CÂY TRÁI TRONG VƯỜN KỶ NIỆM

(Phần 2)

Vườn nhà tôi chỉ có một cây Chanh và vườn nhà Ông Nội tôi có hai cây Chanh. Nhưng nhà Cô Hai Trinh của tôi, nằm ngay góc đường Phan Chu Trinh và cầu Phủ Cam, có cả một vườn chanh với trên cả hai ba chục cây, nằm phía sau nhà, thật đẹp với lá rất xanh và bông trắng rất thơm, trái to nhỏ đủ cỡ; mỗi khi chen vào hái thế nào cũng bị gai đâm vào người, vào vai.  Vì vậy hồi nhỏ tôi thường cúi thấp bò vào phía dưới cây để lượm những trái chanh rụng ở vườn nhà của Cô. Tại vườn nhà tôi, tôi dùng cây sào tre có cái móc nhỏ ở đầu để móc trái chanh về phía mình, hay làm cho trái chanh rớt xuống đất rồi lượm. Tôi vẫn còn nhớ đến kỷ niệm trong đó hai anh em tôi nhiều lần bắn được chim chào mào hay cu cườm, đem nướng với lá chanh và muối ớt, rồi ngồi ăn với nhau dưới mấy gốc cây. Nhớ lại mà vẫn còn thòm thèm! Người Huế ít xử dụng trái chanh trong nấu ăn ngoại trừ làm nước chanh để uống. Ngược lại, người Miền Nam hay làm nước mắm chua ngọt với chanh và làm chanh muối uống rất đã khát khi mùa hè.Thỉnh thoảng Măng tôi, và sau này bà xã tôi có cắt mỏng da chanh để làm crème flan. Từ nhiều năm qua, vườn nhà em dzợ tôi có cả 2 loại Chanh lemon và lime, nên nhà tôi không bao giờ thiếu chanh. Khi dọn về hẳn ở CA này, tôi mới chộ trái Chanh Dây có màu tim tím và hột nhai cắn lụp bụp trong miệng gây thú vị khi uống. Vừa qua, nhân buổi ăn Brunch do anh chị BS. Lại Đức Thuần khoản đãi sau ĐH YKH, nhiều bạn hái cả bịch chanh dây từ vườn sau nhà của anh chị. Riêng nhà cô bạn Bùi Thu Hương của nhóm Thiên Hựu & J’Anne D’arc, có một dàn chanh dây nằm ngay sân trước nhà, rất lớn và đẹp chi lạ với cả trăm trái xanh, vàng, hồng, tím nhạt và tím đậm treo lủng lẳng trên giàn.  

 

Cây Trứng Cá là cây mà cả vườn nhà tôi và vườn Ông Nội tôi đều không có, nhưng xóm trường ĐK có hai cây Trứng Cá. Cây thứ nhất nằm phía sau văn phòng bà Hiệu Trưởng, gần cửa bên hông của trường, ngay trước nhà bác Tỵ, nhân viên lao công của trường. Cây này, nếu tôi nhớ không lầm, bị trốc gốc sau một trận bão lớn nào đó. Cây trứng cá thứ hai nằm ở ngay sau lầu 3 tầng, bên trái của cột cờ kể từ hướng cổng trường nhìn vào, ngay trước nhà của gia đình Dì Hoàng Huyên. Đám con nít chúng tôi, cả gái lẫn trai, thường xuyên leo ngồi chơi cả giờ trên cây trứng cá đó, dù ban trưa dưới nắng hè. Chúng tôi rất thích cây này vì thân cây nhỏ và cây có nhiều cành nên dễ leo. Tuy cành rất dòn và dễ gãy, nhưng chưa có ai trong xóm ĐK bị té. Chúng tôi thay phiên nhau hái những trái trứng cá vàng, hồng cho đến đỏ chín, tranh ăn với chim làm những trái chín rụng đầy đất. Sau biến cố Mậu Thân, tôi được biết cây Trứng Cá nầy bị những gia đình đến tạm trú tại trường ĐK đã đốn làm củi nấu ăn.  Nhiều nơi ở Huế như hai bên đường quốc lộ 1 từ An Cựu đến Phú Bài, bên kia Đập Đá, trong khu Tây Lộc, gần Mang Cá… có rất nhiều cây Trứng Cá. 

