NGƯỜI ĐÀN ANH GỒ GHỀ, BÁC SĨ DƯƠNG QUANG HỚN

 

          Tôi bắt đầu biết anh Dương Quang Hớn khi tôi học APM ở ĐH Khoa Học Huế. Bấy giờ anh đã vào trường ĐH YK Huế trước tôi một năm và đang ở năm thứ Nhất. Ngoài việc nhìn thấy nhau tại những hàng quán cà phê mà mọi sinh viên thường hay tụ tập hoặc trên các con đường quen thuộc, tôi hay gặp anh và nhóm bạn thân của anh ở Circle Sportif, nơi mà nhóm của anh thường xuyên đến chơi, bơi lôi, chèo périssoire, hay đánh tennis. Người nào cũng cao ráo, thân hình tráng kiện rắn chắc, trông thật ngon lành, với đa số có giọng nói không hoàn toàn của Huế.

 

Khoãng tháng 3, 1967, tuy chưa hẳn là SV của trường YK Huế, nhưng tôi có mặt cổ võ nhiều trận thể thao Liên Viện tổ chức tại Huế, đặc biệt môn bơi lội và plongeons ở  Circle Sportif. Đại diện cho đội bơi lội và plongeons của Viện ĐH Huế gồm có anh Bảo Chủ, khóa 4, và một loạt các bạn cùng khóa 6 với nhau: Đinh Sơn Thắng, Võ An Dân, Bửu Đề và anh, Dương Quang Hớn. Trong các cuộc thi đấu, đội của Viện ĐH Huế hoàn toàn chiếm ưu thế, vượt trội những đội khác đến từ các Viện ĐH Sài Gòn, Đà Lạt, Vạn Hạnh, Cần Thơ, Long Xuyên, và đã mang về rất nhiều huy chương cho Viện, từ giải bơi cá nhân cho đến bơi toàn đội đến những giải thi đấu về plongeons. Nhìn các anh nhảy từ trên cầu cao xuống, hay khi các anh bơi sải, bơi bướm, bơi ngửa (hình như không có màn thi bơi lặn dưới nước, chứ nếu có chắc mấy anh cũng thắng luôn)... tôi rất thán phục, dù mình trước đây cũng từng bơi lội chơi đùa ở nơi đây từ nhiều năm qua. Toàn thể trường YKH nói riêng và cả Viện Đại Học Huế nói chung rất hãnh diện khi đội nhà thắng lớn, khiến đàn em chập chững như tôi cũng cảm thấy thơm lây. Trong cả thời gian sau, đâu đâu trong thành phố Huế, tên và thành tích của các anh được các sinh viên mọi phân khoa nhắc đến với sự ngưỡng mộ.

 

Đến khi chính thức vào năm thứ Nhất, tôi mới bắt đầu tìm đến làm quen nhiều hơn với anh Hớn sau khi được cho gia nhập vào băng của các đàn anh Chữ, Chủ, Giám, Coco, Hớn, Tịnh (Hồ Xuân), Thắng, Dân… Học rất nhiều mà chơi cũng quá chừng. Với anh Hớn, bấy giờ tôi chỉ biết đại khái trước đây anh có học chương trình Pháp ở trường Providence, có lẽ trên lứa của tôi tại trường này khoãng 4 - 5 lớp, và cùng một lứa với anh ruột của mình là Dương Quang Hảo (sau này tốt nghiệp BS. YK SGN và hành nghề Psychiatry ở San Jose, CA giữa thập niên 80), anh Bùi Thế Cần sau này trở thành thầy dạy môn Việt Văn cho lớp Seconde & Première của tôi ở Providence và nay là một tổ sư Hiệp Khí Đạo ở SGN, và anh Lê Nguyên Thế, người chồng sau này của em gái Xuân Mai. Sau tú tài Pháp, anh vào Sài Gòn học tiếp, ở đó mấy năm và lập gia đình trước khi ra Huế theo học YK.  

