BÀ NHỎ, BÀ LỚN

 

Hôm nay đi giữ cháu, hai thằng nhỏ đang nghỉ hè nên tôi phải đến sớm và về muộn. Vừa bước chân vào nhà của chúng, thì con gái tôi đang bước ra khỏỉ cửa đi làm với mấy câu dặn dò nhanh chóng: “Nhà không có internet, hôm nay mẹ để nhân viên của Bell vào nhà để bắt optic fiber.” Bước lên lầu tìm hai thằng nhỏ, tôi thấy chúng đang trốn ở góc phòng ngủ, chăm chú “giải mã” cái Ipad để tranh thủ coi mấy cái show của trẻ con trước khi ngoại chúng biết được. Thấy tôi vào, thằng lớn, bảy tuổi, đã đứng dậy hỏi:

“Ngoại có biết cái code của cái Ipad này không? Sao hôm nay con không mở được.”

Tôi bảo: “Con chỉ được dùng Ipad khi có người lớn cho phép, sao con lại coi bây giờ.”

Nó năn nỉ: “Please, please, ngoại.”

Tôi bảo: “Không có internet nên ngoại cũng không mở được.”

 

Đang lấy mấy thùng lego kéo ra cho chúng chơi thì thằng lớn đến ngồi bên cạnh tôi hỏi:

“Internet là gì mà sao không có nó, mình không thể coi Ipad được vậy hở ngoại?”

Tôi ngẩn ngơ cố tìm câu trả lời cho hợp với lứa tuổi của nó nhưng khó quá, bèn nói

đại:

“Internet là một mạng lưới, net, nối liền những cái máy computer, kể cả Ipad và Iphone, của mọi nơi trên thế giới với nhau bằng những một hệ thống dây cable, thông qua những cái trạm điều khiển và bảo hành. Mình phải trả tiền cho cái trạm đó để họ cho mình dùng cái mạng lưới đó của họ bằng cách nối một đường dây vào nhà mình với một cái hộp để lấy tín hiệu phát ra từ trạm gọi  là modem mà không cần phải nối dây trực tiếp vào cái máy của mình gọi là wireless, đó là cái hộp đen có mấy cái đèn xanhchớp chớp ở dưới góc bàn con thấy đó. Từ đó mình mới thấy được  những cái show họđăng tải như mấy cái show con coi vậy.”

Nó nhìn tôi như có vẻ hiểu được phần nào.

Tôi bảo tạm thời internet đã bị cắt đi để đổi qua cái dây mới nhanh hơn. Nghe nhanh hơn là nó khoái chí, chạy qua ngồi cạnh thằng em năm tuổi, cố giải thích cho thằng em hiểu. Tôi không biết thằng em có hiểu gì không, chỉ thấy nó nhìn tôi mỉm cười.

Hai đứa cháu đã ngồi chơi yên ổn, tôi cầm trong tay cái Ipad sắc sảo, gọn gàng, mỏng manh, rồi đầu óc nghĩ vẩn vơ về cái computer ngày ấy… và bây giờ, mà cả người già, người trẻ, con nít, đều mê nó.

 

Hồi còn ở Việt Nam, khoảng cuối thập niên tám mươi, tôi nghe ông bác sĩ trẻ mới ra trường nói ông đang cùng ban giám đốc bệnh viện cố triển khai một cái computer cho khoa giải phẫu bệnh lý, thế là chữ “computer” nằm trong cái đầu của tôi suốt hôm đó.

Tôi tự hỏi cái computer nó lớn cỡ nào nhỉ, nó làm được những gì, và có tác hại gì không? Đến khi gặp ông bác sĩ đó sau nhà gởi xe đạp, tôi mới hỏi ông. Ông bảo theo ông biết thì cái computer không lớn lắm, chỉ bằng cái va li, ông chưa chắc nó làm được việc gì, chỉ biết nó có thể cất giữ tư liệu dễ dàng hơn và chắc không có gì độc hại. Cho tới khi qua Toronto vào năm chín mươi, lần đầu tiên tôi thấy được cái computer PC trong mộng ở nhà người bà con. Tôi mới biết nó được vận hành bằng công nghệ chuyển tải thông tin “e”- electronic -, mà người Việt mình gọi là điện tử.

