MỘT NGÀY MƯA TRONG MÙA THU

 

Chiều hôm qua, chúng tôi “rà” thời tiết cho ngày mai, một thói quen của mỗi ngày để chọn đúng áo quần cho cháu Bồ Câu mặc ngày mai. Kết quả như sau:

“Đài truyền hình chạy tin:
Có mưa 100%
Mưa lai rai - Cả ngày luôn cả đêm
Trùm mền nghe nhạc
Hạnh phúc bình yên
Mộng xuân tình, chan hoà suốt năm canh”.

Mấy ngày trước, tôi nghĩ sẽ có mưa khi thấy có nhiều lằng kiến đen bò xung quanh nhà, và vào tận garage. Không ngờ mưa ngày hôm nay lại lớn ghê. Lâu lắm Nam Cali mới có một trận mưa như thế này. Thật là tuỵệt! Một đêm ngủ không mộng mị, giữa tiếng mưa rơi bên ngoài và tiếng thở bình an của người bên cạnh. Tờ mờ sáng nhìn xuyên qua cửa sổ thấy cành lá lay động, có gió và mưa nặng hạt. Đến giờ phải thức con dậy.

 

“Sáu giờ thức con dậy

          Áo quần tiêm tất chờ

          Xe bus chở đi học

          Khi điểm tâm vừa xong

          Con đà trên bốn mươi

          Non nớt như thiên thần

          Đời như hoa chùm gởi

          Trăm sự nhờ mẹ cha”

          Xe bus đến trể gần cả giờ - vì mưa? Cho con bé chơi keyboard, tôi nhìn ra sân trước. Mưa không ngừng, mưa liên tục, mưa triền miên. Mưa nặng hột, mưa xối xả, mưa dai dẳng. Mưa tơi bời, mưa tầm tã, mưa dầm dề. Mưa và mưa. Dù có gió lạnh kèm theo, dù thích cảm giác  ướt át khi chạy ra bên ngoài khiêng các chậu hoa, nhưng dù thích bao nhiêu và thích rất nhiều, mưa này không thể giống như mưa của xứ Huế tôi hằng sống suốt thời niên thiếu của mình. Một thứ mưa rỉ rả, rề rề, lách tách, li ti, dai dẳng, dầm dề, kéo dài lê thê ngày này qua tuần nọ, làm thúi đất, làm lòng người da diết, sầu mộng, dễ ngậm ngùi; Với mưa là mây vần vũ, bầu trời xám xịt thấp hẳn xuống đem theo nỗi chán chường cứ thấm dần, rồi nằm mốc một chỗ. Tâm can cô đọng, đóng rong rêu; Có khi mưa như thác đỗ, khi như gào thét kèm theo sấm sét, khi tí tách trên tàu lá chuối, khi lộp độp trên mái nhà tôn. Nhưng nhớ nhất là cái lạnh buốt từ ngoài vào tận xương, do luồng gió lạnh tê tái thổi re re qua kẽ hở vách nhà, do áo quần phơi không kịp khô, khiến ta có cảm giác như mưa cứa vào nỗi đau thân phận, mưa chạm vào nỗi nhớ triền miên, mưa làm xáo trộn nhịp sống sinh kế.

                   Những lúc ấy, hạnh phúc nhất là quây quần xung quanh bếp than với anh chị, trùm mền co ro trên giường nằm nghe tiếng mưa rơi trên mái nhà, trên các lá chuối cạnh cửa sổ, hay chia nhau một miếng kẹo gừng, một miếng quế cay nóng, một vài hột bắp rang, đậu phụng rang; hoặc tắm mưa và chạy rong chơi dưới cơn mưa với chúng bạn trong xóm, làm thuyền giấy thả trên các dòng nước mưa, lội bộ đi chơi nước lụt…

Rồi tôi cũng hồi tưởng lại những ngày mưa nhiều hơn nắng, trên đồi đóng quân hay trong rừng rậm khi vào trận chiến đầu đời tại phía Tây Đà Nẵng trong các tháng 8, 1974 cho đến tháng Giêng, 1975. Những trận mưa rừng dai dẳng, với ướt rét lạnh, bồn chồn, lo âu, can cường dưới những cơn mưa pháo.

