BỆNH VIỆN TRUNG ƯƠNG HUẾ THẬP KỶ 1960. (Ph 4&5 hết)

 

 IV) Sinh Hoạt Bệnh Viện.
Lúc tôi qua BVTUH vì ít bác sĩ, số lớn còn kẹt trong Quân đội, nên phải đảm nhiệm cùng lúc nhiều trại bệnh.
Năm 1960 ở BVTUH, về phần trực gác thì chia tua bốn. Trực Nội Nhi có các bác sĩ Phạm Văn Giàu, Nguyễn Khoa Nam Anh, Nguyễn Khoa Mân, Lê Văn Điềm, tất cả đều học ở Pháp về.
Trực Ngoại Sản có các BS Tô đình Cự, Thân trọng Phước, Nguyễn Duy Chi và tôi, tất cả đều có học ở Hà nội.
 BS Tô Đình Cự là Thiếu tá Chỉ huy Trưởng QuânY vùng 1 Chiến thuật (Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng) giải ngũ về BVTUH. BS Thân Trọng Phước (1902- 1960) đã nghỉ hưu song vẫn trực giúp bệnh viện mỗi bốn ngày. Cụ Phước có phòng khám và nhà bảo sanh ở đường Gia Long, ngã giữa gần cửa Chính Đông. Các bác sĩ không trực gác là BS Lê Khắc Quyến, Lê Huy Bính và Đặng Hóa Long, Giám đốc Trường Nữ Hộ Sinh Quốc Gia.

Các năm 1960, 61, 62 vẫn còn khá thanh bình nên trực ngoại sản cũng nhẹ nhàng, rất ít thương tích chiến tranh, mà thường là ở thôn quê chở đến, còn ở Huế xe hơi, xe gắn máy thưa thớt, chạy ít theo luật nhưng chậm rì, nên cũng không có tai nạn giao thông gì đáng kể; người Huế hiền hòa, ẩu đả đâm chém cũng không có, các bệnh cấp cứu ngoại như thường lệ vẫn là viêm ruột dư, thủng loét dạ dày ruột non, thủng ruột thương hàn, nghẹt ruột nhiều nguyên nhân…và ở bên sản các ca sinh khó.
Tôi ở ngay trong bệnh viện nên có thuận lợi về trực gác.

Ở BVTUH từ năm 1960 có các đoàn bác sĩ Hoa kỳ thỉnh thoảng đến thăm và ở lại làm việc dăm bữa, hơn tuần.
Năm 1960 tàu USS Hope đến viếng thăm Huế từ 30 tháng 7 đến mồng 9 tháng 8 và các bác sĩ Mỹ đã đến làm việc tại BVTƯ Huế.
Tôi đã làm việc với họ suốt thời gian tại phòng mổ.
Người Mỹ rất nhã nhặn tinh tế. Họ chỉ quan sát, phụ mổ cho mình và chỉ bảo giúp ý kiến rất tế nhị.
Các bức hình công tác của đoàn được trưng bày ở phòng Thông tin Hoa Kỳ và sau đó Sở Thông Tin Hoa Kỳ gởi biếu tôi một tấm hình mà tôi vẫn giữ để kỷ niệm trong đó tôi đang phẫu thuật cùng Bác sĩ S. F. Herrmann, ở Tacoma, Washington (*).
Lần khác trong khi làm việc một bác sĩ vui vẻ sửa cho tôi phát âm sai chữ /blood/, tôi nhớ mãi, lại có ông hướng dẫn bài vở trắc nghiệm ECFMG rất mới lạ lúc đó.

Nhiều năm sau, khi chiến tranh cao độ, luôn có hai tàu bệnh viện USS Repose và USS Sanctuary của Hoa Kỳ luân chuyển ngoài khơi giữa Huế và Đà Nẵng để đón nhận thương binh và tôi cũng có dịp đi trực thăng ra thăm tàu USS Repose, ở lại 2 ngày.

USS Repose (AH-16)                                                  USS Sanctuary (AH-17)

Nhân viên Phòng mổ rất nhanh nhẹn thành thạo khi phụ mổ, vui vẻ, tận tụy.
Các Anh: Mầu, Bộc, Sâm, Tể, Huỳnh…tôi nhớ người nhớ tên mãi.
Anh Mầu, đã lớn tuổi, rất giỏi, nhiều khi thay bác sĩ mổ sỏi bàng quang…
Bác Chắt thì có nhiều kinh nghiệm về gãy xương, bó bột.
Ở địa phương các anh ấy rất được dân chúng yêu mến và tin tưởng.
Phòng mổ lại càng thêm nhộn nhịp khi có các sinh viên Y khoa vào kiến phẫu, phụ mổ.
Và nói chung cho cả bệnh viện, vào thập kỷ 1960, có các thầy người nước ngoài thường xuyên giảng dạy, điều trị tại nhiều khoa. Ngoài kiến thức chuyên môn họ truyền đạt, các sinh viên lại có cơ hội trau dồi ngoại ngữ Anh và Pháp.

