GIẤC MƠ KỲ LẠ

BÁC SĨ HOÀNG THẾ ĐỊNH

 

Dưới đây là câu chuyện của gia đình tôi. Người chị đầu của tôi năm nay đã 89 tuổi hiện đang sống tại Ontario, Canada kể lại cho tôi câu chuyện của chị. Thuở đó tại làng Mỹ Lợi thuộc huyện Phú Lộc tỉnh Thừa Thiên vào đầu năm 1945, chị tôi tròn 16 tuổi và cha mẹ tôi vừa nhận lễ của ông bà T.T.Ph. hỏi chị cho anh L. người con trai đầu của ông bà; gia đình hôn phu của chị là người cùng làng nhưng anh lại làm việc với triều đình nhà Nguyễn tại Huế, anh thường xuyên về làng thăm cha mẹ và vị hôn thê. Ở làng, hầu như ai cũng biết đến căn nhà gạch lớn với 2 tầng của ông bà Ph.; tầng trên để ở và tầng dưới dùng cho việc buôn bán tạp hóa; một làng nhỏ như Mỹ Lợi mà sở hữu một ngôi nhà đồ sộ như của cha mẹ hôn phu chị tôi là điều ai cũng mơ ước.

 

Từ chợ Mỹ Lợi, dọc theo con đường đất bên phải là những mẫu ruộng xanh mướt thuộc gia đình tôi, bên trái là hàng tre dày và cao trồng làm biên giới mặt trước của những nhà dân địa phương, đi chừng 100 mét là đến cổng của đại gia đình chúng tôi. Từ cổng với 2 trụ vôi lớn đi vào trong chừng 30 mét, ở chính giữa là nhà thờ thuộc chi nhánh 2 của họ Hoàng do ông nội tôi lập nên, bên trái, thẳng góc với nhà thờ là nhà gạch 5 gian của gia đình tôi, trong nhà ba tôi dành một căn cho gia đình cô ruột tôi cùng chồng người Sơn Tây và con trai tên Vũ Đức Duy (về sau là người viết kịch nổi tiếng), trước mặt nhà là một sân gạch dùng phơi lúa; bên phải, thẳng góc với nhà thờ là nhà tranh của gia đình em trai ông nội tôi (ông nội của Hoàng Dạ Thảo).

 

Ở tuổi lên 3, tôi vẫn còn nhớ mỗi lần anh L. đến thăm chị tôi, 2 người thường đứng nói chuyện cạnh trụ vôi bên trái trước nhà, cảm giác khó quên là khi anh L. nhấc bổng tôi lên cao và đặt ngồi trên trụ vôi cạnh hàng dừa thấp, anh hái là dừa kết thành những hình con chim hoặc máy bay làm quà mà tôi rất thích.

 