Vườn nhà Ông Nội có 3 Cây Dâu, hai cây nằm ở phía sau nhà và tuốt xa dưới vùng đất trũng, một cây nằm trước nhà chính, trên lối vào từ xóm Đường Đá. Chúng có hoa hồi nào tôi không mấy rõ, nhưng cứ mỗi dịp Tết khi đại gia đình tụ tập vào ngày Mùng Một để chúc tết ÔB Nội, là dịp tôi mới nhận thấy các chùm dâu có màu hơi đỏ đỏ tím tím, treo tòn teng chung quanh thân cây và các cành cây lớn, nhìn vào rất hấp dẫn. Nhưng đến khi đưa một trái vào miệng thì chua ơi là chua! Chua cho đến nỗi nước miếng tiếp tục ứa ra trong miệng dù đã nhả trái dâu ra cả vài phút trước. Tôi cũng từng thử qua dâu đó khi trái chín tới, nhưng vẫn chua như thường. Tôi không thấy nhà nào khác ở Huế, Nguyệt Biều, Long Thọ… có trồng cây Dâu. Nhưng Truồi, cách Huế không quá 30 cây số trên đường đi về Đà Nẵng, lại rất nổi tiếng vì giống Dâu ở đây ngọt đặc biệt, mà người dân thường đem bán dọc 2 bên đường khi xe chở hành khách đi ngang qua. Trong những năm chị đầu của tôi học ở Couvent des Oiseaux tại Đà Lạt, mỗi khi bay về thăm nhà chị có mang Dâu về, nhưng đó là Dâu Đà Lạt hay Dâu Tây, còn gọi là Fraise mà ở Huế không bao giờ có.

Ở bên hông nhà chính của Ông Nội tôi có 2 cây Thanh Trà; cả 2 cây đều có nhiều trái khi đến mùa. Vì cây không quá cao, nên tôi chẳng có cơ hội leo cây Thanh Trà. Không những vậy, vì cây nằm gần nhà bếp nên tôi lại càng không dám hái trái.

Thỉnh thoảng Bà Nội kêu qua cho nhà tôi vài ba trái mỗi mùa. Trái tuy không to như thấy bán ở chợ, nhưng múi bên trong vừa ngọt vừa có chút the, và hơi khô chắc vì thiếu nước. Mỗi lần Măng tôi mua Thanh Trà về nhà, các anh chị tôi lột vỏ cẩn thận làm mũ cho tôi đội trên đầu. Chỉ cần có thêm một thanh gỗ nhỏ làm kiếm là tôi cứ nghĩ mình là một hiệp sĩ. Mấy anh chị còn lột vỏ mấy hột Thanh Trà, xâu vào cọng tre dài để khô một hai ngày sau, đốt ban đêm rất sáng. Ngoài lột ăn từng múi, riêng tôi thích nhất là món Thanh Trà trộn với mực nướng cùng với nước mắm ớt đường, rất thường xuyên được anh chị tôi làm ăn ở nhà. Vì đâu mà có tên Thanh Trà Lão và trồng ở đâu tôi hoàn toàn không rõ, nhưng nhìn trái thanh Trà Lão cũng có thể hiểu được ý nghĩa vì trái nhỏ như cái sọ người với đầu chóp nhô lên. Sau này vào SG tôi biết thêm Bưởi Biên Hòa, có màu hồng và nhiều nước, chấm ăn với muối ớt cũng ngon tuyệt, nhưng so với Thanh Trà Huế vẫn thua xa.

Cây Me duy nhất của vườn Ông Nội tôi nằm tuốt ở lủng đất sau nhà chính. Cây này rất cao và lớn, có tàng cũng khá rộng. Hồi còn nhỏ, không hiểu vì vị trí của cây Me như thế nào, mà tôi chưa một lần dám leo lên cây me, chỉ đứng dưới dùng sào tre giựt cho từng chùm Me rớt xuống và lượm về nhà, dễ nhất là khi trái đã chín sẵn. Nếu Me còn xanh, chua, thì chúng tôi chấm với muối. Đây là một trong những loại trái cây thường được mến chuộng, vì những khi bạn bè tụm ba tụm năm, trái me luôn là một hấp dẫn cho lũ trẻ chúng tôi, cả trai lẫn gái, đưa chuyền cắn chung với nhau một trái, rồi cùng xuýt xoa chua quá. Để chín trên cây, khi lột vỏ ra, trái me có hột cứng bên trong, có cơm đậm màu và ngọt hơn nhiều, có dây chằng bao xung quanh mà nếu trái me càng già thì dây chằng càng to và cứng. Đó là me rốp. Chúng tôi chỉ cho nhau cách ăn me rốp, lột vò một lần, đưa vào miệng nguyên trái, dùng răng kẹp ruột me lại rồi từ từ rút nguyên phần còn lại với cuốn trái me và các dây chằng ra khỏi miệng. Khi lớn lên, tôi mới bắt đầu biết thêm có me dầm, mứt me bao trong giấy gương, me ngào đường, nhất là vào các dịp tết. Ở Huế đặc biệt có một con đường nổi tiếng tên là Đường Hàng Me, là nơi một gia đình có bốn chị em đồng có tên cuối là Mi: Trà Mi, Kiều Mi, Nga Mi, Diệm Mi đẹp nổi tiếng đất Thần Kinh một dạo, mà ngay cả sau này ông anh thứ ba của tôi cũng đã từng đạp xe đạp dợt qua dợt lại trồng cây si trên con đường chua lè đó.