Xe bus đến, cắt ngang dòng tư tưởng của tôi về mưa Huế. Bồ Câu đi xong, đến phiên sửa soạn cho cháu ngoại đi preschool. Nhìn cháu nằm êm ấm trong chăn mà tự nhiên nghĩ đến những đứa con nít khác hẩm hiu, mồ côi mà lòng trắc ẩn. Thằng nhỏ nhìn ông Ngoại mặc đồ lính, hỏi “Are you soldier today?” – “Yes. You need to be very good with grandpa, and prepare yourself fast, go to eat breakfast then go to preschool”. Nó hơi gờm, nhưng có phần “nể” ông ngoại, nên không cà rề như mọi ngày khác.

 

Hôm nay mưa, hôm nay cũng là ngày bầu cử giữa nhiệm kỳ. Sự trùng hợp này khiến tôi có cảm tưởng như có một sắp đặt linh thiêng nào đó. Như thể cơn mưa lớn này sẽ mang đến một niềm tin lạc quan  hơn, như người đời thường nói “Sau cơn mưa trời sẽ sáng”. Trong tinh thần như một người lính xuất trận, tôi đi bỏ phiếu với cảm tưởng như ra trận với áo hoa dù và mũ đỏ, bất chấp địch đang ở thế thượng phong, quyết xử dụng lá phiếu của mình như viên đạn chống lại sự nhiễu nhương.

Năm nay, phòng phiếu đặc biệt thật đông người. Mấy lần trước không hề có chuyện sắp hàng. Nay vợ chồng chúng tôi phải chờ khá lâu; 45 phút sau mới bầu xong. Trên đường đến Little Saigon mua chút thực phẩm, mưa vẫn tiếp tục, khi nặng khi nhẹ; xe tuy không nhiều nhưng xe nào cũng chạy chậm lại vì đường ướt nguy hiểm. Trên xe, chúng tôi mở nghe bản nhạc “MƯA CALI NHỚ THÀNH NỘI” do anh Võ Tá Hân bất chợt gởi đến sáng hôm nay qua email – Như một hòa điệu của thần giao cách cảm. Càng nghe bản nhạc này lại càng nhớ Huế. Cám ơn anh Võ Tá Hân chia sẻ đúng lúc.

                             https://www.youtube.com/watch?v=Zx-61WZ4mi0

 

          Xong một vòng chợ, chồng mời vợ đi ăn trưa tại quán Hòa Bình – cái tên thật tình cờ trong cầu nguyện, đúng lúc cho tình trạng chính trị hiện nay của thế giới và của nước Mỹ - hai đứa chia nhau một tô mì xá xíu hoành thánh ăn trước - ngon ghê vì vừa ăn vừa thổi trong khi bên ngoài mưa gió - rồi một dĩa cơm tấm đủ thứ hầm bà lằng, rứa rứa, không mấy ngon cho lắm. Rứa rứa! - E cũng có thể áp dụng cho bầu cử này. Sau ăn trưa, lại lái xe đi vài ba nơi trước khi về, để chờ đón Bồ Câu được xe bus chở về nhà trước 3 giờ chiều.

          Nhân khi trời tạm ngưng mưa, tôi chạy vội ra sân sau, xem tình trạng của buồng chuối và các trái ổi. Buồng chuối nằm khuất sau mấy tàu lá, còn nhỏ nên hy vọng mưa sẽ làm chuối to và tốt. Riêng mấy trái ổi thì ngon lành, không bị gảy cành.

 

          Bây giờ 11: 20 PM. Có tiếng người dục đi ngủ - thức gì mà khuya vậy – thôi phải đành nghe lời. Vẫn mưa lớn bên ngoài.

 

Xin gởi vài câu thơ trước khi dứt bài viết. Thay vì bài song ca như trong bài viết về Nắng Mùa Thu mới vài ngày trước đây:

“Đêm xuống là của nhau

Không quên lời cầu nguyện

Ơn Trên soi sáng đường

Gần nhau lại đi em”

 

Ngày 8, tháng 11, 2022.

Vĩnh Chánh

 

 

         

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.