Bạch Mã Phi Mã

 

 

Đằng Giao Tiểu Muội
và Nguyễn Văn Trường

 

tuổi tam thập, tôi tiếp cận với câu ‘Con ngựa trắng không phải là con ngựa.’ Hán Việt nói gọn hơn: ‘Bạch mã phi mã.’  Đó là câu nói của Công Tôn Long, khi ông qua một cửa ải, bị quân lính chận bảo ông phải xuống ngựa. Ông bảo: ‘Bạch mã phi mã.’ Con ngựa của Ông là con ngựa trắng. Vì ngựa trắng thì không là ngựa, nên ông không xuống ngựa.


Câu chuyện chỉ là vậy. Thế mà, Công Tôn Long, nhân vật hàng đầu của Danh gia—sắp vào hàng thứ tư trong Bách Gia Chư Tử--nổi tiếng là ngụy biện. Từ ấy, nhiều triết gia văn học bàn về ‘ngựa trắng không phải là ngựa.’ Cụ Giản Chi, trong Đại Cương Triết Học Trung Quốc cũng có nói qua, và trên net có nhiều học giả bàn tới. Nhưng thú thật, càng đọc tôi càng mù mờ. Ôi triết học sao mà cao siêu quá lắm vậy!

Thế nhưng gần đây, nhớ lại thời trung niên—gần hai thập niên sống với những người quân tử thời hiện đại. ‘ăn chỉ gần no, mặc chỉ gần đủ ấm’, tôi mới  ngộ ra cái  nghĩa của ‘con ngựa trắng không phải là ngựa.’

Số là:

Họ là những con người ‘thánh thiện’.
Họ nghĩ, nói, làm cái gì cũng đúng. Người người, nhà nhà đều hồ hởi, phấn khởi, vỗ tay, đồng loạt khen rằng họ đúng. Mọi người đều phải ghi tâm khắc cốt rằng:

  • ‘Sông có cạn, núi có mòn, nhưng chân lý ấy của họ thì luôn không bao giờ thay đổi’.
  • Họ là ‘lương tri của thời đại, đỉnh cao trí tuệ của loài người’.
  • Họ là những nhà tiên tri—prophets— thời nay. Mà là tiên tri tức thuộc bậc thánh.

 

Trong thực tế, họ là thánh. Họ là những tông đồ khai đạo. Đạo Xã Nghĩa của Hội Xích Thánh, dịch nôm là Hội Thánh Đỏ. Tổ chức Hội Thánh Đỏ và cách hành xử gần như thời kỳ các tòa án dị giáo—Inquisition— ở Tây Ban Nha, thế kỷ thứ 16, xử thiêu sống các người dị giáo.
Trong thực tế, ít nhất là trong giới hạn những kinh nghiệm mà tôi trải qua, thì trong thế giới do các thánh quản lý, ai mà nghĩ khác, nói khác, làm khác lời các thánh dạy, đều là dị giáo— heretic— đáng lên giàn hỏa.  Kẻ dị giáo không có chỗ đứng dưới sự cai quản của các thánh.

Thánh không là người. Chính danh chi thuyết, thì nếu là người làm sao gọi là thánh được.

Vì thế nên: là thánh thì khó mà biết tình người, không hiểu tình người
Thánh chỉ biết Giáo Hội, giữ gìn đề cương của Giáo Hội.
Thế giới các thánh không có cái ác.  Chỉ có thiện.  Mà thiện ác tương sinh: không có ác thì làm gì có thiện.  Vậy, thế giới các thánh cũng không có thiện. Không ác, không thiện. Nói đúng ra, thế giới các thánh là thế giới phi thiện phi ác.  Cho nên khi đọc Beyond the good and evil—tựa của một quyển sách của Nietzsche, tôi giựt mình, và lo sợ. May mà tôi chưa có cái tò mò đi vào nội dung. Nói riêng, vào trong thế giới phi thiện phi ác của các thánh tôi sợ mình lạc đạo. Mà lạc đạo là dị giáo.