Vườn Ông Nội tôi chỉ có 1 cây Vả khá lớn và già, nằm ngay ở trũng đất của vườn sau căn nhà chính. Cây Vả có lá rất lớn và có trái thường hay bám vào các cành nhỏ mọc quanh thân cây, gần đất. Vì vậy sau cơn mưa, trái Vả thường hay dính bụi đất. Có lẽ đây là một cây trái người Huế ưa thích mà không một nơi nào khác trong nước có thể trồng được, ngoại trừ sau này ở Florida. Vào mùa vả, thường là từ tháng 5 cho đến gần cuối năm, anh chị em chúng tôi hay ăn món vả cắt dày chấm với ruốc, món vả kho, vả trộn tôm thịt, canh vả. Ngoài ra, vả còn được xắt lát nhỏ để ăn với Bánh Xèo…Vì có vẻ ai cũng thích trái vả, cho nên Bà Nội thường hay để dành trái vả chia cho các các Cô Chú. Do đó, tuy ở gần nhưng tôi cũng có được sự tinh khôn để không hái trái vả thường xuyên như những trái cây khác. Vườn nhà ÔB. Ưng Trạo ở góc dốc Phủ Cam cũng có một cây vả còn lớn hơn cả cây vả trong vườn nhà Ông Nội Tôi, và ÔB. cũng thường xuyên hái vả đưa Măng tôi đem về nhà.

Anh chị BS. Hoàng Thế Định từ Florida đem vả cho vợ chồng chúng tôi khá nhiều lần (hình trên) trong những dịp đi dự ĐH YK Huế, đôi khi gởi luôn qua đường Bưu Điện, đặc biệt nhất lần đầu tiên ăn món vả dầm chua của anh chị ở Orlando. Có lần nhận trên cả chục trái vả còn tươi, bà xã tôi nhanh chóng làm món Vả trộn tôm thịt mời nhóm bạn thân YKH đến thưởng thức món ăn Huế hiếm quý này. Có thêm câu chuyện như sau: trong một lần về thăm Huế sau cả mười mấy năm trong quân ngũ, đàn anh Quan Tư Biệt Động Quân Trần Tiễn San đến ăn bánh xèo ở cửa Thượng Tứ. Khi dĩa rau sống dọn ra không có một miếng vả nào, anh bèn than thở với bà chủ quán cả mươi năm xa Huế bây giờ về lại mà không nếm được một lát vả thì quá uổng công. Bà cảm động, cho người làm chạy đi tìm mua ngay vả đem về xắt cho anh ăn liền trong khi bánh xèo còn đang nóng hổi!! Quan Tư vừa ăn vừa rung đùi. Khoái khẩu quá! Và cũng nhờ 6 trái Vả của anh chị Hoàng Thế Định, 2 cặp vợ chồng Võ Đại Lợi và V. Chánh cùng nhau ăn mừng thành công Đêm Văn Nghệ ở studio Thy Thy, 5 ngày sau ĐH YKH 2015, bằng món Vả trộn xúc bánh tráng. Đây là lần thứ hai vợ chồng bạn Lợi được ăn Vả trộn ở Mỹ, tại cùng một nơi và với nguyên liệu từ một nhà vườn Thế Định.

Cây Bần Quân cũng là một cây hiếm quý ở Huế vì trong suốt mấy chục năm lớn lên ở Huế, tôi chỉ thấy vài nơi có cây này. Cây Bần Quân nằm ở tận cuối vườn lớn của ông Nội tôi, gần giáp với đường rầy xe lửa. Muốn đến cây Bần Quân, tôi phải lội bộ xuyên qua nhiều cụm cây to nhỏ, và đặc biệt một hồ nước bằng cỡ sân đánh badminton, cạn nước vài ba tháng khi mùa khô. Nhưng vì được nghe những mẩu truyện kiếm hiệp có những cặp rắn vui đùa với nhau dưới trăng và nhả ngọc cho nhau, nên những lúc đến gần hồ, nhất là lúc hồ đang có nước, tôi có cảm giác rợn người khi nhìn thấy những con rắn mà hồi đó không biết là loại rắn độc hay rắn học trò. Cây Bần Quân này rất cao và có nhiều cành. Tôi không nhớ mùa ra hoa và hoa như thế nào, nhưng cứ đến cuối hè là tôi bắt đầu rảo bước về tận cuối vườn và thận trọng leo lên các cành lớn nằm phía dưới vì có ít gai, rồi dùng khèo tre móc những trái chín có màu nâu sậm rớt xuống đất. Trái Bần Quân, to bằng cỡ trái nho, có da hơi dày, hơi dai và dòn khi nhai và bên trong có vị chua ngọt. Đây là một loại trái cây mà chim rất thích, bay về ăn từng bầy. Khi tôi chia với chúng bạn trong xóm cùng ăn trái Bần Quân, chúng hay hát câu “da bần quân cổi quần không kịp” tôi cứ nghĩ đến chuyện bị tiêu chảy khi ăn Bần Quân, nhưng với tôi mỗi khi ăn bần Quân tôi lại bị effet ngược.