 

Vậy mà ba mươi năm sau, chữ “e” đã thay đổi cuộc sống của cả thế giới một cách nhanh chóng, nhất là cái phone. Hình như mọi người không thể sống thiếu nó, từ người bác sĩ, kỹ sư, luật sư, tới người bán hàng rong, người quét dọn, công nhân của nhà máy, công trường, từ người già ở tuổi tám mươi, chín mươi, tới mấy cô cậu nhóc tỳ đều mang theo cái smartphone, như một bộ não thứ hai của họ. Cái phone ngày nay hầu như có thể làm đủ mọi việc người ta cần tới, nhiều lúc tôi cứ tưởng tượng rằng một ngày nào đó chữ e biến mất, không internet, không cellphone, không app thì cuộc sống của mọi người sẽ như thế nào.

Rồi cái Iphone tân tiến như một phong trào kỹ thuật cao tung ra thị trường vào cuối những năm hai ngàn, chữ “i”ra đời, Iphone, Ipad, Ibook… người nào sở hữu được cái Iphone được coi như thuộc loại đẳng cấp vì Apple là thương hiệu đẳng cấp, nó đứng riêng một góc trời, không thèm chơi với các thương hiệu khác. Những người trẻ đua nhau mua Iphone đời mới mỗi khi được tung ra ở các tiệm Apple, họ đứng sắp hàng dài trước tiệm để mua một cái Iphone tối tân nhất về khoe với bạn bè. Không những người trẻ mà cả người già cũng vậy. Tôi có quen với hai vợ chồng tuổi gần chín mươi, cũng hăm hở ra tiệm mua hai người hai cái Iphone 9, một tháng trả trên ba trăm đô. Đi đâu hai người cũng bỏ túi hai cái Iphone. Một hôm gặp hai ông bà ở tiệm ăn, điện thoại bà reo, bà lấy cái Iphone ra, cứ bấm mãi nút talk mà không nghe gì cả, bà đưa phone cho tôi như nhờ tôi xem dùm, tôi vuốt chỗ talk, nghe dùm bà mấy câu, thì ra chỉ là cú phone gọi quảng cáo. Tôi đưa lại cái Iphone cho bà nghe, bà bấm end ngay, bà bấm mấy lần không được và lại đưa lại cho tôi. Tôi chỉ cho bà cách vuốt cái Iphone. Bà bảo từ ngày mua cái Iphone tới

giờ, cả mấy tuần nay có ai gọi đâu mà biết.

Tôi nói: “Vậy anh chị dùng Iphone chi cho tốn kém, mua loại thường được rồi.”

Bà bảo: “Nghe người ta nói chụp hình với Iphone rất đẹp, và khi đi chợ hay đi shop với ông, lỡ lạc nhau cầm cái Iphone ra gọi người ta cũng nễ, chứ già rồi để tiền làm chi, xài cho biết cái cao kỹ của thời đại.”

 

Một hôm đi mua sắm với một người bạn trẻ trong nhóm tập yoga, tôi bảo tôi thích mua loại áo như bà đứng bên cạnh mà không biết tìm ở đâu. Cô bạn chỉ ̉cần liếc qua thấy chữ DKNY nho nhỏ ở khóe áo thì lôi cái smartphone ra, lướt hai ba vòng là cô ta biết ngay cái áo được bán ở đâu, giá bao nhiêu, mua online thì bấm vào chỗ nào. Nếu đi một mình thì tôi đã đến hỏi ngay người mặc áo. Đi shop hơi lâu, tôi sợ hết giờ đậu xe nên nói với cô bạn rằng tôi sẽ ra trả thêm tiền parking, cô bảo đừng lo cô sẽ trả bằng cái smartphone của cô. Khi vô tiệm ngồi ăn trưa, tôi thấy người hầu bàn ra chào, bỏ cái menu xuống bàn, rồi đi chỗ khác, cô bạn hỏi tôi ăn gì, cô cầm cái phone mân mê, một chốc sau thấy người ta đem đồ ăn lên. Tôi hỏi cô order thức ăn bằng smartphone luôn hả. Cô ừ. Thế là nhờ đi với người bạn trẻ mà tôi không bị lạc hậu.

 

Nhìn qua hai đứa cháu thấy chúng vẫn say sưa với lego, tôi lại ngồi yên tiếp tục vẩn vơ với hai chữ “e”và “i.”