Chiến cuộc lan tràn khắp nơi, toán lính Pháp đã nhiều năm thuê tòa nhà lầu 2 tầng của chú tôi tên Hoàng Mạnh B. (thân sinh của BS Hoàng Quý K.) để đóng quân, họ còn gắn một khẩu súng trung liên trên sân thượng và ngày đêm thay phiên canh giữ và quan sát quanh vùng từ cao, thỉnh thoảng họ tổ chức những cuộc bố ráp khắp làng và các vùng lân cận; nay họ rút hết quân về Huế; Việt Minh (viết tắt chữ Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội, tập hợp những đoàn thể đảng phái chống Pháp đô hộ, nhưng về sau Hồ Chí Minh đã lập mưu diệt hết các đảng phái khác để một mình đảng Lao Động Đông Dương của ông tóm thu Đồng Minh Hội, khi cướp được chính quyền Quốc Gia vào tháng 9 năm 1945, họ đã lộ mặt và đổi Đồng Minh Hội thành đảng Cộng Sản) nổi dậy với đội ám sát chuyên đi thanh toán những người làm việc cho Pháp, người trong triều đình Huế và những người giàu có mà chúng gọi là địa chủ. Người đầu tiên trong số đó là ông Hoàng Mạnh B. đã bị tốp người mặc áo quần đen nửa đêm xông vào nhà ông, trói thúc ké tay sau lưng dẫn đi thủ tiêu; vợ con chú đã xem ngày đó làm ngày giỗ ông. Những người có chức vụ hành chánh trong làng hoặc giàu có, lần lược bị thanh toán, người dân hoang mang lo sợ cho số phận của mình; một người buôn bán nhiều năm ở chợ vào tháng trước vừa dựng được cái nhà ngói, và tậu hai chiếc thuyền chuyên chở, sau buổi cơm chiều đang tính sổ sách thu nhập hằng ngày thì bị đội ám sát vào nhà tuyên án là địa chủ rồi dẫn đi mặc cho vợ ông quỳ lạy chúng xin tha mạng, ông biết chúng sắp giết mình nên đợi khi bọn chúng dừng lại vấn thuốc hút, ông dùng hết sức đẩy chúng ra rồi cố chạy, chúng rượt theo cả đám, một tên chụp được chân ông, người xấu số cố rướng người ôm choàng gốc cây dừa bên đường, một tên mã tấu chặt đứt bàn tay ông rồi cột 2 chân lại một kéo ngược người ông đầy máu me giữa đường làng, phần thì ra máu nhiều quá, phần thì đầu va mạnh vào các gốc cây bên đường, ông ta đã chết từ lúc nào. Một người dân bình thường chẳng giàu có gì hay mang chức vụ gì trong làng cũng bị đội ám sát của Việt Minh bắt đi, ông chỉ là một nhà nho xưa đã lớn tuổi thích thơ văn, mấy năm trước khi ngồi uống trà, ông thích thú rung đùi ngâm bài thơ không biết xuất xứ từ đâu, bài thơ theo kiểu “nói lái” như sau:

“Chính mi hại nước Chí Minh ơi,                                                     

Chú phỉnh nêu lên chính phủ tồi,                                                     

Chịch (trịch) tủ vơ vàng cho chủ tịch,                                    

Chú khiên chạy thẳng chiến khu rồi.”

 

Khi bi bắt dẫn đi, ông biết mình sẽ bị thủ tiêu nhưng không chút sợ sệt hay van xin chúng, ông còn cười ngạo mạn vừa đọc bài thơ trên, bọn sát nhân đánh đập ông tới tấp, ông bị ngã quỵ nhiều lần nhưng vẫn gượng đứng lên vừa đi vừa đọc thơ, chúng tức giận không đợi phải đến nơi xử tử mà dùng cán cuốc nơi phần sắt dày của lưỡi cuốc đập vỡ sọ ông. Một người bạn của nhà nho kể trên có lần kể chuyện bắt bớ ở Huế rồi đọc 2 câu thơ cho bạn nghe:

          Xe xanh cờ đỏ sao vàng,                                                                           

Dừng đâu bắt đó hai hàng lệ rơi.

 

Thế là ông ta cũng chung số phận với người bạn thơ. Người dân làng nhận ra trong đội ám sát của Việt Minh có một tên mắc chứng ngọng, vô học, không nghề nghiệp, trước đó ngày ngày lêu lổng khắp làng, người trong làng gọi nó là thằng Ngọng. Hôm ấy, anh L. từ Huế đi chuyến đò chiều về làng Mỹ Lợi, anh định thăm hỏi cha mẹ rồi ngày mai đem quà đến tặng hôn thê của anh, thế mà vào lúc 2 giờ khuya, cả nhà ông Ph. đều thức giấc vì nhiều tiếng đấm cửa rầm rầm, anh L. nhón chân khẽ bước xuống cầu thang đến bên của sổ nhìn qua khe cửa thấy lố nhố mấy tên mặc đồ đen, anh quay lui đã thấy cha mẹ anh lặng lẽ theo anh hồi nào, anh ra dấu cho cha mẹ đừng lên tiếng rồi anh đến ẩn dưới cầu thang gỗ, sau mấy lần đấm cửa không thấy ai lên tiếng, cả bọn đạp tung cửa ùa vào nhà, tên ngọng kề dao vào cổ ông Ph., một tên khác tay trái túm búi tóc của bà kéo lên tay phải lăm le cái mã tấu như sắp sửa chặt ngang cổ bà, tên ngọng ra lệnh:

-Gọi thằng L. phản động ra đây ngay!                                   