 

Trong những năm đầu, anh Hớn thường hay đi cặp với Đinh Sơn Thắng, Võ An Dân, Bùi Thạch Thuần, Võ Văn Phác…  Bấy giờ tôi mới biết chị Dương Thị Xuân Mai, đồng khóa 7 của tôi ở YK Huế, là em gái của anh Hớn. Tuy gốc Quảng Trị, nhưng gia đình anh Hớn di chuyển vào Phan Thiết từ lâu, nên giọng nói của anh nhẹ vì có pha tiếng Nha Trang. Da anh đậm màu, tóc anh hơi quăn, thân hình anh cao và thon gọn, cách ăn nói rất hiểu biết và lôi cuốn cùng với cách sống có vẻ giang hồ, đâu vô đó trong cách xử trí, khí khái, cỡi mở và sẵn sàng giúp đỡ bạn bè nên tôi cho anh Hớn là một đàn anh “gồ ghề”, nhất là sau khi biết anh đã có thời gian một mình một ba lô can đảm vượt biên qua Cao Mên tìm đường sang Pháp học vào năm 1962 khi chính phủ VNCH bấy giờ chính thức cấm chuyện du học tại Pháp. Tuy du học không thành, nhưng theo cách diễn giải của anh, nó trở thành một câu chuyện hoang đường thuộc loại truyện đường rừng mạo hiểm đầy thử thách, gian nan, với cảnh rượt bắt trốn núp.

 

Biến cố Mậu Thân xẩy ra với kết quả toàn thể sinh viên YK Huế tạm thời di chuyển vào Sài Gòn học tiếp. Trong suốt thời gian 2 năm tại Sài Gòn, tôi không có nhiều cơ hội gặp gỡ anh Hớn vì ai ai cũng quá bận rộn và lo lắng với chuyện học, và nhất là bấy giờ anh Hớn ở nhà của vợ chồng anh. Mãi sau khi sinh viên trở về lại Huế cho niên học 1970-1971, liên hệ tình bạn nối kết trở lại.

 

Vào đầu xuân 1972, có một chuyến đi chơi với nhau từ Sài Gòn đến Đà Lạt bằng đường bộ, gồm có Thầy Võ Đăng Đài, và quý bạn Nguyễn Văn Chữ, Bảo Chủ, Dương Đình Châu, Lê Quang Tiến, và Vĩnh Chánh, chia nhau đi trên 2 xe, một xe do thầy Bùi Duy Tâm lái có Cô và gia đình, và một xe Fiat do anh Hớn lái, có luôn cả con trai là Vũ, bấy giờ khoãng 5-6 tuổi.  Đoàn xe dừng lại ở Bảo Lộc để Chữ thăm em gái là Thu Dần đang làm Cán Sự Y Tế tại BV và kéo em vào đoàn đi chơi luôn.

 

 

 

Hình thứ nhất (từ trái qua phải): Chủ, Tiến, Chữ, Chánh, Thu Dần, Vũ con trai anh Hớn, anh Hớn, Châu

Hình thứ hai (từ trái sang phải): Thầy Đài, Hớn, Châu, Vũ, Chữ, Thu Dần, Tiến, Chủ (Chánh là người chụp hình)

 

Sau chuyến du lịch Đà Lạt và bấy giờ anh Hớn đang làm nội trú tại BV Huế và tôi, năm Thứ Năm, tình bạn giữa chúng tôi trở nên tốt đẹp hơn. Anh thường xuyên kết hợp vui chơi với nhóm khóa 7 chúng tôi gồm có Vinh (Hoàng Ngọc), Tiến (Lê Quang), Ngạc (Trần Tiễn), Đẳng (Bùi Cao), Chi (Nguyễn), Phước (Tôn Thất). Trong khoãng thời gian đó, BS Nguyễn Văn Chữ đã tốt nghiệp, và sau 2 năm làm việc ở trường YKH (môn Cơ Thể Học) và BV Huế (giải phẫu Nhi Đồng) được trường đưa vào Đà Nẵng làm việc tại BV Maltesa thuộc phái bộ y tế Đức, BS. Bảo Chủ được đưa vào Sài Gòn học chuyên môn về Quang Tuyến tại Trung Tâm Giáo Dục YK Khoa ở Gia Định và BS. Dương Đình Châu theo học chuyên khoa Bệnh Ngoài Da cũng ở SGN.

