NHỮNG CHUYẾN TÀU ĐÊM

 

Mấy tuần nay tôi đang sống trong căn hộ của một building low-rise sáu tầng nằm trong khu vực Junction khá “hip” của thành phố Toronto. Tôi chưa bao giờ thích ở condo, tôi thích đầu đội trời chân đạp đất, vậy mà cái condo nầy đã chinh phục được tôi. Nó nằm ngay trên hai con phố chính Dundas và Keele. Đây là những con đường lớn từ hồi xa xưa, đã vang bóng một thời vì gần trục chính giao thông chuyên chở hàng hóa bằng đường sắt trên những con tàu chạy bằng hơi nước xuyên qua những tỉnh bang. Rồi một thời gian đường sắt bị lãng quên vì sự tiến bộ của ngành cơ giới, nhiều phương tiện khác cạnh tranh với cái đầu máy nặng nề, cồng kềnh và tốn kém.

 

Tôi vẫn hay thích ngồi trong cái phòng khách ấm áp, mặt tiền bao bọc toàn là kính nên khi nhìn ra tôi có thể thấy một không gian rộng lớn của một khu phố cổ đang được hồi sinh bởi những thế hệ trẻ từ khắp nơi trên thế giới, họ đến đây để xây dựng cuộc sống mới trên cái nền cũ của tiền nhân.

 

Một buổi chiều tuyết lạnh sau ngày Boxing Day, tôi đang ngồi nhìn những mái nhà cũ còn mang hình ảnh những ống khói của một thời xa xưa với làn khói trắng trong ánh lam chiều san sát nhấp nhô, trông tựa như những bức tranh trong những thiệp Gíang sinh mà hồi nhỏ tôi luôn mơ ước một ngày nào đó tôi có thể dẫm chân lên vùng tuyết trắng ấy. Ở đây còn có những building nhỏ lớn cao thấp khác nhau chen lẫn vào xóm nhà lá tạo nên một khung trời thú vị và bình an, như những khi máy bay hạ cánh xuống thành phố này, tôi thường nhìn xuống thầm bảo “Home, sweet home.”

Cách building tôi ở cỡ trăm mét là những con đường ray cũ ngày trước đã được sửa chữa để những con tàu đời mới băng qua. Những chuyến tàu mang theo hành khách hoặc hàng hóa xuôi ngược trên trục xéo trước mặt tôi. Vào những buổi sáng sớm mùa đông hầu như cả thành phố đều chìm trong bầu trời u ám của những ngày đông giá, tuyết rơi giăng phủ trên những mái nhà trắng xóa nằm im lìm bất động, nhìn ra tôi chỉ thấy những chuyến tàu là chuyển động, những toa tàu chở hàng hóa đủ màu sắc và những chuyến tàu GO chở hành khách màu xanh tươi sáng qua lại cả hàng chục lần trong một ngày đem lại sự chú ý của tôi.

 

Bây giờ là tháng cuối năm, đường phố vắng lặng, không những vì Covid mà do thời tiết lạnh nên ít ai muốn ra đường. Tôi ngồi nhìn toàn bộ khu phố phủ lên những mảng tuyết trắng trên mái nhà như một thành phố chết, nhưng bên trong những căn nhà và những căn hộ ấy vẫn tiếp diễn sự sống của những người dân ở đây, già trẻ, mới cũ, đơn độc hay hay sum vầy, họ ngồi bên lò sưởi hay quanh cái bàn ăn để hưởng thụ những ngày nghỉ thiêng liêng cuối năm, ngày của Santa xuống trần thăm trẻ, ngày của người lớn cởi bỏ những ưu tư của năm cũ để mang hy vọng tốt đẹp hơn cho năm mới.