 

Hai chậu Kim Quật kiểng của Ông Nội để ngoài sân có lát gạch. Chậu thuộc loại lớn nên cây lớn, đến mùa rất sai trái. Tôi không biết tuổi của 2 cây quật kiểng đó, nhưng khi bắt đầu khoảng 3-4 tuổi tôi đã thấy chúng có đó rồi. Trái Kim Quật thường có vị chua, nhưng da lại mỏng và thơm, kèm theo chút vị the nên dễ ăn. Đa số các nhà tôi biết ở Huế có cây Kim Quật đều trồng trong chậu, và tôi chưa thấy những cây Kim Quật lớn như ở bên Mỹ này, vì vậy tôi không hiểu từ đâu mà chợ bán đầy trái Quật vào dịp trước Tết để thiên hạ mua về làm mứt Kim Quật. Măng tôi và các chị tôi xúm lại dùng kim cúc buộc lại từng bó, đâm vào từng trái Quất, rồi bóp cho hột và nước chua ra hết, xong mới trụng sơ trong nước sôi trước khi ngào với đường trắng. Thật công phu và mất nhiều giờ! Nhưng đó là hình ảnh của hạnh phúc khó quên khi cả nhà xúm xít ngồi bên nhau sửa soạn làm những mứt món vào dịp Tết. Đây là loại mứt tết mà tôi đại ghét nếu phải ăn trong 3 ngày Tết vì quá ngọt và quá dẻo. Nhưng nếu để sau Tết một vài tuần, lấy mứt Quật chấm ăn với bánh mì thì ngon hết sẩy. Ở Little Saigon, Quật cho vào ly nước mía làm hương vị thêm đậm đà.

Chỉ có vườn nhà Ông Nội tôi mới có được 2 cây Măng Cụt nằm phía sau nhà chính, cũng đâu đó gần cái triền đồi, trước khi đến cái hồ nước. Thân cây Măng Cụt khá lớn nhưng không mấy cao, và tàng cây rộng. Đến mùa ra trái, các cành cây nặng trĩu với trái, bắt đầu với trái có màu xanh, rồi từ từ đổi ra màu hường, màu đỏ, và màu tím. Trái chín hẳn có màu tím rất đậm. Ở cuối núm trái Măng Cụt, có nhiều tam giác nằm quanh thành một vòng tròn; khi đếm các tam giác ấy, tôi có thể đoán được bao nhiêu múi cơm to nhỏ ở bên trong. Trái có nhiều tam giác thì bên trong có nhiều múi nhỏ, dễ ăn hơn vì nuốt luôn hột. Trong bếp nhà tôi luôn có treo mấy xâu vỏ Măng Cụt khô, có lẽ được dùng khi tiêu chảy. Trong khi cây Măng Cụt vườn Ông Nội tôi cho trái nhỏ, những cây Măng Cụt nhà bạn Nguyễn Chi ở Phường Đúc, vào thời chúng tôi còn là SV trường YKH, lại rất rậm rạp với nhiều trái lớn và ngon.

Ở sân trước nhà tôi có một Cây Thị không mấy lớn, nhưng Cây Thị trong vườn Ông Nội tôi lại rất lớn nằm về phía bên phải căn nhà chính. Tôi cũng đoán chừng cây Thị bắt đầu ra trái từ giữa mùa hè cho đến sau mùa tựu trường. Vì đó chính là những lúc tôi thường dú trái Thị màu vàng khè như màu của chè kê, có mùi thơm ngọt lâu phai vào trong cartable đem đến trường khoe với chúng bạn.

Nhớ hồi nhỏ tôi được mấy chị kể câu chuyện một bà già ăn mày đi ngang dưới cây Thị cầu nguyện “Trái Thị rớt bị bà già, bà đem bà cất chứ bà không ăn.” Về nhà bà ta đem trái Thị dú trong thùng gạo. Những khi bà ra khỏi nhà, trái Thị biến thành một cô gái đẹp, nhảy ra khỏi thùng gạo dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, cho đến khi bà già ăn xin gần về lại nhà cô gái nhảy vào trong thùng gạo trở lại thành trái Thị. Câu truyện được kể lui kể tới nhiều lần, nhưng vẫn làm tôi say mê, và dồn dập hỏi mấy chị “Cô đó mấy tuổi? Lớn lên có đi lấy chồng không? Răng mà bà già không đem thêm nhiều trái Thị khác về nhà dú cho có thêm nhiều cô nữa? Có khi nào Bà già về sớm, bắt gặp cô đang nấu cơm chùi nhà…?” Hỏi riết một hồi mấy chị chán không thèm trả lời, kêu tôi ngu và từ đó thôi kể truyện!

Khi trái Thị còn sống ăn rất đắng và có mủ, nên các anh chị tôi thường hay dú vào trong thùng gạo. Khi trái chín lấy ra, xoa xoa trong tay cho mùi thơm bốc lên, và nếu muốn ăn lúc đó, cũng nên bóp cho mềm rồi giựt cho đứt cuốn và bẻ đôi ra cạp ăn. Tôi thấy cây Thị cũng thường được trồng nhiều trong các Chùa. Khi chúng tôi đến thăm Côn Đảo vào tháng 12 năm 2013, tôi tình cờ thấy lại ba bốn cây Thị rất lớn với những trái Thị chín vàng trên cây đẹp một cách huyền ảo, nằm trong khuôn viên An Sơn Miếu nơi thờ Bà Phi Yến của vua Gia Long.   