 

Bấy giờ tôi mới biết thêm anh Hớn có một mối tình vĩ đại với chị Như, vợ anh. Anh từng theo đuổi chị cả mấy năm trước khi được chị nhận lời cầu hôn của anh, mà anh thường phát biểu nữa thật nữa giỡn “Moi quỳ mòn cả đầu gối, rách không biết bao quần Jean trong cả mấy năm trời mới được.” Dù gia đình gốc Phật giáo, anh quyết tâm theo đạo Công giáo hòng lấy cho được người yêu. Anh được chính cha Petit Jean, người thầy thương mến dạy anh ở Providence, rửa tội cho anh và đồng thời chủ hôn cho đám cưới của 2 người. Cũng vì lý do trên, anh Hớn chị Như rất gần với Cha qua thư từ và qua thăm viếng Cha tại Pháp. Vào năm 2004 khi nhận tin Cha Petit Jean ở Île Maurice bịnh nặng, anh chị tức tốc đáp máy bay từ Washington-DC (xa chừng 15-16 nghìn km) qua thăm Cha như hình dưới đây

 

 

Trong những năm cuối tại trường, anh Hớn học rất chuyên, có tiếng giỏi, chắc nhờ anh chú tâm nghiên cứu thêm từ các sách ngoại quốc, không những vì vốn ngoại ngữ tiếng Pháp giỏi mà luôn cả tiếng Mỹ nữa vì anh có làm thêm với Bệnh Viện Dã Chiến quân đội Mỹ ở Phủ Bài trong các mùa hè. . Ngoài chuyện bơi lội, chơi tennis, anh Hớn còn chơi basket ball cũng rất hay, nên có tên trong đội banh của trường YK Huế đi đấu với các đội banh của các phân khoa khác, hoặc giữa các lớp trong trường YK với nhau.

 

Vào cuối tháng 3, 1972, trước khi Quảng Trị bị mất vào tay Cộng Quân, dân & quân trong vùng gần Vỹ Tuyến bắt đầu chạy nạn về phía Nam. Vì đã có kinh nghiệm qua vụ thảm sát Mậu Thân nên dân thành phố Huế đã kéo nhau đi trước vào Đà Nẵng. Kế đó là người dân quân Quảng Trị gồng gánh chạy sau. Thành phố Huế trống hẳn, hầu như bỏ hoang. Trường YK Huế tạm đóng cửa. Một nhóm nhỏ SV YK Huế tình nguyện ở lại làm việc tại BV Huế, trong số người hiếm hoi ấy có anh Hớn. Tôi vẫn nhớ rõ một ngày đầu tháng 4, BS. Tôn Thất Hứa, BS. Chữ, Anh Hớn, tôi và một vài bạn thân YKH, từ trên terrace của Circle Sportif nhìn xuống cây cầu mới Hương Giang nằm sát ngay bên hông Câu Lạc Bộ Thể Thao, chúng tôi thấy ngàn ngàn, lớp lớp người dân chạy bộ băng ngang cầu xuôi về Nam liên tục trong suốt nhiều giờ, từ sáng cho đến gần xế.  Một thảm cảnh khó quên mà chúng tôi thường xuyên nhắc với nhau khi gặp lại anh Hớn, hay với anh Hứa sau này.

