CHÀNG JOHN

 

Thị xã Leesville, tiểu bang Louisiana, nơi tôi hành nghề, có một trung tâm thường trú cho khoảng 80 bệnh nhân từ 21 tuổi trở lên. Đó là Leesville State School. Leesville State School chỉ là một trong hàng mấy chục cơ sở mang cùng tên State School, nhưng nằm rải rác tại nhiều thành phố lớn nhỏ khác nhau trong toàn tiểu bang Louisiana - là một chuỗi trung tâm y tế chuyên phục vụ cho người khuyết tật được bắt đầu thành lập từ thời kỳ của Thống Đốc Huey P. Long của Louisiana. 

          Những thường trú nhân khuyết tật này thuộc loại chậm phát triển, đa số cả thể lực lẫn tinh thần, do bẩm sinh hay do tai nạn nghiêm trọng, cần được săn sóc đặc biệt, một phần hay toàn phần. Ngoài đa số những bệnh nhân có thể tự đi đứng được một mình, hay cần giúp đỡ như cầm tay dắt đi, hay với walking cane, walker hoặc xe lăn, một số ít hoàn toàn nằm liệt trên giường.  

          Do cơ duyên, tôi được mời làm Giám đốc y tế (Medical Director) cho cơ sở này vào khoảng gần cuối thập niên 80. Ngoài nhiệm vụ giám sát chuyên môn y tế cho các thường trú nhân do một đội ngũ y tá khá đông trực tiếp đảm nhận, bao gồm một cô registered nurse trưởng nhóm, 2 cô registered nurse phụ tá và 8-10 cô tá viên điều dưỡng và nurse aides, mỗi tháng một lần, tôi có nhiệm vụ đến tại nơi nghe những báo cáo trong tháng, ký giấy tờ, đi một vòng giám định nơi ăn chỗ ngủ của các thường trú viên – đúng theo thể thức protocol. Nếu bệnh nhân bị đau ốm bất thình lình, tôi chữa trị họ tại phòng mạch của mình, hay tại cơ sở đó nếu cần, hoặc cho nhập viện nếu nặng. Thông thường hồ sơ dày cộm của bệnh nhân đã được thiết lập từ những State Schools khác trước khi họ về đây, tuy nhiên vẫn có vài trường hợp bệnh nhân hoàn toàn mới nhập vào. 

          Một trong những khách hàng mới của cơ sở là anh John Lebeuf, có mẹ là nhân viên hành chánh của bệnh viện địa phương, nơi tôi là một bác sĩ chữa trị. John bị hội chứng Down từ lúc sinh ra, là người con thứ ba trong gia đình. Mẹ mang thai John lúc chưa đến 30 tuổi, được cho biết thai nhi có mang dấu hiệu của Down, nhưng vợ chồng can đảm chấp nhận giữ bào thai. John có hai chị gái, cả hai đều bình thường.

          Nghe kể, John rất được thương yêu, không những được cha mẹ và cả nội ngoại xúm xít cưng chìu, mà hai chị cũng luôn bên cạnh, chơi đùa, giúp đỡ, dìu dắt. Gia đình chúng tôi có con gái đầu Bồ Câu ngồi trên xe lăn với 3 em xúm xít chung quanh thỉnh thoảng gặp gia đình Lebeuf tại nhà thờ Saint Micheal, nên chào hỏi và từ từ quen thân hơn. Vào hè mỗi năm, cả John và Bồ Câu thường gặp nhau tại trại hè mang tên “Heaven’s Very Special Child” của Leesville Lions Camp, nằm cách thị xã chừng 6 miles. Đây là Lions Camp duy nhất của toàn tiểu bang Louisiana, được Louisiana Lions League for Cripped Children chọn trên danh sách 78 địa điểm, sau khi thị xã Leesville hiến tặng không điều kiện một mảnh đất rộng đến 100 mẫu; Leesville Lions Camp bắt đầu đi vào phục vụ những trẻ em khuyết tật từ năm 1962. Ngoài ra, John và Bồ Câu cùng học chung trong chương trình giáo dục đặc biệt (Special Education) ở Vernon Parish dành cho các học sinh khuyết tật, dù John trên Bồ Câu khoảng 5-6 lớp. John rất mê thích âm nhạc, nên trường cũng tạo điều kiện cho John học vĩ cầm, dù thính giác của John không mấy hoàn hảo.

          John trở thành một bệnh nhân thường xuyên của phòng mạch tôi với những chứng cảm lạnh, ho, sổ mũi, viêm đường hô hấp, do hệ thống miễn nhiễm yếu nên dễ nhạy cảm với những tác nhân gây bệnh… Ngoài ra, sức khỏe tổng quát của John ổn định dù khả năng trí tuệ hơi kém. John khá độc lập trong sống chung với gia đình, ăn nói và đi đứng hầu như bình thường.