 

Tôi tự hỏi cái gì làm tôi ngắm mãi khung trời ấy? Khu phố cổ nhìn hoài cũng chán, những ngày nắng ấm nhìn ra đường còn thấy sự sinh động chớ những ngày giá lạnh thì chỉ nghe tiếng còi hụ của những xe cứu thương và cứu hỏa inh tai. Khi nhìn xuống con đường trước mặt, tôi thấy những người vất vưởng đi lại, thường họ là những phụ nữ tạm trú trong building đối diện dành cho những phụ nữ bị ngược đãi khắp nơi trong tỉnh, họ có thể bị một loại bệnh tâm thần nào đó mà người nhà chẳng hiểu nên đối xử với họ tàn tệ; tôi biết được điều này nhờ những năm tháng đi làm nurse. Rồi tôi tự trả lời, đó là những chuyến tàu mang lại sự sinh động duy nhất trong khung trời tôi đang sống, nhất là về đêm khi cả khu phố chỉ là những đốm đèn màu lấp lánh gần xa cao thấp, tôi chỉ còn thấy những chuyến tàu len lỏi vào thành phố một cách chậm chạp như những con rùa nối đuôi nhau bò đi, chúng âm thầm ẩn hiện trong màn đêm mang theo bao nhiêu điều thú vị trong trí tưởng tượng và ký ức của tôi, vì tôi đã lớn lên trong xóm ga và những chuyến tàu ở VN.

 

Tôi chợt nhớ tới những bài hát bolero não nùng mà hồi nhỏ tôi nghe như nằm lòng như “chuyến tàu hoàng hôn” “tàu xưa năm cũ” “chuyến đi về sáng”… Những chuyến tàu với những tiếng còi hụ quen thuộc chuyên chở tâm sự buồn vui của những người lính chiến bỏ người yêu ở lại để lên đường ra trận, của những người con vẫy tay tạm biệt cha mẹ già ở quê nhà để vào nam lập nghiệp, và những chuyến tàu mang người lữ khách phương xa về đoàn tụ với gia đình.…

 

Những chuyến tàu sau năm bảy lăm thì có nhiều toa chuyên chở hành khách chung với hàng hóa, và bầy gia súc kêu la inh ỏi. Trong những con buôn đường dài đó có những phụ nữ chân yếu tay mềm ngày trước nay cũng xông xáo gồng gánh, xách đeo vai mua bán hàng nội địa để nuôi chồng cải tạo và bầy con nheo nhóc ở nhà. Tôi có dịp ngồi vào những toa tàu ấy từ Hà Nội vào Đà Nẵng nên có nhiều thì giờ để hiểu. Sau vài tiếng đồng hồ ngồi trong khoang tàu ngột ngạt đó tôi bắt đầu thấy mệt mỏi, đến mỗi trạm ngừng là người ta gồng gánh chen chúc bước lên toa, càng lúc càng đông. Đến ga Liên Chiểu thì tôi đã lả người vì vừa đói vừa ngột ngạt, tôi còn nhớ con tàu ngừng lại ở đây khá lâu để hành khách xuống ga ăn uống, người bạn đi cùng may mắn mua được những tô cháo gà nho nhỏ như thuốc tiên, húp vào mấy muỗng là tôi đã tỉnh táo trở lại.

 

Trong những ngày cuối năm tôi vẫn bận bịu với chợ búa, nấu nướng, giặt giũ, giấy tờ, và còn tập thể dục nữa, … lớn tuổi làm gì cũng hơi chậm nên mấy việc lặt vặt ấy làm tiêu hao hết thời gian của tôi, chỉ khi đêm đến tôi mới có thì giờ rảnh rỗi ngồi lặng nhìn bầu trời không trăng sao ấy để nghĩ vẩn vơ. Hằng đêm không biết bao nhiêu chuyến tàu chở hàng đến và đi từ những vùng cảng ở phía Đông và phía Tây để cung cấp nhu cầu vật chất cho dân thành phố. Kìa một chuyến tàu chở hàng băng qua trước mặt khi tôi đang ngồi thả hồn vào cái laptop cổ lổ xỉ, chuyến tàu dài gần cả trăm toa và những thùng tròn đựng chất lỏng màu đen, chúng lù lù di chuyển trên nền đen của bóng đêm như những chuyến tàu ma.