 

Trong suốt thời gian khoãng trên 3 tuần sau đó, nhóm SV YK chúng tôi làm việc ngày đêm, tận tình cứu chữa nhiều người dân bị thương tích do pháo cường tập không thương tiếc từ phía CS trên Đại Lộ Kinh Hoàng, từ từ lết về được đến Huế, hay những dân còn lại trong thành phố Huế bị trúng hỏa tiễn 122ly từ núi bắn về. Ngoài ứng trực cho giải phẫu khẩn cấp, toán SV còn lo choàng qua cả bên sản khoa, nhất là những ca đẻ khó cần giải quyết bằng C-Section. Bên cạnh những BS của BV hay những thầy của trường YKH ứng trực trong ngày, nhóm SV chúng tôi cũng chia phiên nhau làm việc từng nhóm. Tôi thường theo anh Hớn, không những vì chúng tôi hạp tính nhau, nhưng có lẽ vì chúng tôi tin tưởng lẫn nhau và ăn jơ với nhau. Cùng một tinh thần trách nhiệm, một tinh thần phục vụ và một tình thần học hỏi. Sau những ca trực, vào đêm khuya, chúng tôi rủ nhau đi ăn quán bún bò mới mở ngay trong sân BV, ngay góc đường Lê Lợi và đường hướng về vườn Đoát, hoặc các quán hàng sau BV. Thời gian tuy ngắn nhưng đã để lại cho tôi những suy nghĩ về chiến tranh, về tình anh em cùng nhau làm việc trong khó khan, và hình ảnh của anh Hớn luôn theo sát những kỷ niệm khó quên đó.

 

Khi tôi vào năm Nội Trú, anh Hớn tốt nghiệp và được trường chọn giữ lại làm Giảng Tập Viên trong ngành AnaPath. Chúng tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ nhau một thời gian ngắn tại BV, tại các quán ăn sáng, chỗ chơi bida… Nhưng sau đó với trách nhiệm nặng nề của một nội trú, tôi hoàn toàn chăm chú vào công việc nên không còn nhớ gặp anh Hớn nhiều. Có lẽ anh vào Sài Gòn theo học chương trình Anapath tại ĐH YKH SGN và cùng một lúc làm việc thêm ở bệnh viện Grall chăng?

 

Rồi chúng tôi lại gặp nhau tại trường Quân Y ở Sài Gòn vào tháng Giêng 1974 trong khóa Trưng Tập 16 Y Nha Dược, sau khi lứa giảng tập viên của anh Hớn, như quý anh Lê Văn Chỉnh, Đinh Sơn Thắng, Trần Duyệt Tảo… lẫn lứa sau một năm của tôi không còn được cho hoãn dịch vì công vụ. Bấy giờ chiến tranh đang đến hồi ác liệt, các trận đánh liên tục và xẩy ra hầu như khắp mọi quân khu.

 

Do tốt nghiệp cao trong khóa Trưng Tập 16, anh Hớn chọn về Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch ở Phan Thiết, quê nhà của anh; các bạn giảng tập viên cùng lứa như Chỉnh về LĐQY 71, Thắng về Không Quân…Tôi về với QYND cùng 2 bạn Đẳng và Tiến. Và kể từ ngày rời trường QY, tôi không còn dịp gặp anh Hớn nữa đến gần cả 2 thập niên sau.

 