 

Cái phone tiện lợi vậy đó, nhưng tôi cũng gặp lắm điều với hai chữ “e,” “i.” Mấy năm trước đây tôi phải nghỉ chơi với một cô bạn từ hồi trung học, mặc dù cô là một người tốt, chỉ có một điều là lâu lâu cô gọi, giọng nói rất thiết tha mong gặp tôi và vài người bạn khác. Tôi rất bận rộn, vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để gặp bạn bè, tôi phải lái xe cả tiếng đồng hồ dưới trời tuyết lạnh hoặc nắng nóng để đến chỗ hẹn, thường là trong những quán cafe tư nhân trang trí rất đẹp, hoặc trong công viên vào mùa hè. Vậy mà khi gặp nhau, cô chỉ lấy cái Iphone ra nhờ người hầu bàn bấm mấy cái, rồi chưa kịp uống xong ly nước thì cô đã cáo từ với lý do này, lý do nọ, khi thì phải đi đón con, khi thì phải đi gặp bác sĩ để về ngay. Qua lần thứ ba thì tôi nói với cô rằng: “nếu bận như vậy thì gặp nhau làm chi cho mất thì giờ.” Cô trả lời môt cách chân thật, “Em chỉ cần mấy cái hình để “feed” cái facebook của em, chứ lâu ngày không có gì cả.” Thế là tôi đặt ngay dấu chấm ở đó, tôi không có thì giờ cho cái thế giới thật của tôi, làm sao có thì giờ cho cái thế giới ảo của cô. Một cô bạn khác cùng đi gặp nhau nói với tôi rằng nhiều người trong nhóm bạn bè của cô rất giỏi về photoshop, họ chỉnh hình, ghép hình để làm đẹp hơn, xấu hơn, hoặc ghép thêm nhà đẹp, xe xịn của ai đâu rồi post lên cho oai thôi chứ nhiều khi không phải thật.

Tôi cười nói:

“À, vậy là hình đểu phải không?” Cô cười hích hích khi nghe tôi dùng chữ đểu, một chữ rất thông dụng ở VN đời nay.

Tôi bảo tôi không có facebook nên không biết.

Vậy mà khi chúng tôi bước ra khỏi tiệm cafe, cô thấy một chiếc xe mô tô hai bánh, phân khối lớn, cáu cạnh, màu vàng rất đẹp, đậu ở vệ đường, cô bảo tôi cầm cái Iphone của cô chụp dùm mấy tấm hình với cái xe. Thấy vậy ông chủ xe bước ra, cô õng ẹo năn nỉ ông cho cô ngồi lên cái xe để chụp hình, ông cho phép, tôi lại tiếp tục click thêm mấy cái nữa. Cô cám ơn ông và xoay qua nói với tôi rằng cô về nhà sẽ đăng ngay mấy cái hình lên facebook để ngày mai có được cả chục cái comment. Trời ơi, cái thời ảo, hình như cuộc sống thật có điều gì không mấy vui, nhàm chán, nên họ phải sống với ảo. Vui thì kể, buồn thì than, may ra còn thấy được vấn đề, cớ sao âm thầm đi vào cõi ảo một mình vậy?

 

Mới đây, khi viếng thăm thành phố Barcelona, tôi gặp một gia đình người Á châu trong tiệm ăn, gia đình gồm cha, mẹ, hai cô con gái, một cậu con trai, và thêm một cậu con trai nữa người da trắng, tất cả đang ở tuổi teen. Cả sáu người ngồi vào bàn ăn không ai nói một tiếng nào cả, cho nên tôi không biết họ là người nước nào. Cỡ vài phút sau liếc qua bàn họ tôi thấy mỗi người cầm một cái phone, họ yên lặng, say mê mỗi người một cõi, đến khi thức ăn đem ra, họ cắm cúi ăn chẳng ai mời ai, ăn xong mấy cô cậu lại rút phone ra, lướt lướt, bấm bấm trong lúc bà mẹ lo trả tiền cho bữa ăn mà tôi đặt tên là bữa ăn câm. Cuối cùng tôi cũng biết họ là người gì khi nghe ông chồng nói nhỏ với bà vợ “Chờ chút, anh đi WR.”