Ông Ph. vừa run vừa nói:                                                                      

- Nó ở trên Huế chưa có về”                                                   

Hắn gằng từng tiếng:                                                                               

- Đừng có láo! Báo cáo cho biết nó về đò chiều nay!              

Ông Ph. lắp bắp không nói nên lời chỉ lắc đầu quậy quậy, tên ngọng cười gằn:           

- Thôi được! Nếu vậy thì phải bắt ông thay mạng cho nó!

Nói rồi cả bọn kéo tay ông Ph. ra cửa, anh L. từ chỗ ẩn chạy ra van lạy, thế là tên ngọng thả tay ông Ph. rồi chụp lấy anh L., mặc cho anh van xin chúng cho anh được nói đôi lời với cha mẹ, hắn “Hừ” lên một tiếng rồi kéo anh L. đi khuất vào bóng tối. Đi chừng 10 mét, chúng dừng lại dùng cuộn dây thừng trói hai tay anh ra sau lưng chừa lại 1 đoạn dài cầm chắc trong tay ngăn ngừa anh bỏ chạy. Khi đến một vùng xa xóm làng, khi chúng bảo anh dừng lại, nhờ ánh trăng mờ sau đám mây, anh L. thấy mình đang đứng trên miệng hố đã đào sẵn, anh biết là bọn chúng sắp giết mình ở đây, anh buồn bã van xin tên ngọng mang giúp cái khăn tay trắng của anh trong túi áo đặng trao cho chị tôi, tên ngọng gạt phăng rồi gật đầu ra dấu cho tên đang cầm cái mã tấu sáng loáng.

 

Tối hôm đó, chị tôi hoàn toàn không biết gì và chính cha mẹ của anh L. cũng không dám ra đường để báo cho chị tôi biết. Chị đi ngủ từ sớm, đến khoảng 3 giờ sáng chị nằm mơ thấy mình đang đứng với anh L. cạnh trụ vôi như mọi khi, anh L. không nói gì mà đôi mắt buồn rười rượi, chị bỗng nhìn xuống và hoảng hốt thấy trên vạt áo dài trắng của chị một tia máu đỏ tươi loang tràn ra. Chị kinh hoàng thét lên rồi tỉnh giấc; mồ hôi toát đầm đìa cả người, chị còn lo sợ nhìn xuống áo mình đang mặc, tim vẫn còn đập liên hồi. Phải chăng đây là trường hợp của một “thần giao cách cảm” giữa người sắp chết đang để hết tâm trí và tình yêu mãnh liệt đến người mình yêu và cho đến khi chết rồi hồn còn muốn báo tin cho hôn thê; đến nỗi vòi máu phọt từ quả tim anh khi đầu vừa đứt đoạn đã lan qua giấc mơ kinh hoàng của chị? Nghe tiếng chị thét lớn, ba mẹ tôi thức giấc, vội thắp đèn dầu đến hỏi con, chị kể lại giấc mơ hãi hùng của mình, cha tôi ngồi phịch xuống ghế ôm đầu suy nghĩ trong lo âu, mẹ tôi trao tách nước bảo chị uống hết rồi ôm chị vào lòng an ủi rằng hằng ngày chị nghe chuyện bàn tán xôn xao trong làng nên nhập tâm mà nằm mơ kinh dị. Cha tôi đánh thức chú tôi ở nhà kế bên rồi cùng dượng tôi bàn bạc, ông nghiêm nghị dặn cả 3 gia đình hãy lo thu xếp những gì cần thiết để trốn khỏi làng Mỹ Lợi. Khi mặt trời vừa mọc, mẹ tôi vội đi nhanh ra chợ, lúc vừa bước chân vào nhà ông bà Ph., mẹ tôi đã sửng sốt nhìn cha mẹ anh L. đang vật vã khóc sướt mướt, bà P. cầm tay mẹ tôi thuật lại chuyện con mình bị toán Việt Minh bắt đi, giọng bà nói trong tiếng nấc đau đớn.  