Trước khi gặp lại anh Hớn tại ĐH YKH vào gần cuối thập niên 90 tổ chức tại vùng Virginia / Maryland, tôi đã biết anh Hớn hành nghề Ophthamologist tại Virginia từ rất nhiều năm. Anh Hớn, chị Như và gia đình qua Mỹ từ 1975. Sau một thời gian ngắn làm việc trong phòng thí nghiệm của một BV tại ngay Hoa Thịnh Đốn, và sau khi thi đậu ECFMG cùng Flex, anh được ĐHYK Georgetown nhận vào học chương trình Ophthalmology. Hẳn anh Hớn phải rất xuất sắc, không những trong 2 kỳ thi nói trên mà còn ngay cả từ trong hồ sơ cá nhân và cách trả lời phỏng vấn khi xin làm resident. Cũng vì vậy mà anh Hớn là một BS Mắt Việt Nam đầu tiên hành nghề tại VA, rất nổi tiếng, và rất được cộng đồng người Việt tỵ nạn CS trong vùng thương mến và quý trọng. Noi gương của cha, Vũ-người con trai đầu mà chúng tôi từng gặp năm nào trong chuyến đi chơi Đà Lạt, cũng trở thành một bác sĩ chuyên khoa Mắt sau khi tình nguyện đi lính Lực Lượng Đặc Biệt của Quân Đội Hoa Kỳ trong 3-4 năm. Nay Vũ hành nghề ở Las Vegas và là một Giảng Sư về Ophthalmology của ĐHYK ở Nevada.

 

Anh Hớn có đến Cali tham dự ĐH YKH 3-4 lần và mỗi lần như vậy tôi đều có gặp anh, tuy không được lâu dài như mong muốn nhưng cũng tạm đủ cho cả hai chúng tôi thăm hỏi nhau và giữ cho nhau tình cảm. Khoảng 7-8 năm trước, khi vợ chồng chúng tôi đến vùng D.C thăm người bạn Bùi Cao Đẳng đồng thời tham dự ngày Nhớ Huế do Cô Nguyệt, dì của bạn thời trung học Lê Khắc Hiển (và cũng là dì của anh chị Thanh Túy/ Lê Đình Thương) tổ chức, chúng tôi tình cờ gặp anh Hớn trong khu Eden, VA. Anh vồn vã chào đón và mời vợ chồng tôi đến nhà dự tiệc cùng với nhóm các anh chị YKH tại vùng Thủ Đô. Anh tự tay nấu ăn rất khéo, màu sắc và thơm ngon. Tôi vẫn còn giữ ấn tượng khi anh mời mọi người xuống thăm hầm rượu nhà anh, mấy trăm chai rượu đủ loại, mà chỉ cần nhìn tên và năm sản xuất của vài chai cũng đủ biết chủ nhân chơi cỡ nào. Anh chị Hớn đã cho những người hiện diện hôm đó một buổi chiều đáng nhớ. Nhất là khi có vài con nai ngơ ngác vui đùa ở rừng lớn sau nhà.

 

 

 

Hình 1 (phái nữ, từ trái sang phải): quý phu nhân Dương Đình Hưng, Đoàn Kim Phước, Trần Tiễn   Hiền, Dương Quang Hớn, Vĩnh Chánh và Lê Khắc Hiển

Hình 2 (phái nam, từ trái sang phải): quý anh Dương Đình Hưng, Vĩnh Chánh, Dương Quang Hớn, Đoàn Kim Phước, Trần Tiễn Hiền và Lê Khắc Hiển.    

 

Được tin anh Hớn đau nặng vào đầu năm 2014, vợ chồng tôi cố ý dừng chân tại D.C, mong có cơ hội ghé thăm anh chị trước khi đến phó hội tại New Jersey. Trước đó tôi được cho biết thăm được anh Hớn rất khó vì chị Như có một chương trình săn sóc đặc biệt và tập vật lý cho chồng rất kỹ lưỡng và đúng giờ. Tuy nhiên khi nghe giọng của tôi, chị vui vẻ cho ngay cái hẹn tại nhà. Anh Hớn ngồi xe lăn, tỏ vẻ vui mừng khi gặp lại bạn cũ tuy nói rất khó khăn. Vững tin với tinh thần lạc quan và sự săn sóc cho đáo của chị, cũng như nhờ các loại dụng cụ trang bị y khoa cần thiết, chúng tôi tạm biệt anh trong niềm mong ước tình trạng anh sẽ chóng tốt đẹp hơn.

