Mạ Tui

 

 

 

(Hình minh hoạ)

 

Những người khách hàng của Mạ tui ngày trước, thường gọi Bà bằng cái tên rất “Thơm” mùi của bột và trứng nướng: “Bà bánh thuẫn,” còn những người hàng xóm láng giềng thì gọi đơn giản là “Bà.” Có thể vì Ba Mạ tui thuộc diện “bô lão” nhất trong xóm chăng?

 

Tuy người ta gọi Bà bằng những tên gọi khác nhau, nhưng hết thảy đều đồng ý một điều về Mạ tui: "Bà là người phụ nữ đẹp.” Không ít lần tui nghe người ta nói: “Bà đẹp hơn mấy cô con gái nhiều. Họ nói mà không sợ mất lòng tui chút mô cả? hay “Bà đẹp nổi tiếng một thời ở Quảng Trị, nghe đâu Bà từng là "hoa khôi.”

 

Tui mô mà dễ tin rứa? “Hoa khôi mà có vương miện không?” Mạ tui cười “Không phải thi hoa hậu nên không có vương miện.”

 

Nhưng ngày ni, tui muốn mọi người biết một điều khác về Mạ tui. Tui dám “cá độ một trăm ăn chục” không ai biết điều đó là chi mô, vì tui là người duy nhứt trong gia đình “nhiều chuyện” mới để ý mấy chuyện như ri thôi.

 

Mạ tui có tài chêm thêm ca dao tục ngữ vào câu chuyện hàng ngày rất suông sẻ. Bạn không tin ư?

Có bao giờ bạn được nói chuyện với ai đó mà nghe như họ đang “hát”?

Người đó là Mạ tui!

 

Giống như nhiều người có tài "xuất khẩu" thành thơ, nói ra câu nào nghe cũng có vần có điệu, thì Mạ tui có thể chèn ca dao tục ngữ vào câu chuyện khiến cho người nghe thích thú, và nhớ lâu. Quá lâu nữa là đằng khác!

 

Điều đặc biệt là thuở nhỏ Mạ tui chưa hề được học hết lớp năm! Chơ như mấy người học cao hiểu rộng; ăn nói văn hoa lưu loát thì kể làm chi, đúng không? Khi nghe kể Bà không được đi học tới lớp sáu, thì tui ngạc nhiên vô cùng, mới hỏi lại “Vì răng?”

-“Vì Ông Ngoại nói đàn bà con gái không cần phải học nhiều! Học nhiều để làm chi? Để viết thư cho trai, chơ có được việc chi nữa mô.”

Tui nghĩ do không được đi học nhiều, nên Bà rất kính phục thầy giáo. Bà luôn căn dặn “Không thầy đố mày làm nên,” đến trường thì “Tiên học lễ, hậu học văn.”

Năm đầu thi lên lớp chín, tui bị nghĩ học ở nhà một năm, tui hỏi Mạ “Có phải khi mô cũng có thầy cho mình học mô?” Tính tui hay tò mò, ưa hỏi khúc mắc lắm!

Bà bảo “Học thầy không tày học bạn,” ai cũng có điều hay cho mình học hỏi, “Không được học trường thì học ở đời cũng là một cách học vậy,” nhưng phải nhớ “Chọn bạn mà chơi, vì gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.”

 

Bà là người rất hiếu khách, tính tình vui vẻ, hay cười, ăn nói nhẹ nhàng, lịch sự.

Khách tới nhà không báo trước, nhằm giờ cơm, Bà hối tui bắc vội nồi cơm, cho kịp mời khách. Cơm chưa chín tới, nhưng sợ khách đợi lâu, Bà vội vàng dọn cơm, cười bả lả, phân bua thật đáng yêu, “Cơm sống là cơm thảo, cơm nhão là cơm hà tiện.”

 

Được ai mời ăn món chi ngon, bà cám ơn "Hên quá, buồn ngũ mà gặp chiếu manh!”

Mạ tui nấu ăn ngon, thấm tháp, vừa miệng. Nghe ai khen, bà khiêm nhường “Khéo củi khéo lả, khéo chi ả nấu ăn,” bởi vì “Hết nước mắm ngon, thì con mệ hết khéo.”

 

Nhà tui thuộc diện “phì nhiêu” tới tám đứa con! Tui đứng thứ sáu, không phải “tai to mặt lớn” để làm oai, cũng chẳng phải “baby” để được ưu tiên, nên tui “khun” theo cách của tui. Tới bữa cơm, thấy món mô ngon là tui cứ gắp miết! Bà la “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng,” phải “Liệu cơm mà gắp mắm ra, liệu cửa liệu nhà mà gả con đi.” Khiếp, chỉ gắp đồ ăn mà Bà nghĩ tới chuyện gả cưới cho con mới ghê chơ hỉ?