 

Mấy cô cậu trẻ thì cái gì cũng muốn coi, muốn biết vì chưa có kinh nghiệm để sàng lọc nên chỉ làm giàu cho những người đăng tải lên để ăn tiền quảng cáo. Nhiều lúc tôi thấy họ post những cái thật vô duyên, vô thưởng vô phạt, chẳng chút khoa học nào, như ăn su le để chữa lành bao nhiêu thứ bệnh, hoặc một ngày ăn mấy trái việt quốc xanh (blue berries) để thanh lọc máu và chữa bệnh tim mạch, vậy mà có cả mấy chục ngàn người xem. Cô bạn tôi ở VN sang chơi, tôi dẫn cô đi chợ, khi mới thấy mấy thùng blue berries bày bán, cô đã la lên mừng rỡ: “Ô, trái việt quốc xanh này chữa nhiều bệnh lắm, ở SG rất hiếm và rất đắt,” nên cô đã mua cả thùng và phải xách tay đem về VN để làm quà. Tôi nghe chữ việt quốc xanh mà cứ ngỡ là món thuốc bắc nào quý giá.

Thỉnh thoảng mấy người bạn của tôi hay nói để họ bỏ thêm những cái app khác như Viber, WhatsApp?... trong cái phone của tôi cho vui, chứ cái phone của tôi sao đơn giản quá. Tôi không biết là mình vui hay buồn khi phải biết thêm quá nhiều chuyện mà mình không cần biết đến, vả lại cái memory của tôi cũng gần cạn rồi, tôi không dám phung phí, lỡ khi còn sống mà memory hết thì khổ lắm. Tôi đã sống trong môi trường thiếu thốn trong một thời gian dài, một miếng giấy viết thư gởi đi hải ngoại cũng tìm không ra, phải xé cuốn vở học của con cháu, giấy vàng khè, nhăn nhó, một cái bì thư XHCN tiết kiệm nhỏ xíu, thô thiển đến nỗi người nhận phải đau lòng, và nhịn ăn mấy ngày để đủ tiền mua con tem, rồi đạp xe xuống tận cái bưu điện ở đường Bạch Đằng để gởi, thì bây giờ có gì tôi cũng vui lắm rồi, email lạch cạch mấy chữ, send cái là xong, tới tay người nhận trong một giây đồng hồ. Tôi thấy đủ, chẳng tham gì nhiều cho cực thân.

 

Nhiều bạn trẻ suốt ngày mở phone coi facebook, instagram, viber, twitter… gõ vô google, youtube, vikedia…  đọc hết chuyện này sang chuyện khác, chuyện chính trị, chuyện yêu thương, chuyện shopping, chuyện trong làng giải trí, celebrity, … đủ thứ chuyện trên đời, vậy mà mấy ngày sau hỏi lại thì lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia hoặc không nhớ là mình đã đọc chưa. Cậu sinh viên cạnh nhà, mới vào trường học nghề mà mê game quá, cha mẹ nói không nỗi, cậu bỏ học, gia đình từ cậu luôn, phải nhờ đến sự giúp đỡ của cán sự xã hội, không biết người ta có gởi cậu đi cai nghiện không. Thì ra cậu đã nghiện game hồi còn nhỏ nên CAS mới giúp gia đình cậu để cậu được đi học nghề làm game kiếm sống, ngờ đâu cậu chỉ thích chơi game, chứ không thích làm game. Rồi cô gái con của người bạn, con nhà khá giả, muốn tìm kiếm người yêu, đã kỹ luỡng đọc đủ mọi thứ trong internet trước khi chọn một thí sinh thích hợp, nào là “how to find the right man”, “Signs of serious relationship”, thậm chí là “How to regconize a Don Juan…” Vậy mà khi nghe tin cô có bầu thì thằng người yêu sở khanh chết tiệt trốn mất.

Chúng ta đang sống trong thời đại của thông tin, nhiều người đang ngụp lặn trong cái bể lớn của thông tin, làm lu mờ đi khả năng nhận xét, phán đoán, và quyết định của mình. Nhiều bạn trẻ đang cảm thấy lạc lõng giữa dòng đời với sự chọn lựa vì có quá nhiều sự lựa chọn với những mớ thông tin lẫn lộn, thật dổm, đúng sai, giẫm lên nhau.