Vào hồi đó, từ năm 1960, mỗi tuần đều có buổi họp các bác sĩ vào sáng thứ bảy - thứ bảy làm việc nửa ngày - không phải ở phòng họp hoặc Hội trường mà ở văn phòng Giám đốc.
Bác sĩ Lê khắc Quyến ngồi giữa ở bàn giấy chủ tọa, các anh em khác kẻ ngồi salon người đặt ghế ngồi thêm, chuyện trò bàn cãi vui vẻ khi thì chuyên môn, khi thì bóng đá, văn nghệ không đâu vào đâu, nhưng không hề nói đến thời sự, chính trị.
Các bác sĩ có mặt: cụ Bính, cụ Cự…và tôi, tất cả các bác sĩ mà tôi đã nêu tên ở trên khi đề cập đến trực  gác bệnh viện, chỉ thiếu BS Thân Trọng Phước, nghĩa là vừa trên mười bác sĩ.
Như thế vào thời đó (1960) đã là rất nhiều, nhờ có các bác sĩ ở Pháp về.
Ở Hà Nội (1954) tại Bệnh viện Bạch Mai, Phủ Doãn, và ở Sài Gòn tại Chợ Rẩy, Bình Dân lắm khi lại ít hơn. Các bác sĩ lớn nhỏ đều bị trưng tập vào Quân Y kể từ năm 1950, 1951.
Khi bác sĩ Tô Đình Cự nhập ngũ thì mang lon Thiếu Tá ngay (thay vì Y sĩ Trung Úy) tính theo năm ra trường, ngành Tư pháp cũng vậy. 
Mặt khác trường ĐHYKhoa  mỗi năm chỉ đào tạo hai ba chục bác sĩ, mãi nhiều năm sau khi  có các kỳ thi TúTài  Việt Nam thì sĩ số sinh viên mớí  vọt tăng nhiều nhưng vẫn còn hạn chế tùy theo khả năng củả Trường về nhân số, cơ sở vật chất… đảm bảo chất lượng đào tạo.

Các  năm về sau BVTUH lại cóthêm các bác sĩ ở Pháp về: BS Nguyễn Đình Bảng (khoa Tâm Thần), BS Phạm Doãn Để (Nhi), BS Nguyễn X Lang (Nội) và các bác sĩ từ Quân Y biệt phái: BS Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Hoài… ngày càng đông.
Tuy nhiên lúc này BS Lê Khắc Quyến bận thêm quá nhiều công việc ở Trường, Viện  và linh tinh khác, hay vắng mặt không đến họp, các bác sĩ khác đến văn phòng giám đốc, chờ một lát rồi về do không ai chủ trì cuộc họp.

Cũng thời gian này, bên Trường ĐHYK các bác sĩ từ Pháp về là BS Thân Trọng An, ngoại, vợ Pháp, Nguyễn Văn Mẫn, nội, Bùi Luân, nội. BS Lê Huy Chước, sản, đã về Viện Đại Học từ trước nay chuyển qua YKhoa.
Các bác sĩ từ Quân Y biệt qua Trường là BS Lê Văn Bách, nội và nhiều bác sĩ Quân Y khác trúng tuyển Giảng Nghiệm viên, được biệt phái về Trường: BS Nguyễn VănTự, sản, Vũ CôngThưởng, ngoại, Phùng Hữu Chí, nội… và sau nữa các bác sĩ Nguyễn Văn Đệ. ngoại, Bùi Minh Đức, TMH, đông dần.
Trường hợp BS. Lê Khắc Quyến, Nguyễn Khoa Mân và tôi có khác đôi chút, vì đều đang là bác sĩ dân y của bộ Y tế tại BVTUH qua làm việc thêm ở Trường Y Khoa.

BS LKQuyến thì được cử kiêm nhiệm Phụ tá Khoa Trưởng tại ĐHYK từ giữa 1961, rất lu bu.
Từ đầu 1963 ông là Quyền Khoa Trưởng. BS NKMân và tôi, năm 1961 được BS Quyến cử làm
phụ giảng và mãi đến giữa 1964 mới chính thức biên chế Trường.
Tôi qua Trường, thôi giữ chức vụ Bác sĩ Thường trú Bệnh viện (bộ Y tế) từ đó, tuy nhiên cả BS Nguyễn Khoa Mân và tôi vẫn ở nhà cũ trong Bệnh viện.