 

          Tuy bệnh, nhưng anh Hớn luôn theo dõi sinh hoạt của Hội mình, vẫn đóng góp khi này khi khác, khi Hội cần gây quỹ xã hội. Tôi vẫn còn nhớ lần tôi có trách nhiệm đi tìm người nhận chức vụ chủ tịch Hội, tôi tìm đến anh Hớn. Để nghe anh trả lời “Moi từng làm chủ tịch hội Thân Hữu Quảng Trị, mệt và nhức óc lắm. Với YKH mình, chắc còn mệt hơn nữa…” Năm trước, sau ĐH ở Phila xong, một số lớn ACE cùng nhau đi tour vùng Hoa Thịnh Đốn và được quý anh chị tại vùng khoản đãi. Mọi người quá vui mừng khi anh Hớn và chị Như bất ngờ xuất hiện và ai cũng bu lại bên anh thăm hỏi ào ào. Thật là xúc động! Phải cám ơn chị Như đã cho các bạn chồng mình cơ hội quý báu này.

 

 

 

          Tin anh Hớn vĩnh viễn ra đi đến thật đột ngột khiến đa số đồng môn quen biết sững sờ và đau buồn. Ngay trong tuần đầu tiên của mùa Thu. Không biết lá trong rừng sau nhà chị đã vàng rụng chiếc nào chưa mà anh Hớn lại vội đi?! Chị Như biết không, cả hai diễn đàn YKH và Thiên Hữu & J’Anne D’Arc tràn ngập lời phân ưu và bày tỏ tình cảm dành cho người quá cố. Cho dù ai cũng biết sống trên cõi đời này chỉ là tạm, và có sinh thì có tử, nhưng anh Hớn đã để lại trong lòng bạn bè thân quen quá nhiều kỷ niệm đẹp nên sự thương nhớ anh Hớn là thường tình. Anh Hớn là một người con của trường YK Huế đã làm rạng danh ngôi trường Mẹ.

 

          Chị Như mến, Vĩnh Chánh và Minh Châu thành thật chia buồn với chị và các cháu. Vẫn biết sự mất mát quá lớn khi chị mất đi một người bạn đường luôn kề cận mình trong suốt 53 năm, nhưng bù lại chị có các cháu Vũ, Như Đan, Vinh và Như Hân khắng khít bên cạnh và các cháu nội vui đùa xung quanh.

           Đồng thời cũng xin chia buồn với anh Dương Quang Hảo, chị Dương Thị Xuân Mai cùng chồng Lê Nguyên Thế.

 

Hôm nay là ngày Thứ Sáu, ngày 6 tháng 10, năm 2017, thân xác anh Hớn sẽ được hỏa thiêu. Tro bụi trở về lại tro bụi. Xin chung lời cầu nguyện cho linh hồn Henri Dương Quang Hớn được yên nghỉ ngàn thu và sớm được Chúa nhân từ nhận vào nước Trời. Xin Chúa ban bình an đến cho chị cùng gia đình các con cháu. Cầu mong chị Như bảo trọng.

 

Xin chị nhận đọc bài này như một điếu văn của một đàn em từ nơi xa gởi cho anh Hớn với nhiều thương nhớ và ngưỡng phục.

 

Mission Viejo, 6 tháng 10, 2017

Vĩnh Chánh  YKH-7

 

 PS. Sau đây Chánh chuyển đến chị Như vài điện thư phân ưu và chia buồn của các đồng môn YK Huế trên diễn đàn của Hội.

 

Xin báo tin buồn là người bạn rất năng động của chúng ta, BS Dương quang Hớn đã được Chúa gọi về sáng nay Sep 30 lúc 4g sáng.

Khi nào có được chi tiết tang lễ, sẽ báo T. Châu thay mặt Hội YKHHN chia buồn với tang quyến. Riêng tôi sẽ cố gắng đến dự lễ góp lời cầu nguyện cho người bạn đã từng vui buồn với nhau bên trời Đông.

Xin chia buồn với chị Cecile Như và tang quyến.

