Cuộc “Di Tản” của tôi


Phần I

 

Đó là chiều ngày 24/03/75- thành phố Huế coi như bỏ ngỏ cho Cộng quân. Rồi tin về một sự rút lui chiến thuật được loan ra lại càng làm cho tình hình nói chung thêm tồi tệ. Dân chúng hoang mang vô cùng. Đạn đại pháo 122 ly của Cộng quân đã rơi vào Tiểu khu Mang Cá, vào Quân Y Viện Nguyễn Tri Phương, đạn trúng khu Lao công đào binh làm chết và bị thương nhiều đào binh. Tôi nhận thấy mọi việc chắc không xong rồi! Phần đông dân chúng lần lượt rời bỏ Huế theo Quốc lộ 1 để chạy vào Đà Nẵng. Binh sĩ cũng bỏ hàng ngũ về nhà đưa vợ con và gia đình di tản.

 

Trong ba mươi chước thì chước “Dĩ đào vi thượng sách” là chước hay nhất trong thời điểm nầy. Đây cũng như phương án “Chém vè” của Cộng quân thường áp dụng một khi bị tổn thất nặng phải rút lui.

Bấy giờ đến lượt tôi cũng phải “chém vè”. Bao năm qua, những việc làm xấu xa của người Cộng sản trên hai miền đất nước đã làm cho mọi người phải khiếp sợ. Nào là thủ tiêu, ám sát, đầu độc, chôn sống v.v... Mỗi giai đoạn của lịch sử đất nước đều mang những dấu ấn bi thương tang tóc.

 

Trước đây với thể chế Tự do, Dân chủ, Việt Nam là một quốc gia hùng mạnh ở Đông Nam Á. Ngày nay dưới chế độ Cộng sản vì không có Tự do, đất nước đã không phát triển mà còn lụn bại về mọi mặt, nhất là về phương diện văn hoá và đạo đức. Báo chí thường viết về những truyện dâm ô, đồi trụy v.v... Khoa học và Kỹ thuật yếu kém vì thiếu người có khả năng. Thật là đáng hổ thẹn! Cộng sản rất sợ tự do. Tôi đã theo dõi và nhận thấy như vậy. Vì khi phát biểu một vấn đề nào đó thường không dám nói đến hai chữ Tự do. Cộng sản rất lúng túng vì họ biết rằng làm gì có tự do dưới chế độ do họ nắm quyền. Có chăng là tự do theo đường lối của họ mà thôi.

 

Để di tản hay “chém vè”, tôi chọn hướng ra biển vì lúc này quốc lộ 1 tràn ngập người và xe cộ. Với chiếc xe Honda hai bánh, tôi cho xe lao đi vùn vụt vì trời đã về chiều. Nếu chậm trễ gặp phải du kích thì phiền lắm. Vợ con tôi đã vào Sài Gòn từ lâu nên tôi đã dễ bề hành động. Để đến cửa Thuận An, tôi còn phải đi đò máy một đoạn sông nước nữa. May mắn thay đã có một chiếc tàu Hải quân đậu sẵn gần bờ để đón những quân nhân di tản theo đường biển. Tôi vội vàng lội xuống nước và mau chóng bám lấy tấm lưới thả xuống bên hông tàu để leo lên tàu với sự giúp đỡ của binh sĩ Hải quân. Tôi được đưa tới chỗ nghỉ cùng chung một số anh em quân nhân khác. Bất thình lình có tiếng nổ chát chúa ở trên boong tàu làm rung chuyển tàu. Hỏi ra mới biết đó là do trọng pháo của tàu nã đạn vào đất liền để bắn chặn Cộng quân. Quá mệt, tôi ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy thì tàu cũng vừa cập bến cảng Đà Nẵng. Được cho biết tàu không đi vào Sài Gòn, nên một số anh em và tôi phải rời khỏi tàu. Đó là ngày 25/03/75 thì phải. Tình hình Đà Nẵng đã bắt đầu lộn xộn và có dấu hiệu mất an ninh, do đó tôi quyết định ra bến tàu kiếm phương tiện để đi. Đường hàng không thì đã ngưng hoạt động. Thiên hạ đứng chờ rất đông ở bến tàu. Tuy nhiên chưa thấy bóng dáng con tàu nào cả. Chiều tối vẫn không có tin gì mới. Đang lúc lo âu thì Cộng quân pháo kích vào thành phố nhằm gây hỗn loạn - chơi đòn tâm lý.