Hình như Cây Sung có chung một họ với cây Vả, vì có thân cây gần giống nhau, trái sung cũng gần giống trái vả tuy nhỏ và có màu vàng, đỏ, và cách trái Sung và trái Vả đeo nằm ở trên thân cây và cành cũng rất giống nhau. Tuy nhiên bên trong ruột của trái Sung có màu đỏ với nhiều hột nhỏ, và tôi chưa từng thấy người nào ở Việt Nam ăn trái Sung, ngoại trừ những con chim. Vườn nhà Ông Nội tôi không có cây Sung. Khi tôi ở “nội trú” tại trường ĐK, tôi thường ra Bến Đó Thừa Phủ, nằm trước tòa Tỉnh Trưởng, để hớt tóc, nhìn mấy anh lính Bảo An và các người lớn khác chơi boules, và nhất là để chiêm ngưỡng mấy chị học sinh ĐK đi đò qua lại sông Hương, giữa 2 bến đò Thừa Phủ bên này và Thương Bạc bên kia. Ngay tại bến đò Thừa Phủ, có một cây Sung rất lớn, với trái xanh vàng đỏ quanh năm. Nhiều loại chim khác nhau thường rất thích đậu trên cây Sung này, và mổ ăn những trái sung chín khiến đa số trái Sung rớt rụng xuống nước vì nhiều nhánh cây nghiêng hẳn về phía sông.

Cây Sung này cũng chính là nơi tôi từng trèo lên ngồi vắt vẻo trên cành là đà gần mặt nước, say mê xem Nhảy Dù biểu diễn trên Sông Hương nhiều lần trong cuối Thập Niên 50 và đầu Thập Niên 60. Có lẽ chính nơi đây đã để lại ấn tượng hào hùng về Nhảy Dù khiến tôi quyết định chọn binh chủng Thiên Thần Mũ Đỏ về sau. Có một lần, tôi và người bạn nối khố Hoàng Mộng Lương của xóm ĐK cá nhau bơi theo thuyền chở mấy chị ĐK từ bến Thừa Phủ qua bến Thương Bạc rồi bơi về lại. Không biết có chị nào đẹp ở trên thuyền không, nhưng các chị la hét cổ võ cũng khiến hai đứa chúng tôi phấn khởi bơi như điên không biết mệt. Phải chăng kỷ niệm này đã phần nào thúc đẩy bạn Lương của tôi sau này tình nguyện gia nhập Hải Quân VNCH?!

Hai Cây Dừa nhà Nội tôi không mấy cao, nằm ngay cổng trước ở phía Đồn Girad đi xuống. Đây là một trong những cây mà tôi chẳng thể nào trèo lên dù rất muốn, nhất là khi nghĩ đến ly nước dừa tươi trong mùa hè. Ngay cả anh thứ ba của tôi cũng đành chịu vì nhà không có thang và vì vòng kính thân cây quá lớn lại thẳng đuột không có cành. Nhưng rồi cũng phải tìm cách chọt cho được dừa rụng xuống đất, nếu bể thì chặt ra ăn cùi dừa bên trong. Khoảng 7-8 tuổi, tôi được cho theo chị đầu tôi ngồi trong xe riêng của Cha Cao Văn Luận đưa 2 cháu của Cha, trong đó có chị Cúc, một Nữ Hộ Sinh Quốc Gia từ Sài Gòn về Huế làm việc và trú ngụ trong nhà tôi ở trường ĐK, vào Nha Trang thăm gia đình. Khi xe đi qua vùng Tam Quan, tôi thấy cả một rừng Dừa trải dài từ biển cho đến tận núi. Xe dừng lại, mọi người tha hồ uống nước Dừa và ăn cùi Dừa mà chỉ trả có vài đồng. Đến khi lớn lên, vào mùa hè của năm Nội Trú, thay vì đi máy bay, tôi bất chấp nguy hiểm giang hồ nhảy lên xe đò suốt đi từ ĐN đến SG để in Luận Án do 2 Thầy Nguyễn Văn Tự và Võ Đăng Đài đồng bảo trợ. Khi đi ngang lại vùng Tam Quan, tôi mới nhận thấy rừng Dừa nay thật điêu tàn và xơ xác, mang đầy dấu tích của chiến tranh với hàng nghìn cây nằm nghiêng ngửa.

Trước nhà của bạn Trần Tiễn Ngạc ở vùng Bến Ngự có mấy cây Dừa ốm và cao thiệt là cao, nên chẳng thể nào có Dừa cho chúng bạn ăn vui. Trong chuyến vào SG chơi hè năm thứ 4 YK, người bạn cùng lớp Bùi Cao Đẳng và tôi chở nhau bằng Honda đến Mỹ Tho tìm xem Ông Đạo Dừa. Đến nơi chỉ thấy cái chòi nằm trên thân Cây Dừa nhưng không thấy được Thầy. Sau khi dạo phố, chúng tôi ăn mỗi đứa một tô hủ tiếu Mỹ Tho rồi quay về lại SG. Tôi nghe nói ở Miền Nam người ta ăn con đuông từ thân cây Dừa, nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy. Tôi chỉ biết với thân Dừa người ta làm dây Dừa rất bền.