Thương-Túy

 

 

 V Ô  C Ù N G   T H Ư Ơ N G   T I Ế C

 

      Nhân danh Trường xưa:

 

    " T  H  À  N  H    K  Í  N  H    P  H    N    Ư  U "

 

Lê Bá Vận,

Cựu Khoa trưởng (1972-1975)

Trường ĐHYK Huế trước 1975. 

 

(Khoảng năm 1998, Đại hội YKH tại Virginia, đoàn dự Đại hội nghỉ đêm tại nhà anh chị Bs Dương Quang Hớn.

Tôi còn nhớ câu nói của anh Hớn: "cho bệnh nhân ở phòng mạch về cả để về sớm với các bạn bè." 

 

Gia Đình Phác và Xuân Loan rất lấy làm đau buồn trước sự ra đi vào cõi Vô Không của Anh Dương Quang Hớn, MD.

Anh Hớn là một trong số ít Bạn thân của Phác từ hồi còn Sinh Viên YKH.

Phác, Bùi Thạch Thuần, Anh Hớn cùng ở chung một cái Villa cũ kỹ trên bờ sông An Cựu do Các Cha bảo trợ. Hằng Đêm Các Cha  đều cho đem đến nhiều Ổ Bánh Mì nóng hổi. Trong căn Villa nầy đầy rẫy tiếng cười ,say sưa có, buồn vui lẫn lộn . Hằng đêm vào kỳ thi cuối năm, lại Có thêm BS Đinh Sơn Thắng ở lại ăn Tối và học Bài thi. Anh Hớn là người lớn Nhất. Chị Hớn ở Sài Gòn và Anh Hớn ở Huế độc thân Tại Chỗ. Có Lúc Anh chở Phác lên làng Kim Long , sát Chùa Thiên Mụ để Thăm Làng của Phác và Nhà Thờ Phụng Tổ Tiên.

Năm 1983 khi làm Residency Training tại New Jersey, Phác có ghé thăm Nhà Anh Chị ở Falls Church, VA, và trong dịp kỷ niệm 50 YKH, 2007-2009,  Anh Hớn có đến thăm dự ĐÊM TIỀN ĐẠI HỘI tại nhà Phác.

Nay Anh Hớn không còn nữa nhưng đã để lại nhiều Kỷ Niệm Vui và khó quên

Thành Kính Chia Buồn cùng Chị Hớn và Toàn Thể Gia Đinh

Phác Và Xuân Loan.

 

Thân kính gởi chị Hớn và tang quyến, 

Nhận được hung tin và bàng hoàng trước tin anh Hớn được Chúa gọi về. 

Thưa chị Cecile anh Hớn là một đàn anh đáng kính tánh tình hiền hòa nhân hậu và một chuyên gia nhãn khoa nổi tiếng đã làm rạng danh sinh viên tốt nghiệp Y Khoa Huế. Ngoài ra anh là một trong những người đầu tiên tham dự hối thúc việc thành lập Hội Ái hữu YKHHN.

Chúng tôi sẽ không bao giờ quên sự thành công trong y nghiệp và tình đồng môn của anh trên bước đường lưu vong này. 

Thành tâm cầu nguyện linh hồn anh Hớn yên nghỉ trong Nước Chúa. 

Kính xin Chị bảo trọng. 

TTSum

 

THÀNH KÍNH PHÂN ƯU.

RẤT NGẠC NHIÊN VÀ ĐAU BUỒN TRƯỚC TIN BẠN DƯƠNG QUANG HỚN

VỪA ĐỘT NGỘT RA ĐI. XIN KÍNH CHIA BUỒN CÙNG CHỊ HỚN VÀ CÁC CHÁU, CẦU MONG HƯƠNG LINH NGƯƠI BẠN HIỀN SỚM ĐƯỢC MỌI BẰNG AN TRONG CÕI VĨNH HẰNG, VÀ XIN THẮP CHO CHÚNG TÔI MỘT NÉN NHANG TRƯỚC HƯƠNG LINH NGƯỜI QUÁ VÃNG.