 

Thế rồi, trời vừa sáng thì có một chiếc xà lan kéo đến. Dân chúng mừng quá đổ xô tranh nhau leo qua xà lan. Tôi cũng vội vàng leo qua. Trong phút chốc xà lan tràn ngập người. Xà lan có kích thước khoảng 15mX25m, chứa cát, không mái che, xung quanh là bốn bức tường được làm thành hai lớp vỉ sắt móc vào nhau và cao khoảng 3 mét.

 

Ngồi lọt giữa đám đông, tôi nhận thấy xà lan được kéo đi rất chậm. Tôi hơi lo, vì rằng người thì đông mà thực phẩm, nước uống lại không có. Trên đầu là mặt trời với cái nắng và cái nóng càng lúc càng tăng lên, thì người ta không tránh khỏi bị cảm nặng hoặc một trình trạng thiếu nước trong cơ thể.

 

Quả thật vậy, trước hết là các cháu nhỏ vì là những cơ thể dễ nhạy cảm với sự thiếu nước nên đã bị ảnh hưởng sớm nhất. Tôi khi ở nhà ra đi có đem theo ngoài đồ dùng cá nhân và một ít tiền, còn có một bi đông nước nữa. Lúc này nước trong bình còn một nửa. Quanh tôi có một số cháu đòi uống nước, cha mẹ các cháu hình như cũng không còn nước, tôi không cầm được lòng, bèn rót hết nước trong bình cho các cháu. Một số cháu khác không có đủ nước uống rơi vào trình trạng kiệt sức. Nếu trình trạng này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng tới sự sống còn của mọi người trên xà lan chứ không riêng gì ở các em nhỏ. Trong hoàn cảnh ngặt nghèo như thế thì có một chiếc tàu mang tên “Pioneer Contender” xuất hiện đến tiếp tế nước cho xà lan. Tuy nhiên sự cung cấp nước này không được bao nhiêu cả vì những thanh niên ở trên bờ thành xà lan giành lấy vòi nước để xử dụng riêng cho họ. Sự tranh giành vòi nước đã làm tròng trành chiếc tàu và có thể với những lý do đó tàu đã ngưng không cung cấp nước nữa. Thật là quá tồi tệ cho những loại thanh niên này!

 

Bây giờ tôi cũng không thoát khỏi vòng nguy hiểm. Tôi bị khát nước ghê gớm, lúc đầu tôi còn chịu đựng được, nhưng về sau thì không thể được nữa. Nhìn quanh thử xem có ai còn nước không để xin uống nhưng tôi cảm thấy mọi người chung quanh cũng đang ở trong trình trạng như tôi. Tôi quyết định uống lại nước tiểu của mình với hy vọng có thể cầm cự chờ xà lan được cập một bến cảng nào đó thì mình sẽ có nước để uống.

 

Hy vọng cứ trôi đi với thời gian, tôi quá mệt và quá đuối sức, phần là thiếu nước uống, còn phần thì không có ăn gì cả từ hai ngày nay. Tôi ngồi không vững phải nằm xuống. Lúc này tôi cảm nhận sự chết đang tiến đến từ từ nơi tôi. Trong mơ màng tôi thấy bầu trời rộng thênh thang và thân xác tôi như sắp bay bổng vào cõi không gian vô tận đó. Thôi thế là hết! Mình từ giã cõi trần từ đây và ra đi một mình giữa vùng trời nước mênh mông này.

