh nhân thuốc họ không cần đến gọi là “conflict of interest“.

 

Không một quan hệ nào khác hơn với bệnh nhân ngoài việc chăm lo sức khỏe cho họ, và phải giữ một khoảng cách nghề nghiệp nào đó giữa MD hoặc RN với bệnh nhân để khỏi xảy ra những chuyện đáng tiếc. Bệnh nhân có đẹp như tiên nga, cũng coi như hình tượng, có thích lắm thì nhìn một chút chứ đụng vào là có thể tiêu tan sự nghiệp, nhất là cái thời buổi này đi đâu cũng có camara, tape recorder, phone line trình báo quá phổ biến. Bệnh nhân có giàu bao nhiêu cũng không được móc ngoặc, không khèo, không nháy mắt, đá chân, không quà cáp, ngoại trừ một hộp chocolat nhỏ, hoặc ly cafe… để tỏ lòng cám ơn, tất cả đều có trong những quy định professional misconduct. Những người làm trong ngành y tế phải có cái tâm vững vàng để tránh được những cạm bẫy đó.

 

Hồi mới ra trường tôi xin làm cho một bác sĩ VN mới mở văn phòng để có kinh nghiệm. Một ông bác có vẻ như văn nhân hồi xưa ngồi chờ khám bệnh. Bỗng nhiên một phụ nữ trẻ với chiếc váy rất sexy, mang giày gót nhọn bước vào lấy cái toa thuốc thoa xức gì đó. Bác nhìn cô với cặp mắt chẳng thích tí nào. Khi bước ra ngang qua mặt ông bác, cô õng ẹo trên đôi giày cao, liếc bác một cái mới ra khỏi cửa. Bác nhìn tôi lắc đầu nói: “Cô coi, cái xứ gì lạ kỳ, ăn mặc hở ngực, hở đùi, môi bơm láng bóng, mắt liếc đen thui, vậy mà đàn ông đụng tới thì la làng bảo là xâm phạm tính dục, rồi bắt đàn ông tụi tui đi tù, có tức không. Tui mong ông bác sĩ này đừng rơi vào cái bẫy đó để ông còn khám

bệnh dài dài cứu nhân độ thế. Ông bác sĩ này giỏi lắm đó cô, bạn bè tôi ai cũng khen ổng.

 

Tôi nói: “Dạ Tây khác với Đông, bên mình thì mặc áo che tận cổ, quần sà duới đất, mà con thì sinh năm một, còn ở đây vậy mà tỉ lệ sinh đẻ còn thấp lắm bác.” Bác trả lời ngay: “Chớ cô coi cái gì phát tiết ra ngoài thì đâu còn nội lực, mà có thằng nào đụng vào được đâu mà đẻ. Tui già rồi không nói làm chi, khổ cho mấy thằng trẻ cứ nhìn hoài mà không… làm gì được.” Vậy là tôi bắt đầu thấy chạm tới cái khoảng cách nghề nghiệp giữa nurse và bệnh nhân nên phải xin cáo từ vào bên trong làm việc khác.

 

Cô con gái Kelly của người bạn đồng hương học rất giỏi, cô muốn vào học ngành y nhưng ngại học khó và lâu năm, cô đang chần chừ muốn nộp đơn vào ngành điều dưỡng. Nghe nói tôi đã làm cả hai nghề nên cô muốn đến nói chuyện với tôi nhưng lại đến trễ cả hai tiếng đồng hồ. Tôi vừa gọi Uber để đi gặp bác sĩ theo hẹn thì cô bước đến trước nhà, tôi chỉ có mấy phút đứng chờ Uber để trả lời một câu hỏi cấp bách của cô là sự hoạt động giữa hai ngành như thế nào và tôi có thể cho cô một lời khuyên chứ cô đang đứng giữa ngã ba đường khó quá. Tôi cố gắng trả lời ngắn gọn để cô dễ hiểu.

 

Tôi bảo: “Con cứ hình dung rằng sinh hoạt trong một bệnh viện hay trong một clinic cũng giống như trong một gia đình. Nurse là mẹ, doctor là cha. Cha lo làm tiền, mẹ lo tiêu tiền, mẹ phải biết cha làm bao nhiêu để tiêu cho đúng. Bác sĩ đưa ra order, nurse phải biết cách thực thi order như thế nào. Cha tạo ra cái nhà, mẹ tạo ra tổ ấm, bác sĩ lo chẩn đoán và điều trị là hai việc quyết đoán nên phải học nhiều hơn, điều dưỡng giúp bệnh nhân sống với bệnh tật, đỡ lo lắng, ăn ngon ngủ kỹ nên học ngắn hơn một nửa. Cha là cái mái nhà che mưa che nắng, mẹ là bữa ăn ngon, là vòng tay xoa dịu nỗi đau, doctor dùng trí nhiều hơn tâm, nurse dùng tâm nhiều hơn trí. Cả hai MD và RN họp thành một đơn vị để chăm sóc bệnh nhân hữu hiệu và vẹn toàn. Không cha cũng không được, không mẹ cũng không xong. Cha làm tiền nhiều hơn mẹ, mẹ làm việc nhà không công nhiều hơn cha nên hay nói nhiều. Con cái thường gần gũi và thương mẹ nhiều hơn cha. Tuy là một đơn vị nhưng hai ngành khác nhau không lệ thuộc nhau. Nurse làm lỗi thì có head nurse quở phạt, Doctor làm lỗi thì có bác sĩ trưởng sửa lưng, chứ hai ngành không được đụng vào nhau nên cửa nhà đều êm thắm.

 

Đó là tất cả những gì dì có thể nói trong mấy phút, con muốn làm cha hay làm mẹ thì con chọn đi, dì không chọn cho con được. Con tự xét lại mình giỏi cái gì hơn, toán lý hay văn chương, giỏi cả hai thì coi lại giỏi tới mức độ nào so với toàn tỉnh. À, một điều nữa là cả hai ngành đều không được đi trễ đâu nha. Dì phải đi đây, Uber tới rồi. Cô bé Kelly đứng cúi đầu chăm chú nghe nãy giờ, bỗng ngẩng đầu lên chưng hửng nhìn tôi đang quay lưng đi rồi mới nói với theo: “OK, understood, thank you.”

 

Lê Cẩm Tú

YKH-13

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.