Từ năm 1959 đến 1968 chức vụ  Giám Đốc BVTƯ Huế thay đổi nhiều lần. Bề ngoài tưởng phẳng lặng bình thường, song trong có nhiều tình tiết khớp theo thời cuộc. 
Anh Lê Như Dưỡng, phó Quản lý BVTUH, làm việc tại văn phòng bệnh viện từ 1957, thân cận với các đời bác sĩ giám đốc, biết rõ nội tình sự việc đã kể lại cho tôi nhiều chi tiết chuyển biến.
Thật tình tôi không tò mò, nhưng để viết bài này tôi đã hỏi anh đủ thứ chuyện mà Anh lại rất nhiệt tình trả lời đầy đủ. Chị Tuyết, bà vợ của anh cũng là nhân viên bệnh viện và có thời gian phụ giúp tôi ở phòng mạch tư, ngoài giờ làm việc nên tôi quen biết thân tình với cả hai anh chị. Dù sao tôi cũng hết sức dè dặt và ngắn gọn vì không phải chính người trong cuộc sợ nói lắm sai nhiều.

Khi tôi qua BVTƯ Huế, cuối 1959 thì BS. Lê Khắc Quyến đang là Giám Đốc Bệnh viện.
Ân huệ đầu tiên là ông đã nhanh chóng cấp cho tôi nhà ở ngay trong bệnh viện, ngôi nhà đó rất hợp ý, tôi thich nhất, và còn nữa, ở trong bệnh viện thì  Việt Cọng chắc không nỡ pháo kích, sợ mang tiếng.
Từ cuối 1960 BSQuyến bận rộn nhiều, cùng Linh mục Viện Trưởng ĐH, Cao VănLuận bàn thảo kế hoạch xây dựng ĐHYK Huế, đi đây đi đó, ra nước ngoài, tiếp xúc nhiều.
Tôi cũng nghe nói vậy thôi, không theo dõi, lúc đó tôi chỉ nghĩ đến chuyên môn, rồi qua Câu lạc bộ Thể Thao Huế gần đó thụt bi da, chơi tennis, hoặc có khi đánh cầu lông trong bệnh viện với nhân viên. Đó là những năm tôi sống an bình, tốt đẹp.
Qua năm 1963 thì tình hình bắt đầu biến chuyển, phong trào chống đối chính phủ Tổng Thống Ngô Đình Diệm lớn dần, và mãnh liệt với cao trào Phật Giáo đấu tranh.
Ở Huế không khí ngột ngạt căng thẳng. Rồi nghe đồn BS. LKQuyến đã bị bắt giữ cùng một số người ở bệnh viện và Trường Y Khoa, vào khoảng hè 1963, nhân viên ai cũng nghĩ chắc là vì vụ Phật Giáo.
Anh LNDưỡng lúc đó làm ở Văn phòng Quản Trị Hành Chánh kể lại Ty An Ninh Thừa Thiên điều tra hoặc bắt giữ vì cho là họ có tham gia Phong trào Hòa Bình, Mặt Trận Hòa Bình, vv…và tống giam tất cả vào Nhà Lao Thừa Phủ, sau đó đưa lên Chín Hầm.                       BS LKQ 1915-1978                                                                                 

Tháng 9 năm đó Bộ Y Tế bổ nhiệm BS Kỳ Quan Thân, cựu Đại Sứ VNCH tại Lào ra làm Giám Đốc BVTƯ Huế.
BS. KQThân là người Huế, cỡ tuổi BS. Quyến, ăn nói mềm mỏng vì là nhà ngoại giao.
Tôi tình cờ biết BS. Thân hơn mười năm trước khi tôi học ở Hà Nội. Ông là bác sĩ Nhi, phòng mạch rất đông khách ở giữa Hà Nội và điều đặc biệt là phòng mạch luôn để đèn tối lờ mờ vì ông nghĩ như thế sẽ làm bệnh nhân thoải mái an tâm và tin tưởng.
Sự kiện một vị cựu Đại sứ được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện khiến tôi nghĩ chắc tình thế phải rất nghiêm trọng và tế nhị.
Đến cuối tháng 11, Chính phủ bị đảo chánh, BS KQThân rời Huế trở về Sài Gòn, bác sĩ Nguyễn Duy Chi  đang là Phó Giám Đốc lên thay thế.
Tôi nghe nhân viên nói khi được kéo ra khỏi Chín Hầm thì BS. Quyến rất yếu đuối, phù thũng nặng và được công kênh hoan hô nhiệt liệt, sau đó tĩnh dưỡng cả tháng mới tạm lại sức và trở về Trường Y Khoa.
BS Nguyễn duy Chi lên làm Giám Đốc một thời gian lại gặp trở ngại.
BS Chi có một người anh là Đại Tá NVT, Thị trưởng Đà nẵng mà Trung Tướng Nguyễn ChánhThi, Tư lệnh vùng 1 (kiêm Đại diện Chính Phủ) không ưa thich, và cũng bực bội luôn với BS. Chi vì tiếp đón không trang trọng khi ông đến thăm BVTƯ Huế, anh Dưỡng kể lại.
Giữa năm 1965 Trung Tướng Thi đưa bác sĩ  Nguyễn Văn Mẫn thuộc ĐHYK về làm Giám Đốc BVTUH thay thế BS Chi, vẫn ở lại Huế.