 

Trong xã hội lãnh đạo do các thánh—mà các thánh muốn là phi thiện phi ác—thì mọi người đều trở thành người-thánh


Người-thánh không khác người thường. Người-thánh in hệt người thường về thể chất.  Nhưng về trí tuệ tâm linh thì là thánh. Người-thánh, tương tự như trẻ con VN sinh trưởng ở châu Âu, lớn lên ở châu Âu, nói tiếng địa phương, nghĩ như người địa phương, thất tình lục dục như người địa phương. Chúng giống như trái chuối—ngoài vàng, trong trắng như Mỹ trắng. Bên ngoài, chúng là da vàng mũi tẹt, VN rặt, nhưng bên trong tâm lý, nghĩ suy,…, tất tất đều là như người địa phương da trắng, trắng tinh.  Người-thánh cũng tương tự như vậy; xác người mà hồn thánh. Một cách nói khác –và thực tế hơn—thì  đó là những con người như người thường, nhưng đã cầm bán linh hồn cho các thánh, nên nghĩ như thánh, lý luận như thánh, nói như thánh, hành sự như thánh.

Thế nào là hành sự như thánh?
Một thí dụ:

Với các thánh, cứu cánh biện minh cho phương tiện.
Cứu cánh: một thế giới đại đồng, không có người bóc lột người, không giai cấp, làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu, người người, nhà nhà sống hài hòa trong hòa bình an lạc. Cái cảnh thanh bình lạc thiện, mà từ xửa từ xưa đến nay, các đạo giáo— Khổng, Lão, Phật, Thiên Chúa, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, …— đều bất lực, không đem lại cho nhân loại được, thì các thánh có một con đường khoa học—con đường xã nghĩa— tất yếu đưa nhân loại đến Niết Bàn trần thế.
Nói theo các thánh, nàng tiên xã nghĩa rộng mở vòng tay cho mọi người, nhưng hoa đẹp nào cũng có gai, mà đó lại là ‘hướng đi tất yếu của lịch sử loài người.’ 


Con đường xã nghĩa là con đường ngắn nhất đem đến an bình lạc thiện. Mọi phương tiện—kể cả gian giảo, lừa lọc, bạo lực, khủng bố, giết người, giết lầm hơn là tha lầm— đều tốt, buộc mọi người phải ôm lấy nàng tiên xã nghĩa nầy.  Vì vậy, mọi người phải là người-thánh, bằng không thì là dị giáo. Hồi xưa, chưa văn minh, còn đem thiêu sống.  Giờ, thời đại khoa học, bị nghi là dị giáo thì: nếu nhẹ thì bị tù khổ sai mọt gông, gọi như vậy là rộng lượng, bao dung, cải tạo để tri-kiến-ngộ-nhập xã-nghĩa, và nhập thànhngười-thánh; còn nặng, thì hoặc đi mò tôm hoặc lặng lẽ bị thủ tiêu. Tất tất đều không có án tịch.

Thế nhưng phải làm thế nào để thành người-thánh.
Muốn trở thành người-thánh phải biết tiên ưu hậu lạc’—‘lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ.’(1). Nói rõ hơn là biết quên mình vì đại nghĩa, mà đại nghĩa là ở các thánh. Vậy, phải có ý thức cao độ rằng: Thánh trước, mình sau. Cho nên việc ‘bảo vệ các thánh’; ‘bảo vệ thánh thể’  là tiên quyết,  là  kinh nhật tụng xã-nghĩa.


Ngoài ra, phải được công nhận là: ‘có cái tự do là tự ý từ bỏ quyền làm người của mình để ủy nhiệm cho một thánh, đại diện cho mình—gọi là đại biểu.’  Sau đó, mình phải bằng lòng và vui vẻ hồ hởi, nạp tất cả sản phẩm mình tạo ra cho Hội Thánh, rồi Hội Thánh sẽ phát trở lại ‘công bằng’ cho mỗi người.  Mọi người nhờ đó mà được ấm no. 

Còn con cái?
Hồn mình đã giao cho thánh, thì con cái mình đương nhiên là đồng-nhi của Hội Thánh. Hội thánh nuôi dạy, giáo dục, và đương nhiên là theo Kinh… Thánh, và cuối cùng là nhằm cho chúng thành.. thánh, bằng không cũng thành người-thánh.