Rồi mỗi lần được cho ăn buổi lỡ, là trái bắp hay chén chè, tui nhanh tay lẹ mắt giành cho được trái mô to, chén mô lớn mới chịu! Bà mắng, “Ăn để mà sống chơ không phải sống để mà ăn.” Nhưng tui vẫn thấy “vui hơn” khi được ăn trái bắp to nhứt thôi! Do nhà đông người như vậy, nên đôi khi có người không có mặt trong bữa ăn, Bà dặn phải để dành phần cho người đó và "ngó" cho tươm tất, vì "Trông mặt mà bắt hình dong."

 

Không biết vì cách Mạ tui nấu cho ăn lúc nhỏ hay răng mà tới chừ tui chỉ thích ăn thức ăn có nước, bữa ăn phải có canh. Bà nói rằng “Khun ăn nát, dại ăn xác.”

"Thiệt không hè? Rứa mà răng khi mô ăn canh thịt bò nấu với thơm, có ai chỉ thích ăn nước canh thôi, không thích ăn thịt bò, Mạ nói con nghe nờ?” Tui lý sự.

Bà nói “Được cái làm đày làm láo, bữa mô lớn làm "mụ O dọn mồm,” rồi thiên hạ lại nói "Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng.”

 

Có người quen mời đi ăn kỵ, Bà mua ít bánh trái đem đi cúng, bởi vì “Có qua có lại, mới toại lòng nhau,” hay “Bánh ít trao đi, bánh dì trao lại” tương tự như kiểu “Ông mất cái giò, Bà thò chai rượu.”

Mỗi lần phải dẫn con cái đi ăn ở đâu, sợ người ta chê cười con mình ăn uống thô lỗ, Bà dặn “Một miếng giữa làng bằng một sàn xó bếp.”

 

Mấy năm sau chiến tranh, khổ sở trăm bề, ai cũng nghèo, đói. Vậy mà tui nhớ có người quen với Mạ tui ở trên gần chợ Tây Lộc, hay xuống mượn gạo, mượn lít dầu hoả, mượn cả mấy bó củi nữa. Tui không ưa, cái mặt tui nhăn nhăn.  Bà nói “Thương người như thể thương thân, thấy ai khổ thì giúp sẽ được phước về sau.” Tui không hiểu. Mượn mà có trả mô nà!

 

Còn như hàng xóm láng giềng thì Bà rất quý. Bà nói, “Bán anh em xa mua láng giềng gần, tối lửa tắt đèn có nhau.”

 

Tui mà bước chân ra khỏi nhà, thì thế nào bà cũng dặn vói theo “Ra đường một sự nhịn, chín sự lành nghe con.” Tui không tin, ai mà dại rứa? Nói như Mạ thì cả đời bị người ta ăn hiếp thì có a!

Nghe kể chuyện người ta bị bạn phản, thì bà phán ngay “Sông sâu dễ dò, lòng người khó đoán.”

 

Những ngày Tết, bánh Thuẫn làm không kịp bán, người ta phải chờ để lấy bánh, chẳng bù với nhiều ngày bánh ế, không ai mua, thì bà nói “Đắt quế, ế rơm.”

 

Gặp người hay than vãn, Bà góp ý mà họ không nghe, Bà chép miệng:

“Cây cao bóng mát không ngồi,

 Lại ngồi trữa nắng, trách trời không dim.”

Tui cười, “Người mô mà điên rứa,”

Bà la “Không được hỗn!”

Tui ngoa ngoạnh “Chơ răng nữa, Khó hiểu quá!”

 

Mạ tui nhỏ con (Bà thấp hơn tui) nhưng Ba tui thuộc cỡ người to cao, đi đứng vụng về, “Người răng vác cái lẽ săng rứa.”

 

Có một thời gian tui làm thợ may, mỗi lần có khách là con nít Bà dặn lui dặn tới, “Trẻ may ra, già may vô”. Tui hỏi Bà, “Vì răng nói “Ra đường hỏi người già, về nhà hỏi con nít.” Bà cười “Vì con trẽ không biết nói láo."

 

Đối với đàn ông có tính trăng hoa, có tính “thoè què thoẹt quẹt,” ưa "lèo thèo” Bà hát:

“Một vợ thì nằm giường lèo,

Hai vợ nằm chèo queo,

Ba vợ ra chuồng heo mà nằm.”