 

Bị chú: “Pioneer contender” có thể là chiếc tàu kéo chiếc xà lan. Tôi nói có thể là vì tôi ở quá xa, không nhìn thấy rõ.

 

 

 

Cuộc “Di Tản” của tôi - Phần II

 

Nhưng tôi đã sống lại. Tôi đã bừng tỉnh dậy, xung quanh tôi vẫn còn đó, một số người cùng đi chung chuyến xà lan với tôi. Thì ra tôi đã được một gia đình ở bên cạnh tôi cứu sống. Họ đã cho tôi uống nước và đã cứu tôi ra khỏi cơn hôn mê. Tôi đã bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với sự cứu tử của họ. Bây giờ sau hơn 40 năm tôi vẫn nhớ hoài cái ngày hôm ấy. Nhờ họ mà tôi được sống đến hôm nay. Được biết ông chủ gia đình là y tá làm tại Bệnh viện Trung Ương Huế. Ngoài vợ chồng ông còn có hai cô con gái và ông nội đi theo nữa.

 

Khi tôi được cứu tỉnh dậy thì trời đã vào xế trưa, như vậy là xà lan đi được một ngày rồi. Có tiếng người nói là sắp đến Cam Ranh rồi. Nhưng một lúc sau thì xà lan chạm vào cầu một bến cảng, đó là cảng thành phố Nha Trang, mọi người reo mừng và vùng đứng dậy nhanh chóng rời xà lan chạy đi tìm nước uống, bỏ lại những người chết ở trong xà lan. Tôi chạy tới chỗ có bồn nước “eau portable” đặt nơi cầu tàu, uống một hơi căng đầy bụng. Tôi nghĩ là họ muốn kéo xà lan đến Cam Ranh nhưng vì dân chúng bị chết khát quá nhiều nên phải ghé Nha Trang trước, uống nước xong tôi liền cùng gia đình đã cứu tôi đến tạm trú ở một trường học gần đó.

 

Tưởng rằng đến được Nha Trang là bình yên, té ra dân chúng Nha Trang đã di tản từ sáng sớm. Thành phố đã bỏ ngỏ không còn một ai. Lý do là xà lan được kéo đi quá chậm, thành thử chúng tôi phải chuẩn bị để di tản tiếp. Rõ thật là gian nan!

 

Phần đông những người tạm trú trong trường học đều chọn con đường biển để đi tiếp vào Nam. Muốn đi thì phải xuống Xóm Bóng mới có thuyền máy để đi, đa số là thuyền của dân đánh cá. Bây giờ tôi đi theo gia đình đã cứu giúp tôi. Chiều hôm đó, tất cả chúng tôi sau khi đã đóng tiền cho chủ ghe đều mau chóng lên thuyền máy để ra khơi, có nhiều tiếng nổ lớn của lựu đạn do ai đó đã ném ra trên mặt nước có ý hăm dọa các chủ ghe phải để cho họ đi theo, các ghe máy sợ quá phải vội vàng nổ máy và xả hết tốc lực để rời khỏi vùng nguy hiểm. Theo yêu cầu của chủ ghe, tất cả mọi người phải xuống dưới hầm tàu. Đi được một lúc thì ghe máy đã vào vùng biển, sóng biển vỗ vào mạn thuyền đều đặn và tiếng gió rít trên nắp hầm. Trời đã về chiều, con tàu lắc lư di chuyển chậm chạp. Hầm tàu nhỏ chỉ chứa khoảng hai chục người, mọi người đều im lặng, chỉ nghe tiếng máy nổ xình xịch. Lúc này có kẻ nằm người ngồi, tôi thì mỏi cả lưng nên cũng nằm cho đỡ mệt, hơn nữa, đã mấy ngày không ăn, chỉ uống nước cầm hơi mà thôi.