 

Vào tháng nầy thì hàng hóa đổ vào thành phố không ngừng nghỉ, vì là lúc người dân mua sắm nhiều nhất trong năm. Những đồng tiền quá dễ dàng từ những những con chuột nhấp khiến người trẻ mua sắm thoải mái, không cần cũng mua cho vui, để khỏa lấp những khoảng trống trong tâm hồn, và để tiêu tán thời gian nhàm chán,… nhiều chị hay rơi vào cái bẫy “on sale” mà quên rằng tiền nào của đó, nhất là trong mùa Covid người ta không tốn nhiều tiền ăn ở nhà hàng, không party se sua với bạn bè như trước nên cứ ở nhà tha hồ mà order thức ăn và mua sắm on line để giải khuây… Mấy bà bạn tôi hay than thở con gái họ thuộc loại có lương cao nhưng chẳng dành dụm được đồng nào vì cứ mãi ngồi shop, mỗi ngày bước vào nhà là bao nhiêu gói hàng nằm ở cửa, hèn gì Amazone trở nên giàu có nhanh chóng. Trong nhà bếp của bà Liên thì đủ thứ máy, nào là máy xay, máy gọt, máy nghiền, máy cắt, máy đánh…, nồi thì có nồi nấu, nồi hấp, nồi hơi, nồi chiên, nồi lẩu… chất đầy cả cái bếp khá lớn, mỗi lần con gái bà nấu ăn là bà phải dọn dẹp hết hơi, tốn thêm điện nước và xà phòng, chẳng bằng ngày trước bà chỉ cần cái dao, cái thớt và mấy cái nồi cũ mà bà đã dọn lên mâm cơm ngon lành.

 

Một tuyến đường sắt khác chuyên chở hành khách từ các thành phố phụ cận và phi trường Pearson đến ga tâm điểm Union. Tuyến đường này dừng lại trên sân ga Bloor sau lưng nhà tôi và chắc chắn là chúng khác hẳn với những chuyến tàu ngày xưa. Ngày nay người ta vội vã hơn, khô khan hơn, người ta ăn mặc đẹp và có nhiều va li lớn. Tôi thường đi bộ trên con đường mòn dọc theo đường rail đổ về trung tâm thành phố của những chuyến tàu GO, UP, và VIA; sân ga không đông đúc và tấp nập lắm vì không phải là ga chính, hành khách thường mang theo đầu óc làm ăn của những di dân lập nghiệp hơn là cảm xúc buồn vui như trong những chuyến tàu ở VN hồi tôi còn thơ ấu. Người đi không có người đưa, người về cũng không có người đón, không nước mắt, không drama, không những mảnh đời nghèo khổ ăn xin, không đám trẻ con rách rưới mua bán trên tàu… Những tương phản đó làm đầu óc tôi càng kéo căng ra để sống với quá khứ và hiện tại, giữa những thế giới huy hoàng và đen tối. Tôi còn nhớ chuyện con bé Mỹ lai tên Huê, mẹ nó mất sớm, mười hai tuổi nó đã tự bươn chải kiếm sống, nhảy lên nhảy xuống tàu như người nhện. Một ngày nọ nó nhảy xuống tàu để trốn vé rồi nó bu lên lại ở toa khác khi tàu đang chạy giữa đồng không, nó bị truột tay nhào xuống và tàu cán lên người nó chết ngay. Người ta kéo nó sang một bên chờ thân nhân tới nhận nhưng chẳng có ai ngoài con Tý hay đi về với nó. Con Tý rủ mấy đứa trẻ bụi đời bỏ một ngày trời để đào cái hố bên cạnh, kéo xác nó xuống chôn cất, rồi thắp lên những nén hương. Nghe nói sau nầy hồn con Huê làm con ma xó theo giúp con Tý làm thầy bói nói trúng nhiều chuyện nên có nhiều tiền thưởng. Nghe mà thương!

 

Những chuyến tàu đi đi lại lại cũng mang thân phận như những kiếp người rong đuổi trong cuộc sống, có khi đi trong nắng ấm, có lúc về giữa giá băng, khi thì lục đục âm thầm trong đêm tối, rồi có lúc tăng tốc băng qua những cánh đồng hoặc chậm chạp bò vào thành phố. Có những chuyến tàu dài cả trăm toa và có chuyến chỉ vài ba wagon. Những con tàu với những thùng hàng màu sắc sặc sỡ hay những thùng chất lỏng màu đen u tối, tất cả đều có công năng và công dụng riêng, không có chuyến nào thừa thải ngay cả những chuyến tàu đi không. Những con tàu chở hàng lặng lẽ như những người công nhân âm thầm làm ra sản phẩm cung cấp cho xã hội, họ cần cù cho ra những loại hàng hóa từ những giọt mồ hôi, họ thường hưởng ít lợi và lại càng ít danh. Có lần tôi đọc được sau chiếc xe van với một biển ngữ: “Farmers feed city.” Tôi mới hiểu có người đang cay cú với sự xa hoa phung phí ở thành phố. Có những chiếc tàu may mắn đi về không vì hàng đi một chiều, thì cũng có những người không làm gì cả mà được tính công, có khi còn nhiều gấp bội nhờ mánh mung.