Tôi nghe sinh viên Y Khoa thuật lại trong chuyến Đại Học Huế đi cứu trợ lụt bão tại Quảng Nam/Đà Nẵng trước đó, bác sĩ Mẫn dẫn dắt đoàn cứu trợ rất nhiệt tình, khéo léo nên được lòng với bên quân đội, quen biết nhiều cả với Trung Tướng Thi.
Khi làm Giám Đốc Bệnh viện BSMẫn, giao thiệp rộng đã nhờ Công Binh qua xây hồ non bộ rất lớn và đẹp ở trước Khoa Nhi, ai cũng khen ngợi.
Có thời gian ngắn BS Mẫn tạm thay thế luôn BS LKQuyến ở ĐHYK khi BSQuyến vì những lý do chính trị phải rời Huế và bị cô lập ở Sài Gòn.
(Từ Nguyên, Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐHYK Huế, Dòng Việt 1997, tr. 89.)
Nhưng rồi đến đầu 1966, Trung Tướng NCThi lại đưa BS. Mẫn về làm Thị Trưởng Đà Nẵng.
BS Mẫn muốn đem theo anh Lê Như Dưỡng nhưng anh từ chối và còn khuyên ngược lại bác sĩ Mẫn nên ở lại Huế giữ chuyên môn.
Ở Đà Nẵng đến lúc Tướng Thi xuống thì bác sĩ  Mẫn cũng bị điều tra bắt giữ, thậm chí đề nghị xử tối đa, nhưng cuối cùng cũng được thả, anh Dưỡng kể vậy, hú vía.

BS Tô đình Cự lên làm Giám Đốc Bệnh viện, yên hàn vô sự cho đến biến cố Tết Mận Thân, sau đó ông xin về Sài Gòn. BS Cự là người Bắc mà rất tốt bụng, quá tốt theo tôi nhận xét, vồn vã, bình dị, mà ai cũng kính nể, ít người được như vậy.
Năm 2008 ông đã chin mươi mấy tuổi chắc ngang tuổi BS Lê khắc Quyến, mà còn đi dự gặp mặt với Hôi Ái Hữu ĐHYKHuế Hải ngoại ở Cali, thật đáng quí.

Trong thời chiến, trước năm 1975, trên chiến khu, dụng cụ y tế rất thiếu thốn nên dễ hiều có các nội công được gài đặt trong bệnh viện Huế.
Trong thời gian thập kỷ trước có những những lần tiếp tế y cụ phẫu thuật lên chiến khu được tổ chức ngay trên lầu khoa Sản, nhiệm vụ được giao cho các y tá qua các công cuộc nội công khéo léo lặng lẽ do các ông Nguyễn V, Nguyễn CH và các bà Lâm Thị MĐ và Lê Thị DC.
Năm 1962 một xe hơi của bệnh viện trung ương Huế bị chận lại ở địa phận quận Phú Lộc. Nhân viên an ninh khám xe thì phát hiện xe chở nhiều thuốc tây và dụng cụ phòng mổ.
Bác sĩ Phạm Văn Nhân, trưởng xa, khai thuốc và dụng cụ y tế là để mang phân phối cho chi y tế Phú Lộc và các bệnh xá trong quận. Tuy nhiên đó là công việc của ty Y tế Thừa Thiên – Huế.
Bác sĩ PV Nhân còn trẻ, nghe nói là cháu của thủ tướng Phạm Văn Đồng, học Y ngoài Bắc, trốn vào Nam và được BS Quyến cho tập sự trong bệnh viện Huế.
BS Nhân chơi tennis vào hạng giỏi ở Huế, ngay ngày đầu tiên ra sân ở câu lạc bộ thể thao Huế.
Chắc đã tập nhiều hồi còn ở ngoài Bắc.
Sau vụ này bác sĩ Nhân không còn thấy ở bệnh viện, có thể ông rời Huế vào Nam.