VỢ CHỒNG NGUYỄN VĂN THUẬN - Houston, TX.

 


 Xin thành thật chia buồn cùng chị Hớn, các cháu và gia đình trước sự mất mát lớn lao này.

Nhớ ngày nào, khi Hớn và tôi đang còn là sinh viên , tôi là Thủ Quân của đội bóng rỗ Viện Đại Học Huế, là trung phong của đội banh còn Hớn là hậu vệ, vì Hớn nhảy rất cao. Hai anh em chúng tôi đã giữ vị trí này trong suốt thời gian 7 năm. Hồi đó ở VN chỉ có 3 viện đại học: Sài Gòn, Huế và Đà Lạt. Hàng năm có một Đại Hội Thể Thao Sinh Viên, tổ chức luân phiên từng tỉnh có đại học. Hớn và tôi luôn luôn đi chung với nhau rất thân thiết. Chúng tôi được anh em sinh viên gọi là cặp bài trùng. Đã chia xẻ rất nhiều kỷ niệm vui. Sau thời sinh viên, chúng tôi mỗi đứa một đường. Không có cơ hội gặp mặt nhiều. Lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau là năm 2003 tại D.C. Bây giờ không còn nữa, Hớn đã ra đi, để lại tôi nhiều kỷ
niệm không có bạn hiền để chia xẽ.
Chúng tôi xin nguyện cầu vong linh bạn Hớn sớm được về cõi Vĩnh Hằng.
Xin chị Hớn giữ gìn sức khỏe và đủ nghị lực để vượt qua được chặng đường khó khăn này.

   Thành Kính Phân Ưu

   Phan Tiên Thái và Mỹ Hoa

 

Nhân Đại Hội tại Phila… Rất may mắn gặp lại Anh… Nhớ những ngày quân sự học đường… và mùa hè tại quân trường Đống Đa... anh là Đại Đội trưởng H4 ,rất được mến chuộng ...
Mong hương linh anh sớm bằng an trong cõi vĩnh hằng
Kính
Loi & Anh

 

Rất đau buồn. Cho chị xin chia- xẽ cùng Em và các cháu.
Lúc còn sinh tiền Anh Vĩnh thường nhắc mấy trận đấu quần- vợt với anh Hớn tại sân Tennis của nhà em trong những lần họp mặt tại trên đó.
Xin Chúa cho linh- hồn Anh Hớn được yên- nghỉ ngàn Thu trong sự yêu- thương của Ngài và cho em và các con được nhiều can- đảm trước sự mất mác lớn lao nầy.
Vô- cùng Thương Tiếc.
Kim- Soa Nguyễn văn Vĩnh

 

 

Kính Chị Hớn và Gia Quyến. 

Em còn nhớ lần cuối gặp Anh chị ở buổi cơm trưa tại Virginia do quý AC khoản đãi phái đoàn YKH du ngoạn từ Philadelphia nhân mùa ĐH 2016 . Anh ngồi đó với gương mặt hiền hòa, phúc hậu và ít nói . 

Kính phân ưu cùng gia quyến và mong anh sớm thanh thản ra đi.

Em Sơn Châu 

 

KINH THAM GIA DINH ANH DUONG QUANG HON!

GIA DINH EM RAT BUON KHI DUOC TIN ANH RA DI. TRUOC DAY KHI GOI THAM CHI VA QUA ANH BAO TIEN , DUOC BIET ANH VAN DANG TRONG GIAI DOAN VAT LY TRI LIEU. GIA DINH EM HET SUC BUON VA MUON CHIA SE VOI CHI VA GIA DINH NOI MAT MAT TO LON NAY. KINH CHUC ANH YEN NGHI HANH PHUC O NOI VINH HANG .

DUONG QUANG TUAN VA GIA DINH 

 

 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.