ÓC VÀ CHÂN TAY

 

Đang lái xe bỗng tôi nghe news từ radio là có thêm một sinh viên ở U of T nhảy lầu tự tử trong cùng một building. Hình như tôi đã nghe tin này tới lần thứ ba trong cỡ hai năm nay, trong lòng tôi đã hiểu được những áp lực dồn lên những người trẻ đó để đưa họ đến con đường cùng. Vừa lái tôi vừa nghĩ ngợi lung tung suýt nữa vượt anh công nhân làm đường đang cầm cái bảng stop. Trước mặt tôi là những công nhân mặc áo vest màu gạch đang khoan mặt đường để sửa chữa hệ thống cống rãnh bên dưới. Ngoài trời khá lạnh mặc dầu chưa sang đông, người trai trẻ cố đè cái máy khoan lớn chạy rùng rùng rất mạnh một cách cực nhọc, vì vậy nên cha mẹ nào cũng muốn con đi học để kiếm cái nghề ngồi bàn giấy cho đỡ cực thân. Lao động chân tay và trí óc cái nào cũng cực thật, chọn cái nào đây? Có những người sinh ra đã biết phải lao động gì vì họ có cái đầu thông minh vượt bực so với những cơ bắp yếu đuối, hoặc có những người thể lực mạnh mẽ, nhưng đầu óc có phần chậm chạp hơn. Còn những người khác thì sao?

 

Mới đây vài ba tuần tôi có gặp một chị quen người Việt trong nhà thuốc tây, chị biết tôi đã làm việc trong ngành y tế hồi trước nên chị bắt chuyện nói với tôi về việc thâu nhận sinh viên vào ĐHYK. Chị bảo ĐHYK ở đây sao người ta làm khó quá, con trai chị đã cố gắng vào ngành nầy ở U of T hai năm liền nhưng không được, mấy năm lại đây nó đang cố gắng vào bất cứ trường ĐHYK nào ở Canada nhưng cũng chưa được, chị phải đóng cửa business, mang giường chỏng làm tiểu đồng cho con, nấu nướng, giặt giũ cho nó để nó có thêm thì giờ học hành. Nhiều lần con chị xin chị chuyển qua ngành khác nhưng chị không chịu. Chị bảo mình phải cố gắng hơn nữa và kiên tâm thì sẽ thành công. Chị nói chị đã đầu tư quá nhiều cho con nên chị không thể để con chị bỏ cuộc, chậm bao nhiêu cũng được miễn là con chị phải trở thành một bác sĩ.

 

Tôi cảm thấy ngạc nhiên, thời buổi này cũng còn có những “toxic parents”, dùng con mình để đầu tư cho lợi và danh của mình. Họ có hiểu gì về con họ và thật sự thương yêu chúng không?

Tôi đứng yên nhìn chị chẳng dám nói gì. Chị tiếp tục than thở: “Đã năm năm rồi, tôi bỏ ra cả mấy trăm ngàn cho con tôi đi học để vào ĐHYK, chưa kể công sức tôi theo nó mấy năm nay thì làm sao mẹ con tôi có thể bỏ đi.” Chị nhìn tôi như muốn tôi nói một comment nào đó.

 

Tôi bảo: “Cái gì đúng của mình thì không đến nỗi khó như vậy đâu chị. Có thể con chị nói đúng, nó muốn chuyển qua một ngành khác.” Nói xong tôi phải lùi một bước vì sợ nước bọt phun vào mặt.

 

Chị hơi bực bội cương quyết bảo: “Tôi sẽ không bao giờ để con tôi lùi bước dễ dàng vậy đâu, và tôi sẽ theo nó cho đến lúc nó đạt được ý nguyện của tôi.” Tôi định im luôn, lấy thuốc rồi về, nhưng sẵn cái máu tào lao tôi bèn nói cái gì đó để chị có thể suy nghĩ lại. Tôi bảo, “Nếu tôi là chị thì thà tôi chỉ mất tiền chớ tôi không để mất cả tiền lẫn con.” Chị trợn mắt nhìn tôi, tôi phải chào chị đi ngay vì ông dược sĩ đang gọi tôi đến lấy thuốc.

 

Lúc về tôi vẫn còn vẩn vơ nghĩ tới dư âm của câu chuyện ban nãy. Làm bác sĩ cứu người thì phải có cái óc trội hẳn hơn người, không những vậy mà còn phải có một thể lực dẻo dai, có cái gan can đảm, biết ăn biết nói và hơn hết, là một đạo đức nghiêm túc, một lý tưởng cao quý, … như vậy mới có thể vui vẻ hành nghề cho tới tuổi hưu.