Nói chung là biết nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu. Dần dần rồi họ cũng nhận ra điều đó với sự chỉ dẫn của người thân. Trách nhiệm làm cha, làm mẹ càng ngày càng phải tân tiến, cuộc sống trở nên phức tạp hơn trước nhiều. Thôi thì phải “live and learn.” Anh láng giềng trẻ của tôi lâu lâu thấy tôi làm vuờn sau nhà thì anh hay ngói đầu lên khỏi cái hàng rào để hỏi mấy chuyện lặt vặt. Một hôm anh hỏi tôi cái máy giặt của tôi hiệu gì. Tôi nói của G.E. Anh bảo anh đang tìm mua một cái mới, nhưng quá nhiều thứ trên web, anh chẳng biết chọn cái nào. Tôi bảo cách đây ba năm tôi cũng thấy khó khăn để chọn một cái, tôi không tìm ra cái máy đơn giản tôi thích và giá cả tôi muốn nên đã vào tiệm bán máy cũ, mua một cái máy cũ mà người ta đã sửa sang chùi rửa lại như mới, made in USA đàng hoàng, chưa bằng nửa giá của máy trên web. Không biết

nghĩ sao, chắc anh mê cái mã của cái máy mới với nhiều chức năng thu hút, nên anh đã mua một cái hiệu L… Made in China đem về. Hai năm sau, anh lại đưa cái đầu lên khỏi hàng rào nói: “Cái máy giặt của tôi hư rồi, không sửa được nữa vì đắt quá, phải vứt đi thôi”. Tôi chống cái cuốc đứng thẳng người lên nói với anh rằng: “Cái máy cũ Made in USA của tôi đã năm năm rồi vẫn còn chạy êm ru à”.

Tôi ít dùng “e”, không ebay, không ebook, ebank e… gì cả. Cũng không “i” vì không tiền để trả cho Iphone, Ipad,… mà hồi đó còn đi làm nghề visting nurse tôi thật không có thì giờ, còn phải mang theo cái phone của cơ quan nữa, như một con ma xó, mình đi đâu nó cũng biết, và cái phone thì như cái văn phòng nhỏ xíu trong lòng bàn tay để làm mọi việc giấy tờ, có đầy đủ hồ sơ của bệnh nhân, làm admission, discharge, oder, document… chưa kể là email, phone, text. Ở những năm của tuổi sáu mươi, tôi lái xe suốt ngày vòng quanh cái thành phố ồn ào, đông đúc với cái phone đó, khi về nhà đã thấm mệt, chưa nói những ngày lạnh tê tái và nóng đổ lửa, thì đâu còn thiết tha gì với “e”và “i” nữa.

 

Hồi trẻ hơn thì tôi thường dùng chữ E và I của ông Trời ban tặng cho mỗi người, nhiều hay ít, cao hay thấp, sướng hay khổ, họ cũng có thể xoay xở đủ để sống ở đời. Hai chữ E và I này được viết bằng chữ in nằm trong bộ não của mỗi người, mà phải mất một thời gian dài, các nhà tâm lý học và khoa học mới đo lường được chúng, đó là IQ, và EQ. Chữ E đại diện cho emotion - thông minh cảm xúc nằm dưới vỏ não, chữ I đại diện cho intellgence - thông minh logic nằm trong vỏ não -. Theo tôi thì hai chữ E, I lớn này rất quan trọng vì nó đẻ ra e,và i nhỏ. Những bộ óc có IQ và EQ cao tuyệt đỉnh đã phát minh ra e, i, ứng dụng vào việc chế tạo máy móc, và quảng bá chúng đến tận mọi nhà. Tôi gọi E, I lớn là “bà lớn” nằm ở trên đầu, và e, i nhỏ là bà nhỏ nằm ở bàn tay.