Một bác sĩ khác là bác sĩ Phấn. BS Phấn nói giọng Bắc, người khá to béo, đã lớn tuổi, cỡ tuổi ngang bác sĩ Quyến. Ông chẳng được phân công điều trị ai, chỉ làm việc ở phòng Mổ, phụ tá các bác sĩ mổ, phụ tay các nhân viên phòng mổ.
Điều ngô nghĩnh là đạp xe đạp từ bệnh viện về nhà, ông cứ mặc nguyên bộ áo quần phòng mổ.
Thoặt đầu, các nhân viên nhắc nhở, nhưng sau để mặc ông, chỉ cười với nhau.
Ấy vậy mà bác sĩ Phấn mở đến bốn, năm phòng mạch tư cùng lúc.
Bến Ngư là phòng mạch chính, cũng là nơi ở và ông đạp xe đạp lần lượt đến các phòng mạch kia, rải rác trong thị xã Huế. Chẳng biết ngoài khám bệnh, ông còn công tác gì nữa không.
Cũng vào thời điểm bác sĩ Nhân thôi việc, người ta không còn thấy BS Phấn ở Huế.

Năm 1966 một vụ tiếp tế y cụ phẫu thuật bị bại lộ do hai sinh viên y khoa, hai giáo sư trung học và một nhân viên giảng huấn người ngoại quốc của trường Đại Học Y. Bị bắt và bị cầm tù tại nhà lao Thừa Phủ, các sinh viên được các bạn bè giúp đỡ và vị khoa trưởng y khoa đương thời bảo lãnh để về dự thi ra trường.
Hiện nay kể từ 14/8/2014, Thành phố Huế có các đường mang tên Lê Khắc Quyến tại phường An Cựu, và Thân Trọng Phước tại phường Thủy Biều (thuvienphapluat.vn/.../Nghi-quyet-03-2014-NQ-HDND-dieu-chinh)

****

V) Những Tình Cảm Xưa.
Trong thời gian 1959-68 BVTƯ Huế  là Bệnh viện thực hành, có sinh viên Y Khoa đến thực tập các bệnh phòng, không khí trở nên nhộn nhịp.
Các sinh viên đã ghi lại nhiều kỷ niệm thời ấy, trong Tập San 2006 kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Ái Hữu của họ ở hải ngoại.

*BS Tô Đình Đài, khóa 1 (1961-1967) nhớ lại năm thứ 3 đi thực tập Khoa Truyền Nhiễm trong lúc Dịch tả ở Thừa Thiên đang hoành hành, áo quần vén trên mắt cá, chân dẫm trên đất rắc vôi trước (tr. 33).

*Bác sĩ Tôn Thất Hứa lại kể cũng vào dịp 1 vụ dịch tả khác sau đó, Mỹ ở căn cứ Phú Bài cho BS Nguyến Khoa Mân mượn các băng ca đặc biệt,có khoét lỗ để bệnh nhân nằm đại tiện, có xô hứng ở dưới.

*BS Hoàng Thế Định YK2, trực trại Nguyễn Hữu Sum B vào một tối mùa đông 1966 trời mưa như trút nước mà phải đi tìm BS Díscher, chật vật đèo Thầy về bệnh viện trên chiếc xe Mobilette Pháp cũ kỹ, đạp mãi mới chịu nổ máy mà Thầy lại vừa cao vừa nặng (tr. 64).

*BS Lê Bá Dũng YK1, năm 3 trong một ca trực khoa Sản thì gặp một cô nữ Hộ Sinh khuôn mặt xinh tươi xuất hiện và nói: “Xin cho em nghỉ lại đây đêm nay …”(tr. 66). Nhưng rồi cũng chỉ là một sự hiểu lầm.

*BS  Lê Đình Thương (YK1) trong đêm trực, giữ chìa khóa  Nhà Xác tưởng suýt gặp Quỷ nhập tràng, nhưng sau đó hình như chỉ là một bệnh nhân nằm trại điên, cạnh nhà Xác (tr. 18).

*BS Tôn Thất Hứa YK1 thuật: -Tôi không quên được cái đêm lựu đạn do bọn khủng bố ném tại Hội chợ tại Thương Bạc/Huế vào tháng 10 năm 1964 gây thương vong rất lớn; suốt đêm ấy tôi có mặt bên cạnh bác sĩ trực, thầy Lê Huy Chước và được thầy cho phép mổ. Sáng hôm sau thầy đã đem toàn thể nhân viên trực qua ăn sáng tại tiệm café Phấn trước chợ Đông Ba, áo quần còn dính đầy máu (tr. 44).