 

Người ta thường gọi bác sĩ mát tay là vậy. Ít nhất người sinh viên phải có mấy điểm chính trội hẳn mới cạnh tranh với những sinh viên khác để lọt vào trường làm thầy thuốc, chứ một cái óc không đâu ăn nhằm gì. Hồi còn ở VN sau năm bảy lăm, tôi thấy mấy người lãnh đạo khoa phòng, từ bộ đội, công nhân, nông dân có công với cách mạng được nâng cấp trình độ qua chuyên tu, trình độ chuyên môn của họ rất yếu kém, có giải thích cho họ cũng tốn nhiều thời giờ mà chưa chắc họ đã hiểu được. Nhiều lúc thấy chán, người không có óc lên làm lãnh đạo, người có óc xuống làm thuộc hạ. Những ai đã làm việc trong tình huống này sẽ hiểu được sự bức xúc như thế nào. Không có óc thì phải có hạt giống của óc để nẩy mầm khi có điều kiện chứ không có hạt giống thì có tưới tẩm bao nhiêu cũng không lên mầm được.

 

Nghĩ tới điều này làm tôi nhớ lại bài học thuộc lòng hồi lớp ba mà tôi vẫn còn nhớ tới bây giờ. Bài “Óc và chân tay” ở cái thời óc còn quan liêu.

 

Óc ngồi điều khiển trên cao

Chân tay làm việc suốt ngày chẳng ngơi,

Một hôm tay bàn với chân

Chúng ta cực khổ phải cần đấu tranh

Tội chi để óc sai mình,

Cần chi đến óc, việc mình, mình lo

Thế là hai chú tự do

Chân đi bừa bãi tay quờ lung tung,

Chân vấp ngã, tay khuỵu sưng

Lại gây đổ vỡ tứ tung trong nhà…

 

Tôi thấy sao giống tình trạng ở VN sau năm bảy lăm vậy? Chân tay lên nắm quyền, óc làm bộ hạ. Điều quan trọng nữa là những người thiếu óc thì hay tự hào cho mình là trung tâm của vũ trụ, cái gì cũng biết, vì đầu óc họ chỉ thấy, chỉ hiểu được chừng đó, họ không thể nghĩ xa hơn và không thấy xa hơn được. Mấy năm trước có lúc một ngày tôi nhận tới vài chục email của một người quen, ngày nào cũng vậy, làm tôi mất công xóa bỏ. Tôi gọi người gởi bảo tôi không muốn bà gởi cho tôi nữa, tôi không có thì giờ đọc. Bà bảo những bài viết đó rất bổ ích cho tôi, bà sợ tôi không biết tra cứu chỗ nào nên gởi đến cho tôi dễ đọc. Tôi hỏi điều gì làm bà nghĩ là bà có khả năng tra cứu mà tôi thì không. Ngày nay, các bác Google, bác Youtube, bác Wikipedia… luôn sẵn lòng giúp ta tìm mọi thứ ta cần biết trong tích tắc, chỉ gõ mấy chữ là mấy bác đã hiểu ta muốn gì, đưa ngay cho ta một loạt để ta muốn coi gì thì coi. Tôi có thể hỏi các bác bằng tiếng Việt, tiếng Anh, hoặc bất cứ một ngôn ngữ nào. Bà lửng thửng trả lời: “À, bà cũng biết à”. Nghe mà buồn, đành phải nói bye và bấm end cho xong. Bà nầy không biết người, biết ta, tự tôn quá cỡ, hay có vấn đề tâm lý gì đây? Ngày xưa có những mọt sách thì ngày nay cũng không thiếu gì mọt computer và cứ tưởng mình thông thái hơn thiên hạ.

 

Trí thức hay nói nôm na là công việc của óc ngày nay ở mức độ cao hơn nhiều, trí thức không chỉ là kiến thức, không phải mặc suit tay xách suitcase, không phải là một cái ghế chức vụ trong văn phòng máy lạnh gõ computer, cũng không phải là tấm bằng đại học treo trên tường, mà trí thức nằm ở mức độ sâu hơn nhiều. Thiên hạ đánh giá những người trí thức thật sự rất nhanh. Trí thức là sáng tạo, là cái nhìn tầm xa, thấy rộng, là sự kết nối rất nhanh và phức tạp của các mạng neuron trong não để học một là biết mười, biết trăm, biết ngàn. Trí thức là đạo đức không làm bậy, không lấy nhầm cái gì không thuộc về mình, là kiềm chế được cảm xúc không chửi bậy, đánh bậy, là hiểu biết tâm trạng của người khác, là những quyết định đúng đắn, những phán xét chính xác, là những tâm hồn nghệ sĩ, là sự xông xáo cùng mọi người trong công việc, là biết cách ứng dụng những điều học hỏi vào cuộc sống, là người biết nghĩ và làm cho tha nhân… Bởi vậy mấy ông lớn bên này đi đâu cũng kèm theo phu nhân để thiên hạ nhìn phu nhân thì biết ông có biết lo cho người khác không, không lo cho vợ vui thì làm sao lo cho ai vui được. Ông Tập Cận Bình cũng học hỏi điều này, tôi thấy khi tiếp đón tổng thống Trump và phu nhân, vợ của ông này ăn mặc rất đẹp, miệng luôn mỉm cười và đôi lúc nắm tay chồng tỏ vẻ hân hoan, không biết bà có được học tuồng trước không, vì văn hóa ngàn đời của TQ đâu có chuyện nầy.