 

Đến khoảng nửa đêm, bỗng trời nổi gió và biển động. Trong những tháng này làm gì có bão, chỉ có gió mùa, tôi nghĩ như vậy, tuy nhiên, biển càng lúc càng động mạnh, sóng đập vào mạn ghe nghe rất rõ, có lúc có những đợt song lớn nâng chiếc ghe lên cao rồi lại dìm mũi ghe xuống nước. Cứ như thế, chuyển động này lập đi lập lại hoài kèm theo tiếng kêu “răng rắc” của ghe.

 

Tôi sợ quá nhưng vẫn nằm im, chắc mọi người cũng có tâm trạng như tôi. Nếu trình trạng này cứ kéo dài thì thế nào chiếc ghe máy cũng vỡ đôi và một thảm cảnh sẽ xảy ra. Hai cô gái nằm gần chỗ tôi khóc nhiều, làm cho tôi càng sầu não. Tôi thầm nghĩ có lẽ lần này mình không thoát khỏi lưỡi hái của tử thần vì rằng: “phước  bất trùng lai, họa vô đơn chí.” Gió vẫn thổi mạnh, chiếc ghe vẫn bị sóng nâng lên cao rồi lại nhận chìm xuống, tiếng kêu “răng rắc” nghe càng rõ hơn. Thôi thế là hết!  Một lần nữa thân xác sẽ làm mồi cho cá hoặc nằm sâu dưới biển khơi!

 

Tình trạng bi đát với nỗi lo âu đè nặng lên tâm hồn chúng tôi. Tiếng nói của các tài công vang lên bên trên tàu. Họ cũng đang cố gắng điều khiển chiếc ghe máy vượt thoát ra khỏi cơn sóng gió này.

 

Và huyền diệu thay, đến gần sáng thì gió bỗng ngừng thổi, mặt biển im tiếng sóng. Chiếc ghe máy hết bị chao đảo, hết bị lắc lư, hết kêu “răng rắc”, từ từ di chuyển như một người bệnh nặng vừa ra khỏi giai đoạn trầm kha. Chủ ghe nấu một nồi cơm lớn và một nồi cá kho để mời những ai đói bụng. Những người không bị say sóng đều leo lên ngồi trên nắp hầm ăn cơm ngon lành. Tôi thì mệt đừ, nhưng trong lòng thì vui mừng khôn tả vì đã thoát khỏi cơn hiểm nghèo.

 

Ghe chạy một lúc thì tấp vào Long Hải, chúng tôi rời khỏi ghe và xuống lội nước khoảng ngang đầu gối để vào bờ. Nhìn ra khơi thì thấy chiếc ghe máy mà mình vừa đi thật là quá nhỏ bé, quá nguy hiểm, thiếu sự chắc chắn trước gió to và sóng lớn của đại dương. Điều này đã giải thích sự kiện là có đến cả triệu người phải bỏ mạng khi vượt biển bằng những chiếc thuyền máy mỏng manh giống như chiếc ghe máy mà chúng tôi đã đi.

 

Lên được bờ rồi, chúng tôi vội vàng thuê xe buýt để về Sài Gòn. Đường về chưa có vấn đề gì. Xe chạy ào ào, gió ban mai mát đập vào mặt làm tôi thêm tỉnh táo. Trên xe, mọi người ai ai cũng mong cho chóng về đến nhà. Khi thấy tôi về được, cả nhà đều mừng rỡ vì cứ sợ tôi bị kẹt lại ở ngoài Huế. Về gia đình ân nhân đã cứu giúp tôi, thì tuần nào tôi cũng ghé thăm. Qua ba năm cải tạo làm gián đoạn, tôi trở lại chốn xưa để tìm gặp, nhưng gia đình đã dời đi nơi khác.

 

Bây giờ tôi viết những giòng chữ này để một lần nữa cám ơn những người đã cứu giúp tôi trên đường di tản, và cầu mong họ luôn luôn gặp những điều tốt lành.

 

Nguyên Thức

(Pháp Quốc)

 


 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.