 

Sau khi nghỉ hưu từ năm ngoái thì tôi cũng bắt đầu dùng “bà nhỏ” nhiều hơn thông qua youtube để tu, để nghe những bài giảng về tâm linh khá thú vị, rồi tự chỉnh sửa chính mình. Thỉnh thoảng tôi cũng dùng nó để đi du lịch thế giới trên màn ảnh nhỏ hoặc giải trí qua những bộ phim mà hồi trẻ tôi không có cơ hội để coi, còn phim bộ thì tôi xin chào thua. Mới mấy tháng trước đây, trong trang youtube của tôi hiện lên một cuốn phim bộ của Mexico “Mảnh ghép tình yêu”, nghe mùi mẫn quá với hình ảnh hai diễn viên đẹp đẽ, tôi nhấn vào coi thử thì đúng là nó cuốn hút tôi vào như cái vòi của bạch tuột, khó mà gỡ cho ra. Bộ phim cứ tiếp tục và tiếp tục tới một trăm ba mươi lăm cuốn, mỗi cuốn chừng bốn mươi lăm phút. Tôi coi hết trong mười bốn ngày, mỗi ngày chừng mười cuốn, tôi ngồi trì từ mười giờ sáng tới sáu giờ chiều, may là chưa mất ngủ. Tôi bỏ

luôn cả những buổi luyện tập thể dục và cả hai ngày giữ cháu nữa, viện cớ là đang bị bệnh. Hai tuần sau, tôi đứng nhìn mình trong gương mà sợ, mặt mày hốc hác, thất thần, bụng ỏng, chân teo, cơ thể mệt mỏi, lười biếng vì không đủ dinh duỡng, tôi chi ăn mì gói và pizza đông lạnh. Từ đó tôi phải quyết tâm nói chữ bai bai b.. a…i thật dài cho phim bộ, không bao giờ dám đụng tới nó nữa.

 

Có bà bác sĩ hưu trí hay giúp cộng đồng bằng những bài thuyết giảng về bệnh tật. Hôm đó bà nói về bệnh tiểu đường, bà bảo tỷ lệ người mắc tiểu đường tăng nhanh trên thế giới trong thập niên vừa qua, do nhiều yếu tố như cách ăn uống, cách sống…. tôi phải nói thêm một yếu tố nữa, đó là phim bộ, họ làm quá dễ dàng cho người xem, không cần đi thuê, đi trả phim gì cả, không cần phải đứng dậy thay phim như trước, chỉ ngồi một chỗ, click vào mà xem bao nhiêu cũng có, mà phim thì quá hấp dẫn, nó không cho mình bỏ đi, rồi chỉ làm giàu cho Neflix và youtube… Thiếu vận động là một yếu tố lớn trong bệnh đái đường, và nhiều bệnh khác nữa. Chưa kể là ngồi coi phim thì thích ăn vặt, nào là popcorn, candies, cookies… ở xứ này thì tha hồ mà ăn.

Tháng Sáu vừa qua, ở một buổi họp mặt của đồng hương, tôi có gặp lại cô bạn hồi mấy năm trước cứ đòi gặp bạn bè để chụp hình bỏ vô facebook. Giờ thì cô đang than thở ông chồng của cô mới về hưu mà lại có bà nhỏ nên cô rất buồn. Đó là bà nhỏ Iphone.

Cô nói cô cứ tưởng về hưu hai vợ chồng sẽ an hưởng tuổi vàng với nhau, ngờ đâu ông vớ phải bà nhỏ đó thì em chịu luôn, suốt ngày ông chỉ ôm cái Iphone, ôm mệt thì ông chuyển qua Macbook, chỉ trừ giờ ăn và giờ ngủ; em rủ đi đâu ông cũng từ chối hoặc hẹn lần, hẹn hồi rồi quên luôn; nói gì ông cứ ừ, ừ cho xong chớ đâu biết em nói gì. Thà là bà nhỏ bằng xương, bằng thịt để em ghen, chứ giờ thì ghen cũng không được, tức muốn chết; nhiều lúc em bỏ đi qua Mỹ ở với đứa con gái mấy tháng liền ông cũng không thèm gọi hỏi han gì cả, em gọi thì thấy ông còn mừng nữa vì khỏi bị em cằn nhằn. Vậy là coi như em mất chồng. Ngày trước em ở nhà, lo việc nhà cửa, con cái, nấu nướng để chồng làm hai job, em ít gặp được chồng nên vào facebook cho đỡ buồn. Giờ thì ông mê bà nhỏ, vậy là xong. Tôi bảo với cô rằng, mấy chục năm trời ông làm hai job, ông có biết gì thế giới bên ngoài, giờ để ông coi bù lại vài ba năm rồi sẽ chán, chứ đâu còn sức mà ôm bà nhỏ hoài, thà vậy mà cô chỉ thấy buồn, chứ ông ôm bà nhỏ bằng xương bằng thịt thì cô sẽ tan nát cả cõi lòng. Trên gương mặt xinh xắn của cô đã hé ra nụ cười an ủi.