Người-thánh không cần phải suy nghĩ, không lo âu: khỏe ru—‘tâm vô quái ngại’, vì đã có các thánh nghĩ cho mình. Trong giáo dục, các thánh chú trọng đặc biệt về tính chất nầy. Trong thực tế, Hội Thánh dạy ‘dám nghĩ, dám làm’.  Nhưng phải dạy sao cho trẻ con giác ngộ rằng nghĩ suy làm mệt trí, mà có khi còn nguy hiểm. Dành quyền tư duy cho các thánh— các nhà tiên tri đã thấu rõ ‘con đường tất yếu của lịch sử..’—và hành xử y theo các thánh dạy thì an toàn trên xa lộ đời người. Cho nên, người ta huấn luyện để trẻ con biết ‘hồ hởi’, ‘vỗ tay’ (khi thánh vỗ tay), và nhất trí với những điều thánh phán. Dưới chế độ các thánh, con người hoàn toàn có an ninh và cơm no ấm áo! Vì không còn mâu thuẫn giai cấp, không còn người bóc lột người, không có ai nói khác lời các thánh… dạy.


Năm rồi, tôi có đi học đạo—Đạo Phật. Thầy G.Đ. thuyết về Thơ Thiền, Thơ Đạo,… Tôi nghĩ đến con ngựa trắng, đến những người-thánh—xác người-hồn thánh, và theo đó tôi ngộ ra: Người-thánh không là người. Vì linh hồn đã cầm bán cho thánh. Thơ thiền không là thơ. Nàng Thơ xuất gia, rời cõi tục, luyện tập tâm không, Nàng trở thành sư nữ hay một vị thiền sư. Thơ đạo không là thơ.  Hồn thơ đã mất trong Đạo cả. Thơ thánh cũng không là thơ. Nàng Thơ phải trọn vẹn với các đề cương thánh. Ông tiến sĩ hóa học cạnh nhà tôi dạy:  Nước—H2O—không là hydro—H2—và cũng không là oxy—O.

 

Vậy thì rõ mồn một rằng bạch mã phi mã.


***


Sống với các thánh, một trong những phản ứng của tôi là thèm muốn, ước mong, thiết tha trở về cái thế giới loài người: Thế giới của thiện ác, của sự bất toàn, của sự đổi thay, thế giới phù du, nhưng cũng là thế giới của sự góp phần, của hy vọng, của lòng tin ở sự tiến bộ của loài người.Không chắc vô thường là tiến bộ, vô thường không là điều kiện đủ cho tiến bộ. Vô thường là điều kiện cần và tối quan trọng cho tiến bộ.  Còn cái thế giới vĩnh hằng, miên viễn, nước của chư Phật, của Thiên Chúa, cũng là một thế giới toàn thiện, tuyệt đối tốt, tuyệt đối chân thật—không có ác, không có cái xấu, không có giả dối— cũng là một thế giới phi thiện phi ác. Và ở đó, có gặp các thánh thì cũng vui thôi. Mọi chúng sinh đều bình đẳng trước Phật, và trước Chúa!

Đã sống trong một xã hội có nhiều thánh (cũng may mà không mấy khi được gặp thánh), mà được về với xã hội loài người mà Ma-Phật lẫn lộn, tôi cảm nhận như được một ân sủng lớn của Trời Phật. 

Nhìn lại, trong xã hội bình thường như xã hội chúng ta hiện nay, cũng có lắm bậc thánh.  Mà hễ có thánh thì có người-thánh.


‘Lịch sử loài người phong phú về ‘gương’ các thánh ‘vĩ đại’:
Thánh chiến-Crusades—thời Trung Cổ ở Trung Đông, và ngày nay vẫn còn đông đảo thánh tử  đạo. Tomás de Torquemada, thế kỷ thứ 15, mở đầu cho một thời kỳ dị giáo tàn khốc ở Tây Ban Nha và Châu Âu.  Trong lịch sử cận đại có những tên tuổi ‘vĩ đại’: Adolf Hitler, Benito Mussolini, Francisco Franco, Nicolae Ceausescu, Joseph Stalin, Mao Trạch Đông, họ Kim ba đời cha truyền con nối, ... đại diện cho những thể chế toàn trị--totalitarism. Và gần đây, còn   những tên tuổi nhỏ hơn như Sun Myung Moon (Unification Church), Jim Jones (Jonestown) David Koresh (The Branch Davidians)… và gần hơn nữa có sư Wirathu –mà có người gọi là Burma Bin Laden, lãnh đạo nhánh Phật giáo xu hướng triệt để-- kích động cuồng tín và bạo lực (2). Danh sách nầy còn dài và cho thấy các thánh hiện diện ở mọi lãnh vực sinh hoạt của xã hội ngày nay: tôn giáo, chính trị, doanh nghiệp,.., từ lớn đến bé.’