*BS Lê Khắc Tánh (YK4) trong một phiên trực ở khu Nhi Đồng đêm trừ tịch vắng tanh vào cuối năm đã gặp một trường hợp như là Liêu Traivà đã ghi lại: -Nét mặt người con gái trên bàn thờ giống hệt gương mặt đẹp thanh tú và lãng đãng khói sương của Xuân, đến và đi thật bất ngờ như một cơn gió thoảng bay đi mãi mãi, mang theo dư hương của một đêm trực nhà thương thật buồn và thật đẹp trong đời (tr. 101).

*Còn chị Hoàng Anh, sinh viên nữ hộ sinh đi thực tập ởphòng Nguyễn Hữu  Sum, nội khoa,  đã nhớ mãi cái buổi ban đầu quen biết lưu luyến ấy: … “tôi quay lại có chút e lệ và ngỡ ngàng”.
Còn anh thì ngượng ngùng và lúng túng, một lúc sau mới lên tiếng: - Tôi tên là Tạ Quang Hát, SVYK2, tôi có vài bệnh nhân ở trại này cần theo dõi…(Đặc San Nữ Hộ Sinh, Texas 2008, tr. 108).

*Anh ĐTTuyên, sinh viêntrường Cán Sự Y Tế Điều Dưỡng kể lại trong nhật ký ngày trường và nội trú từ khuôn viên BVTUH dọn qua cơ sở mới lớn đẹp xây cất kề hông Trường ĐHYK:
-vào khu Học xá mới ngày 4. 11. 1962 từ khu nhà Vòm, khu gần lầu Hoàng Diệu, khu gần chuồng thỏ chuyển sang… khu Học xá rất lớn gồm có 10 phòng…(Lưu Niệm 2004 CSYTĐD, khóa 4, tr. 162.)

Tất cả các kỷ niệm đều được ghi lại xẩy ra ở BVTƯ Huế trước 1968, thơ mộng, huyền bí như khung cảnh của bệnh viện thời đó, mà có lúc lại hãi hùng theo thời cuộc.
Sinh viên các Trường vây quanh mặt sau BVTU H: Tá viên Điều Dưỡng, Nữ Hộ Sinh Quốc Gia, Cán Sự Y Tế Điều Dưỡng, ĐHọc Y Khoa vào học trước 1968 và đi thực tập lâm sàng ở các
khoa phòng đều ít hoặc nhiều biết rõ bệnh viện xưa, đến lúc ra trường bổ nhiệm đây đó ở các cơ sở Y tế miền Nam, thấy nhiều biết nhiều để có thể đối chiếu so sánh và nhận thấy BVTUH đẹp, rộng  và thật độc đáo, là niềm kiêu hãnh của mọi người.

*Tôi và gia đình đã sống trong khuôn viên BVTUH suốt thập kỷ 1960 nên có nhiều kỷ niệm.
Chỉ nêu lên một, là vào thời gian chiến cuộc Tết Mậu Thân, cuối tháng giêng năm 1968.
Vì là dịp Tết nên bệnh viện rất vắng, hầu như các trại bệnh đều trống trơn, bệnh nhân về nhà ăn Tết.
Lúc đó tôi đang học ở Hoa Kỳ. Vợ tôi và mấy con núp riết ở trong nhà, là tư thất số 5 đường Ngô Quyền, sát cổng sau của bệnh viện.
Sau vài hôm thì gia đình các nhân viên ở cạnh nhà tôi chạy qua đem mấy mẹ con vào lầu Huỳnh Thúc Kháng, bây giờ đông nghẹt vì dân chúng gần đó chạy vào bệnh viện lánh nạn.
Gia đình các nhân viên lại chuyển qua khu X-Quang, gần đó, được xây rất kiên cố.
Chỉ được vài hôm thì lính Mỹ kéo vào bệnh viện, lùa tất cả mọi người xuống trường Đại Học Sư Phạm ở múi cầu Tràng Tiền, đối diện bên kia sông là chợ Đông Ba.
Nhà tôi kể lại trên quãng đường đi từ bệnh viện xuống trường Sư Phạm, dọc đường Lê Lợi, ngổn ngang vôi gạch, nhánh cây gãy và xác chết, giữa tiếng bom đạn.
Xuống trường Sư Phạm thì nhóm nhân viên bệnh viện được sắp ở chung một phòng.
BS Nguyễn Khoa Nam Anh (giám đốc bệnh viện 1973-75) thoạt đầu được cử làm trưởng nhóm, có nhiệm vụ hàng ngày chờ chực lãnh khẩu phần bánh mì, đồ hộp… quân đội Mỹ đem đến phát.
Dân chúng cũng đem hàng quà, bún, bèo, ướt, nậm… đến bán đầy đủ.
Vùng này yên tĩnh trong chiến cuộc Tết Mậu Thân kéo dài ngót một tháng ở Huế.
Gia đình tôi ở ngay trong bệnh viện thời chiến tranh cũng là một điều may mắn.