Ở nhà tôi, để đón Tết, các anh chị em ngồi xúm lại cắt dừa ra làm mứt Dừa, một món mứt rất được ưa thích và tương đối dễ làm. Khi thì với Dừa non, khi thì với Dừa già. Ai cũng hả hê khi nhìn từng đống mứt Dừa trắng bóc, thơm cả mùi đường sau khi ngào xong. Riêng tôi luôn đứng chực ăn các miếng mứt Dừa vụn cháy sót lại trong chảo. Khi vào SG, tôi ngạc nhiên khi thấy ngoài chợ người ta nạo dừa rất nhanh để bán làm nước cốt dừa. Trong mấy năm học ở SG sau năm Mậu Thân, tôi được chị đầu tôi nấu cho ăn món thịt heo kho với trứng luộc hay món cá bông lau kho có bỏ thêm nước cốt Dừa vào, ngoài ra còn có xôi Dừa, chè chuối với nước Dừa, chuối chiên nước Dừa, bánh Dừa... Ngon tuyệt! Ngoài trái, lá Dừa được người Huế khéo tay làm nắp cho bánh Phu Thê trong đó có Dừa và đậu xanh. Măng tôi và các chị trong nhà chưa làm món này lần nào, chắc vì khó. Vậy mà sao có người xử dụng lá Dừa xếp thành những con châu chấu voi, những con chuồn chuồn hay những chiếc xe hơi, rao bán trên đường phố Huế. Hay thật!

Mấy Cây Xoài trong vườn Ông tôi nắm rải rác cả sân trước lẫn sân sau. Cây không mấy cao, có khá nhiều trái vào những tháng 7 và 8. Nhìn trái xoài là đã biết không mấy ngon vì nhỏ, lép. Ăn vào thì chua nhiều hơn ngọt và hột lại to. Tuy nhiên là con nít không chừa trái cây nào nên tôi cũng thường leo lên cây hái tự do. ÔB Nội không thích xoài vườn nhà vì chua và nhỏ quá. Khi lớn lên tôi thấy nhiều cây xoài rất lớn ở Kim Long, Long Thọ, Phường Đúc…và trái xoài ở đây to hơn nhiều, nhưng độ ngọt vẫn còn kém. Thông thường, dân Huế muốn ăn xoài ngon phải ra chợ mua xoài, có loại xoài màu vàng, dài và lép được kêu là Xoài Bình Định, còn không thì Xoài Cát từ SG chở ra. Tuy nhiên xoài Tượng, cũng từ SG, chua và giòn, luôn là món ăn thích thú của các anh chị tôi khi chấm với nước mắm sệt với đường và ớt. Về sau, mỗi khi anh đầu và chị đầu học ở SG về thăm nhà trong dịp Tết hay hè, đó là dịp tôi được ăn Xoài Cát và Xoài Tượng nhiều nhất.

Hầu như nhà vườn nào ở Huế cũng có ít nhất vài ba Cây Chuối, vì gia đình nào cũng cần lá chuối để gói các món bánh như bánh bộc lọc, bánh nậm, bánh ú, bánh tét hay bánh chưng, hay nem chả…Vườn nhà tôi cũng như vườn Ông Nội tôi có khá nhiều cây chuối, nằm thành từng bụi lớn, với cây cao thấp không đồng đều. Bụi chuối nào nằm gần nơi ẩm ướt đều to lớn và tốt hơn. Đa số chuối trong vườn ông Nội tôi và nhà tôi thuộc loại chuối cau, nải nhỏ, trái nhỏ. Chỉ có đôi ba bụi thuộc về loại chuối mật, còn được kêu là chuối mật mốc, vì càng để lâu vỏ bên ngoài đen và mỏng thì trái bên trong càng ngọt. Ngoài chợ còn bán nhiều loại chuối khác nữa, như chuối Cau Quảng (nhỏ hơn chuối cau thường và thơm hơn), chuối ngự, chuối hương, chuối sứ, chuối tiêu (màu xanh, dài và hơi cong), chuối chát (xắt lát để trong dĩa rau sống, mà nếu ăn nhiều dễ gây táo bón…)