 

Theo đúng kế hoạch đã định, vào khoảng nhá nhem tối, khi biết cả xóm đã đóng cửa tắt đèn, 2 gia đình dượng và chú cùng gia đình tôi cố không gây bất cứ tiếng động nào, mọi người tay xách dép lẳng lặng đi trên những đường ruộng trước mặt nhà bước nhanh về phía bến đò, chị thứ nhì của tôi có nhiệm vụ gánh em trai tôi vừa 1 tuổi trong một cái thúng với một số vật dụng cần thiết và tôi ở đầu kia cũng trong 1 cái thúng, chị bảo tôi cố cầm chắc 4 quai gióng để tránh đong đưa giúp chị gánh dễ dàng hơn. Sau khi vượt qua một ruộng khoai rộng với những vồng lớn, cuối cùng gia đình chúng tôi cũng đến được bến đò, nơi đó đã có sẵn chiếc đò lớn mà cha mẹ tôi dùng chuyên chở lúa gặt được từ làng Hà Trung tới Mỹ Lợi; 2 người phụ trách chèo đò là anh Vũ Đức Duy và Th. con trai đầu của chú ruột tôi. Khi thuyền chạy được hơn 1 giờ, trong bầu không khí tịch lặng, bỗng nghe tiếng bì bõm đằng sau thuyền, mọi người đồng nhìn về phía sau, con chó Berger của gia đình tôi đang lội theo thuyền; nguyên trước khi di cư vì sợ mang con chó theo sẽ gây tiếng động hoặc nó sủa vô cớ làm lộ đại sự, nguy hiểm tính mạng cho cả 3 gia đình, cha tôi đã tróng con chó bằng giây xích sắt và cột vào chân chiếc ngựa gỗ rất nặng, thế mà nó đã bứt đứt giây xích bơi theo chủ; anh Duy và Th. dừng chèo cúi người kéo con chó lên. Đến làng Hà Trung, nhóm di cư chúng tôi chia nhau tạm trú trong nhà những người bà con, sau khi tìm hiểu tình hình, biết sớm muộn gì Việt Minh cũng tràn đến đây, cha tôi đã quyết định cho thuyền chèo ngược lên Huế.  Ở Huế, ngôi nhà ngói lớn của gia đình chúng tôi cạnh Cung An Định đã bị hư hại nặng khi Việt Minh đặt mình giật sập Cung An Định, nhưng chúng chỉ làm sập Cửu Tư Đài là rạp hát xây dựng theo kiểu Tây Phương từ thời vua Khải Định, thế là 3 gia đình chúng tôi đành về ở tại Phủ Ngự Viên (Xem “Những Ngày Cuối Đời Của Đoan Huy Hoàng Thái Hậu của cùng tác giả).

 

Chuyện quá đau buồn về cuộc tình đầu của chị tôi với anh L. qua giấc mơ lạ lùng vào khuya 17 âm lịch ấy vẫn luôn ám ảnh chị cho đến ngày nay, nên sau khi kể chuyện xưa cho tôi qua điện thoại, chị đã gởi cho tôi bài thơ của chị nói về đêm kinh hoàng ấy với nhan đề “Đêm Trăng Nhớ Chàng”:                               

Ánh trăng mờ ảo khói vây quanh,                                          

Đang khi giấc điệp mãi mơ màng,                                          

Bên trụ vôi nhà anh buồn bã,                                                 

Áo trắng em tràn vết máu loang.”

         

Zephyrhill, 7 tháng 12 2018

Bác sĩ Hoàng Thế Định                                                           

 

             

 


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.