 

Tôi mới đọc báo nghe nói Toronto đang nghĩ tới chuyện vận hành taxi không người lái mà phát run, chắc tôi không dám dùng tới nó, vì sợ lỡ một tên hacker nào đó đụng vào cái mạng ấy thì tôi có thể rớt xuống highway lúc nào không hay. Coi youtube tôi thấy người ta nói đến thời công nghệ 4.0, 5.0 với những phát minh và ứng dụng thần kỳ mà cảm thấy ớn lạnh, nhưng phải bái phục. Những thế hệ mới của robot gần như người thật, nhưng tôi nghĩ chẳng bao giờ là người thật dù tối tân, tiến bộ tới đâu đi nữa vẫn chỉ là những cỗ máy tinh tế, chỉ sinh sản bằng cách clone từ máy móc chứ không sinh sản như con người được, vì tất cả đều làm từ “bà nhỏ”. Con người thì có cái tâm hồn và trí tuệ cao cả, với khả năng sáng tạo tuyệt vời. Mỗi người lại có một hình dáng, tâm tính, và số mệnh khác nhau, họ phải tự cố gắng vận hành những cái đó một cách tốt nhất để tìm đến hạnh phúc hay đau khổ của riêng mình, robot thì không. Đó là cái đẹp sinh động muôn hình, muôn vẻ của tạo hoá. Như vậy “bà lớn”mới thật là thiêng liêng cao cả, mà nhiều người đã coi thường bà, đối xử với bà không ra gì, dùng rượu thay nước uống, dùng những nàng tiên nâu, tiên trắng đưa bà vào cõi mây chín tầng, rồi bệnh không chịu uống thuốc, cứ mãi bỏ áp lực cho bà; tới ngày “bà lớn” bỏ mình mà ra đi thì khổ lắm, không phải mình đi theo bà cho yên thân, mà sống thiếu “bả”trên đầu mới là vấn đề.

 

Tuần vừa rồi ngồi trên máy bay qua LA, nhìn xuống mặt đất đẹp đẽ bao la, rồi nhìn chung quanh những thiết bị càng ngày càng hiện đại làm tôi trầm trồ, nhiều lúc như ngoài sức tưởng tượng của tôi, sao mà con người thông minh quá vậy, chưa nói tới những phi thuyền, tàu chiến, nhưng tòa nhà high tech ở Mỹ và xứ trung đông, những nhà máy càng ngày càng khổng lồ… tất cả đều phải dùng đến công nghệ của “bà nhỏ”.

Tôi ngồi suy nghĩ rồi tự hỏi họ có cảm thấy hạnh phúc khi làm được những cái vĩ đại phi thường như vậy không? Dĩ nhiên là có, họ đã thỏa mãn được những tham vọng và đam mê tìm kiếm của con người. Có những khoa học gia khác đã cảnh cáo và muốn quá trình tìm kiếm đó chậm lại để cân bằng cho việc bảo vệ môi trường sống, chúng ta đã và đang dùng quá nhiều những tài nguyên vượt xa sự tái tạo và biến hủy của thiên nhiên làm mất đi sự cân bằng đó trên trái đất, nhưng sợ không kịp nữa rồi, lòng tham của con người khó mà quay lùi, một khi đã ăn miếng ngon rồi thì miếng dở đưa tới sẽ làm họ khó chịu. Vả lại sự cạnh tranh của những cường quốc trên thế giới rất mãnh liệt, ai cũng muốn làm bá chủ, nên không bên nào lùi bước. Khi “bà nhỏ” high tech lọt vào tay của những tên trùm trọc phú, tham lam, kém hiểu biết thì họ sẽ quậy cho tới cùng, không cần biết gì hết, chỉ biết tiền và tiền, thế lực và thế lực, ai chết mặc ai, cứ vô tư mà sản xuất ra những sản phẩm “fast product”, “fast fashion” trông đẹp đẽ, tiện lợi, và giá rẻ, nhưng dùng một lần hoặc vài lần thì vất bỏ rồi đi mua cái khác, vậy là các nhà máy sản xuất cứ bừa bãi nhả khói và nước thải vào bầu khí quyển và nguồn nước sạch của loài người, rồi trái đất cứ nóng dần. Chưa kể đến những vũ khí hiện đại tối tân, tai họa đang nằm trong tay những kẻ khùng tham lam. Tôi mong được tái sinh làm người trong nhiều kiếp nữa để coi con tạo xoay vần ra sao, trái đất sẽ nổ tung? Loài người sẽ còn rất ít ỏi vì bệnh tật.?… mà thôi những chuyện đó còn xa vời quá nghĩ làm gì cho mệt. “Live in the moment”, tôi tự nhủ như vậy.