Riêng với tôi, tôi dùng các bẹ chuối làm gươm đánh nhau với bạn, hay giả như súng trường mang trên vai tập chào theo kiểu nhà binh, dùng lá chuối thế làm áo quần, hoặc kết vài thân cây chuối với nhau làm bè bơi trên sông Bến Ngự/ Phủ Cam rồi sông Hương... Có lẽ cây Chuối là một cây được tận dụng nhiều nhất. Từ lá chuối để gói bánh hay gói bất cứ thức ăn gì như nắm xôi, nắm cơm…, bẹ chuối xé dài phơi khô làm dây cột, thân chuối vằm cho heo ăn, lõi chuối đôi khi cũng được làm chua, bắp chuối cắt ra làm rau sống ăn với bún bò hay làm gỏi, củ chuối đem luộc ăn hơi giống như các củ khoai môn. Trái chuối thường ăn chín sau khi dú vài ngày, nhưng anh chị tôi ít khi chờ được, nên hễ cứ đói bụng, mang chuối vừa chín tới đem ra luộc rồi chấm với muối mè, rất ngon dù hơi chát một tí. Chuối cũng thường được phơi khô bán trong bao ngoài chợ, hay làm chuối chiên, chè chuối, kẹo chuối. Vào gần hè năm 1971, theo tiếng gọi con tim tôi lên Đà Lạt tìm đến thăm người tôi yêu…Trước ngày bay về lại Huế, Nàng và tôi rảo bước đến chợ Hòa Bình và Nàng mua khá nhiều hoa quả, trái cây Đà Lạt, trong đó có mấy bịch Chuối mật khô, dẻo, ngon và ngọt, nhờ tôi đem về biếu Bà Vú, là Măng tôi. Còn phần tôi, nàng cho một khối tình… đau mang về nhà! Để từ đó, với tôi là tiếng mưa đêm trên tàu lá Chuối như nức nở, thầm thì, như nhắn nhủ, đợi chờ. Da diết và ray rức làm sao!


Có đến bảy tám Cây Mãng Cầu nằm rải rác trong sân vườn Ông Nội tôi, đa số trước nhà chính và ở hai bên con đường từ xóm Đường Đá đi vào. Tôi cũng hoàn toàn không nhớ rõ mùa nào cây Mãng Cầu ra bông, nhưng khoảng tháng 5 bắt đầu thấy những trái nhỏ nằm trên cây. Da có từng mảng nhỏ sần sì, màu xanh lục, cũng vì vậy người ta cũng kêu là trái na, y như quả lựu đạn hồi đó.  Khi lớn những mảng da nở to ra và có màu vàng. Đặc biệt tôi rất ghét mùi hăng hắc của lá Mãng Cầu khi xoa trong tay.

Ít khi trái Mãng Cầu được để chín trên cây, phần nhiều trái được hái và đem dú khi bắt đầu trở màu vàng với những mảng da nở lớn hơn dù vẫn còn cứng khi bóp vào. Những trái Mãng Cầu vườn Ông Nội tôi đa số nhỏ và không mấy ngọt. Bóc vỏ trái Mãng Cầu rất dễ, cắn vào trong miệng một miếng bự mới biết được cái ngon, vị ngọt và sự ướt át của ruột trái Mãng Cầu. Khi ăn xong tất cả các múi thịt, lúc đó mới phun những hột ra khỏi miệng một lần. Khi vào SG tôi mới biết thêm nào là Mãng Cầu Dai, nào là Mãng Cầu Bở, rồi Mãng Cầu Xiêm, chua hơn nhiều được xử dụng dưới hình thức làm nước sinh tố khi các tép Mãng cầu Xiêm được cho xay nhuyễn với nước đá bào, đường, sữa đặc, hay làm mứt Mãng Cầu gói trong giấy kính như kẹo… Ở CA, chưa thấy bán Mãng Cầu Na tươi ngoài chợ, chỉ thấy Mãng Cầu Xiêm nhưng ngọt hơn nhiều. Trong chuyến đi thăm Melbourne, anh chị Nguyễn Diêu, khóa 2, đưa chúng tôi đến chợ bán trái cây (trong hình) có quá nhiều Mãng Cầu Xiêm và quả Na, và cho biết những trái cây bày bán tại đây hoàn toàn được trồng ở Úc, với sự hỗ trợ của chính phủ trong những năm đầu. Tôi nghĩ gia đình người Việt nào cũng muốn có trái Mãng Cầu chưng trong 3 ngày Tết.

Chỉ có 2 cây Cây Vải, nằm ở sân trước nhà chính, đứng riêng ra một góc, xa hẳn các cây nhãn, là được ÔB. Nội ưa thích đặc biệt vì cả 2 cây đều cho trái to và khá ngọt. Trái Vải bắt đầu có vào khoảng tháng 7-8, khi chín có da hơi sần sùi, màu đỏ/vàng đậm và nằm từng chùm với nhau. Thịt bên trong dày, màu trắng, thường bóc vỏ từ từ ở ngả rốn để tránh nước ngọt bên trong bị rơi mất. Trái Vải ngon thường có hột nhỏ màu nâu đen, thịt dày và thơm. Tôi không nhớ mình ăn được Vải từ vườn Ông Nội mấy lần, có lẽ hiếm, nên cũng không nhớ được trái Vải vườn Ông tôi ngon hay dở. Thường thì Măng tôi mua trái Vải ở chợ đem về nhà cho các con khi đến mùa. Tôi nghe kể có loại Vải Trạng và Vải Thiều ở đâu tận ngoài Miền Bắc, vì ngon một cách đặc biệt nên mỗi năm được đưa cống vào Hoàng Cung, gọi là triều cống, cho Vua “ngự”. Ở Huế tôi nhìn thấy một cây Vải ở sân trước của nhà bạn Hoàng Ngọc Vinh của thuở SV YKH, và đôi ba cây Vải ở các lăng tẩm.