 

Thấy tui thích làm việc cho lớp, Bà nói “Ăn cơm nhà; vác lá ngà cho quan,” hay “Việc nhà thì nhác, việc làng nác thì siêng."

 

Mạ tui lớn lên ở cái thời “Trọng nam khinh nữ,” đàn bà không biết chi ngoài việc nội trợ,

"Phận làm trai nam nhi chi chí.

Thân đàn bà thủ ý nội gia.

Để mắt xem trách mắm thẩu dưa.

Cái mô hết thì chùi rửa.

Cái mô lưa thì đậy đằn!”

 

Mỗi lần giúp Mạ tui nấu ăn, tui cứ dòm “chằm hăm” nơi cái nồi đang nấu, không làm chi thêm. Bà mới bày, “Phải biết tính toán giờ giấc, trong khi đang nấu nước luộc rau, thì xoay qua ướp cá để kho cho thấm, ‘Nồi cơm duống xuống, nồi chè bắt lên.”

 

Thấy tính tui mau chán, làm việc chi một thời gian ngắn là bỏ, Bà than “Nhiều nghề, cá trê húp nác.”

Tui thêm cái tật lanh chanh, nhiều khi nghe ai nói không nghe cho hết câu, nên hiểu sai, làm sai, bị la hoài. Đó là vì “Bên nói xay ló, bên nghe chó chết.”

 

Nghe ai khen mình đẹp, Mạ tui cười khiêm nhường; “Cái nết đánh chết cái đẹp, với lại. Người đẹp nhờ lụa, lúa tốt nhờ phân.” Lúc xui xẻo, buôn bán thua lỗ Bà hay nói câu “Tí hư, Sửu hao, Dần bất lợi," nhưng chắc chắn "Sông có khúc, người có lúc.”

 

Có lần tui hỏi Bà, vì răng người ta nói, “Vợ chồng là ruột là rà, anh em thì có cửa nhà anh em,” nhưng tui cũng nghe thêm câu, "Anh em là ruột là rà, vợ chồng như áo cởi ra tức thì.”  Bà nói, “Mỗi người một hoàn cảnh, tuỳ theo đó mà xử trí, không thể cứng nhắc được.”

 

Khi tui lớn lên, Ba tui đi làm xa, nên suốt ngày chỉ thấy… Mạ. Mỗi khi mấy anh em cãi nhau, Mạ tui nói,

“Ra đường chị ngã em nâng,” chơ không phải “Đến khi em ngã chị bâng miệng cười,” thiên hạ cười cho.

 

Tuổi nhỏ thường ao ước cái này cái nọ, thì Mạ tui nói: "Con nhà lính, tính nhà quan.” Ba tui chỉ biết đi làm, hàng tháng cầm lương về thôi, Mạ tui là người lo lắng chi tiêu, để con cái không bị thiếu trước hụt sau, "Làm phúc quá tay, ăn mày không kịp.”

Đi chợ thì “Nhiều tiền mua thịt, ít tiền mua xương.” Chứ đừng có  “Đàn bà đi chợ, để nợ cho đàn ông.”

Mạ tui không thích khoe khoang, lâu lâu có bộ đồ mới, Bà cũng sợ người ta “quở,” vì "Cả đời không thấy của, mặc quần lụa chó sủa cả đêm.”

 

Mạ tui tuy là Phật tử, nhưng do bận rộn con cái, mua bán nên Bà ít khi có giờ đi chùa, tuy vậy lòng tin thì không hề thiếu đâu nhé. "Có thờ có thiêng, có kiêng có lành,” hay "Hữu sự thì phải vái tứ phương.”

 

Nhà đông con, nên nhiều khi đứa này tưởng rằng đứa kia làm thay mình, hay ní nạnh nhau việc nhà, "Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa!” Đó là chưa kể trốn việc, làm biếng, Bà la, “Khi mô cũng chờ nước tới chân mới nhảy.” Vì răng "Cả ngày không lo, tắt mặt trời đổ ló vô xay?” Hồi xưa nhà chưa có tủ lạnh, thức ăn thường để trên bàn và đậy cái “lồng bàn,” Bà dặn "Chó treo mèo đậy.”

 

Ra đời đi làm việc, Bà dặn, làm chi phải cẩn thận, vì người ta "Nắm người có tóc, chớ ai bắt kẻ trọc đầu.”

Bà là người chung thuỷ, nặng tình nghĩa. “Đừng có mới rồi nới cũ."

 

Bà là người khôn ngoan, “đằm đẹ,” không nóng nảy như tui! Bà nói đừng vội vàng đánh giá ngừơi khác vì "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn," không ai dại cho mình khôn, "Hắn lú có chú hắn khun.”