 

Tôi chỉ còn chút sức mọn để làm đủ phần mình trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường của một công dân, tôi luôn nhớ bỏ đồ recycle đúng chỗ, không mua sắm đồ không cần thiết và sản phẩm “fast product”, nhất là Made in China, để rồi tạo ra những đống rác khổng lồ cho trái đất và làm giàu thêm cho cộng sản đỏ trọc phú. Trong những buổi hội hè ăn uống vớí nhau tôi thấy có nhiều người đã sống ở Toronto cả mấy chục năm vẫn không biết loại rác gì để bỏ vào ba cái thùng khác nhau cho đúng, họ chỉ dzụt vô một thùng rác một cách vô thức, nhiều lần tôi phải lượm những lon pop hay chai nhựa trong thùng rác thức ăn bỏ qua thùng recyle, có mấy người thấy được nhìn tôi như là một con ngu, tôi phải lên tiếng giải thích cho họ, rồi sau những lần ăn uống đó tôi lại nhắc nhở, họ có bất bình gì không, tôi không biết, tôi chỉ làm nhiệm vụ của một công dân trong cộng đồng. Nghe sao như “geek”, nhưng thấy việc trái mà mình nói được, làm được

thì phải nói, phải làm. Sau một thời gian ngắn tôi không còn thấy người ta bỏ rác lộn xộn như trước nữa. Hy vọng những ngọn gió sẽ thổi đến mọi người để họ tự làm đủ phần mình, hoặc xa hơn nữa, cho trái đất bớt giận dữ và loài người cũng sống yên ổn hơn.

 

Tôi phải tâm niệm rằng ở cái tuổi hạc của tôi thì bà lớn là quan trọng. Cuộc sống không có bà nhỏ cũng buồn, nhưng gần gũi bà nhỏ nhiều thì bà sẽ lấn áp bà lớn của tôi, chưa nói là bà lấn áp luôn cái sức khoẻ như vàng, như ngọc, nên mỗi ngày tôi phải cố cân bằng bà lớn và bà nhỏ với nhau sao để chúng không hại đến cái thân. Tôi phải lo chăm sóc, bồi duỡng cho bà lớn bằng những bữa ăn dinh duỡng tự nấu bằng đồ tươi chứ không ăn tiệm nhiều, ngủ đủ sáu tiếng, luyện tập thân thể với những chương trình của cộng đồng chứ đừng nói là ở nhà tự tập một mình vì tôi sẽ lười, chỉ quậy quậy năm ba phút qua loa rồi nghỉ, chưa kể là tôi còn được ăn, được nói, được cười với bạn bè ở đó. Muốn cho bà lớn được yên ổn, tôi luôn cố gắng giữ mối quan hệ với mọi

người một cách tốt đẹp, một điều nhịn, chín điều lành, chuyện trắng đen gì rồi trước sau cũng lòi ra với cái thời đại công nghệ cao kỹ này. Đôi lúc tôi cãi vả hoặc tranh luận với người thân, bạn bè với tinh thần xây dựng, nhắc nhở, chứ chẳng phải hơn thua, ganh ghét làm gì, con người mình quá nhỏ bé trong môi trường mình đang sống khi tầm nhìn càng ngày càng được mở rộng, và cuộc đời từ đây cũng ngắn ngủi hơn, sống sao cho cái tâm mình an với bà lớn, bà nhỏ là hạnh phúc rồi.

.

Hai thằng cháu đã chán chơi lego, ngoại chúng phải ngưng mơ màng chuyện bà lớn,bà nhỏ để kiếm gì cho chúng ăn bữa lỡ rồi dẫn chúng ra sân chơi của trẻ con ở góc đường.

 

Lê Cẩm Tú

YKH 13

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.