 

Những con tàu hành khách thường mang theo những nỗi vui buồn của cuộc đời và những đầu óc tính toán lanh lẹ của dân làm ăn, nó còn mang theo những người đủng đỉnh tiền bạc đi du sơn du thủy, cuối cùng rồi thân phận của những con tàu cũng như những người giàu sang hay nghèo khổ cùng đổ về chung một bến của kiếp người. Những con tàu chở hàng dù cho thể loại nào rồi chỉ làm một công việc bốc hàng lên, chạy, dỡ hàng xuống, chỉ đơn thuần là vật chất cho đến khi bị hư hỏng. Rốt cuộc qua một chu kỳ bảy tám chục năm những con tàu được tái chế trở lại thành những đống sắt vụn cũng như thân xác con người thì thành những đám tro tàn, còn lại chăng là tên tuổi của một thời.

 

Ngày nay con người quá thông minh, họ làm ra nhiều hàng hóa đến nỗi xài không hết, đem vung vãi hoang phí như cái thành phố tôi đang ở là một trong những nơi xả rác nhiều nhất thế giới. Quá nhiều vật chất  làm con người thêm bận bịu, họ phải mất bao nhiêu thời gian để chọn lựa ngay cả khi chỉ mua một thứ bình thường như cái thùng để đựng rác, nó còn làm cho con người thêm lười biếng chỉ muốn ngồi một chỗ để bấm nút, rồi khi tăng cân, họ vội vã vào on line để mua máy chạy, máy đạp, máy đi… mà có khi chẳng dùng đến, cứ theo cái vòng lẩn quẩn của vật chất phục vụ con người, con người sản sinh ra vật chất. Vật chất thừa thãi có gây khổ không? Vật chất thiếu thốn gây khổ thì tôi biết. Tốt nhất là vừa phải và biết đủ là đủ, để tiền làm việc khác to lớn và ý nghĩa hơn, tôi thầm nghĩ. Không những vậy mà sản phẩm càng ngày càng không lâu bền, có những loại hàng hóa có mẫu mã đẹp đẽ nhưng chóng hư hỏng để người ta mua sắm lại nhiều lần hơn. Vậy mới biết bản năng đục khoét của con người không ngừng nghỉ, và xét cho cùng trong những xã hội nặng về vật chất thì thứ họ quan tâm nhiều nhất là sản phẩm và tiền, dù có nhiều sản phẩm dổm và những đồng tiền dơ.

 

Trong thời hiện đại có bao nhiêu thứ tàu, tàu bay, tàu thủy, tàu lặn, tàu ngầm,… trên trời, dưới nước, đất liền đều có những phương tiện đi lại tối tân. Càng ngày những con tàu càng tân tiến ra khỏi sức tưởng tượng của tôi. Những con tàu ở Trung đông, Trung quốc, ở các nước châu Á, châu Âu,… chạy cả mấy trăm cây số một giờ, gần như tốc độ của máy bay, một người ở cách chỗ làm việc cả ngàn cây số vẫn có thể đi về mỗi ngày. Con người luôn tranh thủ thời gian để sản xuất và phân phối hàng hóa, càng nhiều càng thêm lợi lộc, đến khi trái đất cạn kiệt thì họ tìm cách leo lên sao Hỏa sao Mộc mà tung hoành với những con tàu vũ trụ.

 

Đã lâu lắm rồi tôi không có cơ hội ngồi trong đêm tối để ngắm nhìn toàn cảnh cuả một khu phố bất đông giữa sự chuyển động của những chuyến tàu. Tôi thuê căn hộ này để tạm trú trong thời gian căn nhà tôi phải sửa chữa toàn bộ, và đây cũng là cơ hội cho tôi có những ngày tháng sống tĩnh lặng, ngắm nhìn sự chuyển động và đổi thay của cuộc sống thành phố và người dân qua những chuyến tàu đêm.

 

Lê Cẩm Tú 

         


Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.