Sau 1972 đi ngang BVTUH khởi công đươc xây dựng lại, từ cổng trước nhìn vào, tầm mắt bị cản.
Bước qua cổng là một tòa nhà bốn tầng đồ sộ vuông vức nằm ngang chắn đường (như kỳ đà cản lộ) tráng lệ nhưng cũng bình thường như trăm ngàn cao ốc khác, còn đâu là con đường rộng  dài thẳng tắp, xa tít nối từ cổng trước ra sau nhìn suốt thoải mái, những cổ thụ, ngôi nhà, trại bệnh, hòn non bộ, vườn hoa luống cỏ mát mắt.
Từ cổng sau, đường Ngô Quyền bước vào Bệnh viện còn thấy một ít kiến trúc cũ không bị chiến cuộc Tết Mậu Thân phá hủy, đặc biệt Khoa Sản Trưng Trắc và Khoa Nhi tuy nhiên bị bít con đường ra trước, lạc lõng, mất hài hòa với tổng bộ, hàng thần lơ láo. Hồ non bộ đã không còn và đứng trên lầu Nhi nhìn ra trước tầm mắt bị cao ốc mới xây chắn lại, sỗ sàng.
Tuy không là ngột ngạt nhưng chẳng còn tươi mát như xưa.

Một cựu sinh viên Y Khoa, khóa sau 1975 thậm chí viết: “Chưa bao giờ anh để ý đến cái kiến trúc của nó. Nhưng giờ đây anh cảm thấy điều gì không ổn. Cách kiến trúc của Bệnh viện trông nặng nề, cứng cáp. Anh ghét cái kiến trúc của Bệnh viện Huế từ đó.” (Tập San ĐHYK Huế Hải Ngoại, 2006, tr. 158.)
Điều an ủi là BVTUH vẫn còn rất nhiều khoảng trống nhất là mé hông phải tiếp giáp với Công viên Hàng Đoát, các Bệnh viện Chợ Rẫy, Bình Dân…xây cất lại chỉ thấy nhà là nhà.
Riêng tôi, tôi cũng bực bội với họa đồ của bệnh viện mới xây cất, lý do tôi biết mô hình cũ như thế nào trong ngót chín mười năm gia đình tôi sống tại khuôn viên bệnh viện.
Tôi đặc biệt yêu thích con đường giữa cắt đôi, không Bệnh viện nào có được, nay không còn tôi như mất mát môt cái gì độc đáo, trân trọng.
Tôi ý thức bệnh viện mới xây là tân tiến, mà phải như thế, và cũng đẹp, tuy nhiên:
Họa thủy vô ngư không tác lãng. Tú hoa tuy hảo bất văn hương.
(Vẽ nước cá không, sao nổi sóng, Hoa thêu tuy đẹp chẳng mùi hương.)
Vì rằng đã thiếu một cái gì - con đường chính giữa - dấu ấn.

Năm 1952 ở Hà Nội tôi đã tức tối khi nhìn người ta lấp đất một khoảnh Hồ Gươm.
Hồ này nằm giữa lòng Hà Nội, tuy nhỏ nhưng thực đẹp, danh bất hư truyền, địch thủ của sông Hương, có hình quả xoài, chiều rộng bằng 2/3 sông Hương, chiều dài khoảng từ cầu Phú Xuân đến cầu Tràng Tiền, diện tích ngang ngửa bệnh viện Trung ương Huế hoặc có hơn, chẳng kém.
Tháp Rùa nằm lẻ loi, phía phố Tây, chùa Ngọc Sơn sát bờ có cầu Thê Húc bắc qua, nằm phía phố Ta, 36 phố phường.
Người ta đã xe đất lấp hồ khoảng 5 đến 10 mét ở mút đầu Hàng Đào, Hàng Gai để nới rộng bến tàu điện, bến xuất phát.



+Tàu điện (3 toa) đến bến Bờ hồ            + Trên bản đồ, hồ Gươm bị lấp đất ở bờ đầu mút phía bắc; bờ hồ ở đó là đường đắp thẳng thay vì đường vòng cung tự nhiên như trước năm 1952.