Thánh và người lẫn lộn, khó phân biệt.  Đừng nhẹ dạ tin vào kinh và pháp, do các ‘giáo chủ’—mà hầu hết là thánh— tiên tri và giảng giải.  Là người thì: nếu tin thì phải có nghi. Qui y pháp không có nghĩa mất mình vì pháp, nói rộng ra là vong thân cho một lý tưởng, qui y tăng không có nghĩa giao mạng mình cho tăng. Mặc áo chùa hay áo giòng, chưa hẳn đã là tu. Chánh yếu phải biết thân phận mình là người mà lánh xa các thánh. Người với người, dễ sống hơn. Gần thánh, dễ bị cám dỗ, hoặc biến thành người-thánh hoặc trở thành dị giáo. Cả hai con đường đều như César qua sông Rubicon.’(3)

 

Cho nên, tôi ân cần tự nhủ: ‘Trong xã hội văn minh ngày nay, thánh đông lắm, đâu đâu cũng có, ở thánh đường, ở các chùa, ở chính trường, ở doanh nghiệp, …, khắp năm châu. Nếu phải tiếp cận với bậc thánh, thì họa phúc vô lường; cho nên phải dứt khoát: kính nhi viễn chi. Nếu cảm thấy mình là thánh, thì phải xét lại xem mình có là một tai họa cho gia đình mình và rộng hơn là cho môi trường chung quanh, hay—gần hơn, khó nhận hơn—là tai họa cho chính mình?’

 

 

Kết Luận: ‘Cô vọng ngôn chi vọng thính chi.’

 

Tôi có thói quen, sau khi viết xong, hay gần xong một bài thì hay hỏi ý bạn bè, lấy lời phê phán, để trau chuốt, gọt lại cho hoàn hảo hơn.  Một ông bạn tôi đáp bằng một câu của người xưa:

‘Cô vọng ngôn chi vọng thính chi.’

 

Tôi mù, không hiểu mô tê gì cả? Ông có giảng. Nhưng muốn hiểu sâu hơn, tôi lên net. Cũng không được sáng thêm một tí nào.  Thôi thì phải hỏi ông Đồ của tôi, Thầy Đồ họ Đỗ. Ông ban cho một cẩm nang. Sau đây là trích một đoạn:

 

‘Đây là (câu đầu) bài Thất ngôn Tứ Tuyệt của Hình Bộ Thượng Thơ lúc bấy giờ (đời Thanh ) là Vương Sĩ Trinh, 4 câu thơ kết thúc cho bài Bình về quyển Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh mà Vương rất thích, chỉ vỏn vẹn 4 câu thôi mà nêu hết được cái ý chính và chủ đích của tác giả về tác phẩm bất hủ " Liêu Trai Chí Dị ". Toàn bài thơ như sau:

 

Cô vọng ngôn chi cô thính chi.
Đậu bằng qua giá vũ như ti.
Liệu ưng yếm tác nhân gian ngữ,
Ái thính thu phần quỷ xướng thi !

 

Bản Diễn Nôm của Cụ Đào Trinh Nhất:

 

“Nói láo” mà chơi, nghe láo chơi

Dàn dưa lún phún hạt mưa rơi

Chuyện đời đã chán không buồn nhắc

Thơ thẩn nghe ma kể mấy lời.’

 

Tôi cảm nhận như Ông dạy:

‘Nói quấy mà chơi, nghe quấy chơi’(4)
        Trong cảnh tha hương, tuổi xế chiều
        Chuyện đời chưa chán, còn vương vấn.
        Nhắn gởi ai ơi chuyện thánh thần..

Người xưa nói chuyện ma, hậu sinh nói chuyện thánh, phải chăng cũng là chuyện con ngựa trắng không là ngựa?

Lời cuối:
Quá nhiều nạn nhân (do ý thánh), thây chất thành núi, máu và nước mắt chảy thành sông, sao có thể đơn giản một câu ‘Cô vọng ngôn chi, vọng thính chi’ mà nghe được? Sao gọi họ là thánh được.

 

Houston, Texas July 1st, 2013

 

 

GS Nguyễn Văn Trường

 

 

Chú thích:

 

1 Nguồn: Internet

2 TimeVOL 182, N0. 1, 2013, July 1st.  Page 4 and 42. The face of Buddhist Terror by Hannach Beech.

3 Một ra đi là không trở lại.

4 Đồ chiêu Đức. Nguyên văn: ‘Nói quấy nói quá, nghe quấy nghe quá chơi mà thôi.’

 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.