(Hình minh họa)

 

Khi John được 21 tuổi và tốt nghiệp chương trình giáo dục đặc biệt, cha mẹ John đưa con trai mình vào sống trong Leesville State School, nhưng cuối tuần đón John về nhà. Do đòi hỏi của cha mẹ, bất cứ khi nào John bị đau ốm, dù nhẹ bao nhiêu, y tá phải đem John đến cho tôi khám bệnh và điều trị. Càng tiếp xúc với John tôi càng cảm mến chàng trai này, có một cá tình thật dễ thương, vui vẻ lịch sự và thân thiện, miệng lúc nào cũng tươi cười, đến gần bắt tay với mọi người chung quanh, tự giới thiệu tên mình dù chưa ai hỏi. Cái lạ là John nhớ tên tôi và vài nhân viên trong phòng mạch của tôi, rất thích nói chuyện và kể chuyện, dù đó là những chuyện chúng tôi đã nghe qua nhiều lần. John không thuộc loại phá phách, ngược lại rất thích nghi và dễ hợp tác với các y tá và nhân viên của State School. Vì vậy những lần đến phòng mạch, John luôn là niềm vui của nhân viên của tôi và được mọi người săn đón mời mọc chuyện trò.

Một đôi khi State School có mở tiệc chiêu đãi, John mạnh dạn nắm tay tôi dẫn đi giới thiệu với các chức sắc trong trường và các y tá… Thỉnh thoảng John được mời lên trình diễn chơi vĩ cầm, và hát chung trong ca đoàn. Những lúc như vậy, tôi nhìn thấy ánh mắt đầy thương yêu, khuyến khích và hãnh diện từ gia đình Lebeuf. Hình ảnh mẹ John thấm nhẹ nước mắt của mình cho tôi thấy rõ niềm hạnh phúc vô vàn của bà khi thấy con mình có một sinh hoạt khá bình thường, nếu không nói là xuất chúng bên cạnh những bạn tàn tật nghiêm trọng hơn. Nhìn John, tôi liên hệ đến con gái của mình nên tôi cũng dễ xúc động theo.

Tôi thật sự ngưỡng mộ những người mẹ biết rõ bào thai mình cưu mang bị hội chứng Down, sẽ rất khó nuôi khi lớn lên, sẽ là một trở ngại cho toàn gia đình, nhưng vẫn thành tâm quyết định giữ thai nhi cho đến ngày sinh đẻ. Còn nhiều hơn thế nữa, biết bao nhọc nhằn vất vả, bao tâm huyết trông nom nuôi nấng, bao hy sinh đoạn trường dành cho đứa con tật nguyền. Nếu không có một tình mẫu tử thiêng liêng, không có một trách nhiệm liên đới ràng buộc, ngay cả khi con còn trong bụng mẹ, thì người mẹ khó mà có can đảm chấp nhận sự thua thiệt này. Chỉ để đổi lấy một sự sống với muôn vàn ý nghĩa của nó.

Mẹ Teresa từng nói “Life is a Duty, Complete it – Life is Love, enjoy it – Life is a Struggle, Accept it – Life is too Precious, DO NOT DESTROY IT. (Cuộc Sống là Bổn Phận , hãy Hoàn Tất – Sống là Yêu Thương, hãy Tận Hưởng – Cuộc Sống luôn khó khăn, hãy Chấp Nhận – Cuộc Sống vô cùng Quý Giá – Xin đừng Hủy Hoại.)

Thật vậy, ở Hoa Kỳ, một nước được cho là văn minh, là tiên tiến trong mọi phương diên – nơi mà con chó, con mèo được bảo vệ tối đa, nơi mà những án tử hình lần lượt được thay đổi, hủy bỏ hoặc duyệt xét một cách tỉ mỉ, cẩn thận, có phương pháp, trong khi đó phá thai – đồng nghĩa với giết chết một sinh mạng – lại được chính phủ ủng hộ, cung cấp ngân quỹ và những nhân vật liberal tiếp tục cổ vũ, cho đó là quyền tự do con người. Sự việc cho phép phá thai càng lúc càng  dễ dàng, không cần cha hay mẹ ký giấy nếu vị thành niên, không cần chứng minh thai nhi dị dạng hay mang mầm bệnh di truyền, không cần chứng minh thai nhi có thể ảnh hưởng đến sinh mạng người mẹ, không bất cứ một câu hỏi nào, và ngay cả khi thai nhi ở trong ba tháng cuối gần sinh – trong cùng lúc Y Khoa hiện đại có khả năng cứu sống các em bé sinh thiếu tháng xuống đến 24 tuần – vậy cho phép phá thai tức là giao cho họ một thứ quyền giết người, không phải giết một người trưởng thành có tội, vì người đó có đầy đủ nhân quyền, có khả năng chống án, thuê mướn luật sư biện hộ, phí tổn không biết bao nhiêu tiền bạc của xã hội – mà đây là giết một thai nhi, một em bé đang thành hình nhưng chưa sinh, không thể gào thét, không thể chống cự cho chính mình!!

 

Xin hãy vì những gào thét đau đớn vô âm, vô vọng của các thai nhi bị phá mà chúng ta phải đồng thanh lên án và tỏ thái độ chống nạn phá thai.

Xin hãy nhớ câu cuối Mẹ Teresa nói:

LIFE IS LIFE – FIGHT FOR IT.

SỰ SỐNG LÀ SỰ SỐNG – PHẢI CHIẾN ĐẤU CHO SỰ SỐNG

 

Vĩnh Chánh

Tháng 6, 2022

 

 


Tháng 8, 2024

Tháng 7, 2024

Tháng 6, 2024

Tháng 5, 2024

Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.