Hồ Gươm đã nhỏ lại bị thu hẹp diện tich, tôi tiếc ngẩn ngơ.
Tàu điện Hà nội (1901–1990) chạy chậm rì trên đường sắt, cồng kềnh, cản trở giao thông giữa đường phố vốn đã hẹp, chưa dẹp đã may phước, lại xâm lấn bờ nước Hồ Gươm.
Phải chi người ta cho xây một bến cầu cao trên mặt nước thay vì lấp một khoảng hồ, phải chi BVTUH xây lên cao ốc, bằng cách này hoặc cách khác vẫn giữ một lối đi thẳng từ cổng trước tuốt ra cổng sau, độc đáo.
Hồ Gươm thu hẹp chút ít diện tích vẫn giữ dáng cũ, mười phần xuân có gầy đi nửa phần, còn BVTƯ  Huế thay hình đổi dạng triệt để, như thay đổi chế độ, hoàn toàn mất hẳn thoải mái tự do sảng khoái xưa, mười phần xuân chỉ còn đâu nửa phần.

Sông Hương vẫn đẹp, vẫn tấp nập hai bờ nhưng ngày nay nhiều thành phố trên đất nước, nằm cạnh sông, trên đà phát triển cũng sẽ được như vậy nhiều ít, và biết đâu tương lai sẽ có một hai cầu Trường Tiền được xây, “trời mưa đất chịu”.
Dù vẫn bám víu tin tưởng có sông Hương ấy phải có cầu Trường Tiền ấy, không đâu bằng.

Trường Quốc Học/Đồng Khánh đẹp đẽ danh tiếng từ xưa thì nay đổi tên họ, trở thành hai trường trung học bình thường, hỗn hợp giống nhau, cùng nhận học sinh nam lẫn nữ không phân biệt, còn đâu là thi văn, gợi cảm của Huế (!), “quýt làm cam chịu”. 
BVTƯ Huế xây dựng lên lầu hoành tráng song lại đánh mất nét độc đáo, dấu ấn xưa, và trở nên tầm thường, tẻ nhạt, ”bụng làm dạ chịu”.
Có tức vỗ ngực mà chết, có phiền lên cầu Trường Tiền (gần đó) mà nhảy.

Chúng ta đã lầm lỡ đánh mất các giá trị tinh thần của cố đô Huế, vô tình, cố ý hoặc do từ đâu đâu, tôi buồn tiếc day dứt nhớ nhung những hình ảnh kỷ niệm thân thương xưa, ở BVTƯHuế trước năm 1968, bệnh viện là một “nhà thương”,  ở  Huế, ở miền  Nam trước 1975, người sống tình người và cả ở Hà Nội, ở miền Bắc trước năm 1954, Hà Thành hoa lệ, hồ Gươm, 36 phố phường, chốn ngàn năm văn vật.

North York, Tết Kỷ Sửu 2009 & Hè 2016
Lê Bá Vận.

 

Chú Thích:

(*)Các bác sĩ Hoa Kỳ đã đến làm việc tại phòng mổ BVTUH từ đầu thập kỷ 1960.
Dưới ảnh, do phòng Thông tin Hoa Kỳ tại Huế cung cấp, ghi chú Việt và Anh:
Nhân chuyến viếng thăm Huế của phái đoàn y tế thứ hai thuộc tàu Hope từ ngày 30 tháng 7 đến ngày 9 tháng 8, Bác – sĩ  giải – phẫu  S.F. Hermann , ở Tacoma, tiểu bang Washington , đã làm việc sát cánh với bác – sĩ  giải – phẫu viện Trung –ương, Huế . Trong ảnh này, vể phía tay trái , Bác – sĩ  Hermann đang nhìn tường tận công việc của Bác – sĩ  Le-Ba-Van, người đang giải phẫu phần ruột già của một bệnh nhân để tìm nguyên – nhân của chứng bệnh. Ông Nguyên-Van-Mau , một điều dưỡng viên đứng chực sẵn để trao các dụng cụ cần thiết cho các y – sĩ.
Sở Thông Tin Hoa Kỳ.
During the visit of a second medical team from the USS Hope to Hue, July 30 to August 9 , Dr. S. F. Herrmann, surgeon from Tacoma, Washington, worked closely with Vietnamese surgeons in performing a number of delicate operations at the Hue General Hospital . Here, at the left, he observes closely the work of Dr. Le- Ba- Van, who is performing the resection of a patient‘s colon. A nurse, Mr. Nguyen- van- Mau, stands ready to hand the physicians the necessary instruments. USIS

BS S.F.Hermann và BS Lê Bá Vận, 1960              Lê Bá Vận 1960

Bệnh viện Bạch Mai, hình trái và bệnh viện Chợ Rẫy, hình phải, cùng bệnh viện Trung ương Huế hiện tại là 3 bệnh viện lớn nhất ở Việt Nam.


 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.