Thấy ai hay lo những chuyện không đáng; vô ích, Bà la “Lo Voi chết không có hòm, lột đột không om nấu nước chè."

 

Nói về tình thân gia đình, Bà hát "Chết cha còn chú, chết mẹ bú dì.”

Bà khuyên “Muốn làm giàu phải có đào có kép,” vì "Ăn một mình thì tức, làm một mình thì bực.” Phải biết tiết kiệm, dè sẻn, “Nước chảy ào ào, không hao bằng lỗ mội." Bà tin sự giàu nghèo cũng một phần nhờ thừa hưởng, “Cha mẹ giàu thì con có, cha mẹ khó thì con không."

 

Đôi khi gặp người giảo quyệt, tráo trở, Bà chép miệng than:

"Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.

Miệng không vành méo mó tứ phương.”

Gặp những người “khôn lỏi” Bà không ưa, “Lăng xăng như thằng mới tới, trụn lượn như đứa lâu ngày." Bởi vậy mới có câu "Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần."

 

Thời Mạ tui lớn lên, phong kiến lắm, đến con cái trong nhà cũng phân biệt con trai với con gái mà đối xử (!)

“Con gái là con người ta, con dâu mới thiệt mẹ cha mua về.”

Trước khi bước chân đi lấy chồng, Bà dặn:

“Chồng ghét thì đi ra, mụ gia ghét đi vô.”

“Quen nhà Mạ, lạ nhà dôn,” ráng học hỏi để khỏi bị la mắng.

Làm vợ thì phải “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu.”

Phải một lòng một dạ với chồng,

"Đi mô cho thiếp đi cùng,

Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.

Lên non thiếp cũng lên theo,

Xuống thuyền thiếp cũng ngồi leo mạn thuyền."

 

Mấy đứa con trai, Bà lo bị ế vợ,

"Thứ nhất tốt mối, thứ nhì ngồi dai.” Vì "Đẹp trai không bằng chai mặt!”

Rồi khi thấy con đã ưng ý rồi, Bà thúc dục, "Cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ dèm pha,” lỡ có kẻ xấu, "Không lấy cũng khuấy cho hôi.”

Lấy nhau về rồi, Bà dặn lui dặn tới, “Thuận vợ thuận chồng, tát bể đông cũng cạn.” Phải yêu thương đùm bọc lẫn nhau:

"Râu tôm nấu với ruột bầu.

 Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen ngon."

 

 Anh em trong nhà, bà phân biệt mối quan hệ theo vai vế rõ ràng,

“Anh em trai như hai hòn dái.

 Chị em gái như trái cau huê.

 Anh em rể như ghế ba chân.

 Chị em dâu như bầu nước lạnh."

 

Mạ tui người Quảng Trị, nhưng lấy chồng Huế từ năm 18 tuổi, thành ra “đi mô cũng nhớ Huế."

"Đông ba, Gia hội hai cầu,

Ngó lên Diệu Đế bốn lầu hai chuông.”

"Núi Ngự Bình trước tròn sau méo.

Sông An Cựu nắng đục mưa trong.

Dẫu ai ăn ở hai lòng,

Em đây vẫn một dạ thủy chung với chàng.”

"Núi Truồi ai đắp mà cao

 Sông Dinh ai bới, ai đào mà sâu.”

 

Thĩnh thoảng, bà ngâm nga những câu thơ nghe buồn man mác:

 "Gió đưa bụi chuối sau hè.

 Anh theo vợ bé, bỏ bè con thơ.”

 

Hoặc những câu rất gần gũi như cây cải và rau răm. Tuy không có liên quan chi tới trứng vịt lộn hết trơn!

"Gió đưa cây cải về trời.

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay."

 

Mạ tui cũng như những người phụ nữ cùng thời, tuy không được học hành tới nơi tới chốn, nhưng với tình yêu thương, trí thông minh, sự đảm đang, đã giúp chồng, nuôi con nên người.

 

Xin cám ơn những người phụ nữ như Mạ tui, đã "trộn, xào, nấu" thơ ca, hò vè vào trong máu huyết, tâm khảm những đứa con của mình từ tháng ngày còn nằm trong nôi, qua giòng sữa Mẹ ngọt ngào và lời hát ru à ơi êm ái.

 

Để đến hôm nay, hơn nữa đời người, nhớ lại vẫn thấy thâm thuý vô cùng...

 

 

 Austin, Texas November 2016

 Minh Ng. Graves

 

 

 

 

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.