Nếu vườn nhà nào ở Huế có cây chuối thì hẳn nhiên những nhà đó đều có thêm Cây Đu Đủ, vì hai loại cây này dễ trồng và dễ sống. Vườn nhà tôi có 4-5 cây Đu Đủ, trong khi vườn nhà Ông Nội tôi có trên cả chục cây, ở khắp các góc cạnh của vườn trước, bên hông hay vườn sau. Có nhiều cây có vẻ rất già, khô ốm chắc là thiếu nước quanh năm. Về sau tôi nhớ và cười hoài khi nghe mấy câu vè hay xem các hình vẻ hoạt họa người ta thường ví von mấy chú VC ốm đói cho đến nỗi đánh đu trên cành Đu Đủ mà cũng không làm gãy cành. Nay thì ngược lại! Chút tiền của mấy anh VC treo trên cây Đu Đủ chắc cũng đủ làm cây trốc gốc!

Tôi và các chị thay nhau chọt cho những trái Đu Đủ rớt xuống, vì tuy cây không cao mấy nhưng lại thẳng và không có cành chắc nên khó leo. Đu Đủ thường được ăn chín, vắt thêm vài giọt chanh cho cảm giác như miếng Đu Đủ ngọt và ngon hơn. Nhưng với tôi, Đu Đủ nên ăn khi còn hơi cứng cứng, dòn dòn. Ở SG nhìn các xe bán các loại trái cây cắt sẵn và để lạnh, mấy miếng Đu Đủ trông thật hấp dẫn. Nếu Đu Đủ còn xanh, Măng tôi hay nấu soupe Đu Đủ với sườn heo hay giò móng heo. Đây cũng là món ăn bổ dưỡng đặc biệt cho mấy bà mẹ cho con bú. Nếu không có Đu Đủ trong thẩu dưa món, nhất là vào dịp Tết thì chắc là không phải dưa món Huế. Vào SG sau này, tôi cũng đâm ra mê Đu Đủ Bò Khô, ở khu nước mía Viễn Đông, cùng với mấy món phá lấu khác.

Trong trại tù cải tạo ở Long Khánh có khá nhiều cây Đu Đủ. Đó là dịp tôi được các bạn tù rành về trồng trọt chỉ vẻ cách chọn giống cái hay đực từ các hột của trái Đu Đủ chín. Và hơn nữa, các anh chỉ dạy cách trồng cây Đu Đủ không phải từ hột, mà từ  những mắt ở thân cây Đu Đủ, đem trồng xuống đất, cây sẽ mọc lên và cho trái rất sớm sau chừng 2-3 năm, dù cây không mấy cao. Cũng may tôi chưa kịp ăn trái Đu Đủ nào do mình trồng cả.


Ba Cây Cau nằm chụm lại gần với nhau ở sân sau, bên trái của cây Khế nếu nhìn từ hướng nhà tôi, có 1 cây trầu mọc leo lên thân 1 cây Cau nằm bên ngoài cùng. Cả 3 cây Cau đều cùng cao dễ sợ và ốm giống nhau. Những khi gió lớn , mưa ngập trời, các cây Cau với các buồng Cau và lá Cau va chạm vào nhau vào nhau gây ra tiếng động kẽo kẹt, ai oán dễ sợ trong đầu óc bé nhỏ của tôi hồi đó, nhất là vào ban đêm. Ông Nội tôi có khoảng mươi cây Cau, nằm rải rác và cách nhau mươi thước.

Hồi đó, nhìn các bông cau tôi tưởng chè Bông Cau là từ đó mà ra, nên cứ thèm thuồng mỗi khi nhìn tới, nên những lần ngồi chơi trên Cây Khế, tôi thường ngó qua ngắm nhìn các trái Cau khi chúng còn nhỏ, lớn dần rồi vàng chín. Tôi có leo thử cây Cau, nhưng mới lên hơn nửa chừng cây thì quá sợ phải leo xuống vì cây nghiêng qua ngã lại, ngay cả khi không có gió. Tôi chẳng thấy trái Cau đẹp chút nào dù đôi khi nghe các anh lớn trong xóm cười đùa với nhau “2 trái cau của o nớ đẹp hí.” Thỉnh thoảng Măng tôi cũng có nhai trầu cau, nên đến mùa Cau nhờ anh tôi khèo kéo xuống từng buồng, rồi mang đi cho các người quen lớn tuổi cũng có thói ăn trầu như Măng tôi, bà Ưng Trạo, bà Đốc Chính, cô Hai Trinh… Ở Huế, ai cũng biết không nơi nào trồng Cau nhiều hơn ở Vĩ Dạ, và có lẽ cũng vì vậy không ai mà không biết bài thơ nổi tiếng “Đây Thôn Vĩ Dạ” với “Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên” của thi sĩ Hàn Mặc Tử.

 

Vĩnh Chánh YKH-7

*** Bài viết được chia làm 3 phần, xin mời quý vị đón xem phần 3 vào kỳ tới.
BBT kính mời.

.

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.