 

Trí thức cũng là những người có năng khiếu lãnh đạo, khi họ nói thì có nhiều người nghe, ít người chống, vì họ có cái trí sáng và cái tâm lành nên những lời họ tuôn ra đều lấy được lòng người, chứ như tôi đây thì làm phó thường dân cho khỏe, leo lên bục nói chẳng ai thèm nghe, nhìn xuống thấy mọi người ngáp dài, ngáp ngắn rồi xoay qua nói chuyện với nhau. Trong những buổi họp hành tôi thích ngồi ở xóm nhà lá để “quậy”, để tranh luận với người trên bục và người chung quanh cũng vui chớ đâu cần phải làm phó chủ tịch mới vui. Một điều tôi biết được là cái gì không phải của mình thì vắt xác ra mới làm được mà không vui. Thôi thì trời sinh mình có khả năng gì thì mình cứ làm việc đó cho dễ mà vui, tội gì bơi ngược dòng cho khổ. Khổ một cái là máu tham, tham gái đẹp trai tơ, tham tiền, tham chức nên cứ mãi bơi ngược với chính mình, tay chân làm việc của óc nên không nên cơm, nên cháo gì cả, làm những người thuộc hạ càng khổ thêm.

 

Ngày nay lao động chân tay cũng được nâng cao một bực vì những công việc nặng nhọc hầu như được thay thế bằng máy móc, công nhân chỉ cần biết bấm nút, và xử dụng computer. Tôi thấy những công nhân may mặc ngày trước phải cắt từng bộ áo quần bằng tay, giờ thì họ chỉ cần đưa kiểu mẫu và số đo vào computer, enter một cái là ra cả ngàn bộ chính xác không sai một ly, đó là một trong những lý do áo quần rẻ hơn trước. Những công nhân, viên chức thì được trang bị thêm nhiều kỹ năng như cách ăn nói, cách ứng xử, cách đối xử với người chung quanh hoặc khách hàng, cách tính toán hoạch định, cách xử dụng máy móc kỹ thuật cao, an toàn trong lao động…Trong thời buổi đầy cạnh tranh, nhân viên bán hàng phải biết cách chiều khách, biết ăn nói nhỏ nhẹ, có tư cách đàng hoàng, chứ ăn nói cục hòn là bị chủ cho nghỉ việc.

 

Ở xứ Bắc Mỹ hay nói chung trên thế giới hiện nay, mọi người chỉ nể nang những người biết nói và biết làm, chứ nói suông là zero, vì thời đại này muốn biết gì cũng quá dễ, làm được mới khó. Muốn làm được thì tay chân phải cần óc, mà óc cũng phải cần tay chân, nghĩa là phải kết hợp cả hai một cách hài hòa trong một cá nhân, một tập thể, và ngay cả trong một quốc gia, chứ óc không còn ngồi chỉ tay năm ngón và tay chân cũng không phải luôn cúi đầu tuân phục vì óc có thể sai. Sai là vì tham, bắt tay chân làm theo óc suốt ngày không được nghỉ ngơi đầy đủ, lâu ngày đầu óc sinh lú, và tứ chi thì đau nhức.

 

Lâu rồi tôi có đọc một bài viết của một nhân sĩ trên tờ báo VN. Ông bảo: “Những người trẻ mới ra trường trong thời buổi nầy cô cậu nào biết thành lập business liền là giỏi, ai đi làm cho họ vài ba năm rồi mở business là trung bình, và ai đi làm công suốt đời cho họ là kém.” Tôi lấy làm lạ, giờ mới hiểu, thì ra bác nầy đã thấy được job market từ lâu.

 

Ở thành phố tôi ở, số người có bằng đại học rất đông, có thể tới ba chục phần trăm, nhiều sinh viên ra trường khó tìm việc làm, hoặc làm vài ba tháng thì bị lay off, chỉ có những người học giỏi, đúng ngành mới có được công việc ổn định và cha mẹ không phải nuôi, số còn lại thì làm thợ đụng, đụng đâu làm đó để sống qua ngày, hoặc ở nhà nghĩ cách mở công ty, may mắn thì thành công, không thì thất bại rồi cứ tiếp tục làm lại cái khác, cứ ăn ở dưới basement của cha mẹ thì tha hồ mà sáng tạo và đầu tư, thành lập đủ loại công ty. Mới đây trong cộng đồng người Việt có cô MC xinh xắn cũng mở công ty làm giày, những đôi giày bình thường nhưng được đính thêm một cái hoa hay một con thú bông nào đó lên trên mặt của giày trông rất lạ mắt, cũng được một ông trong “ Shark Tank” hỗ trợ đầu tư.

 

Có những người khác khi không có việc thì lại mải mê với computer, lâu ngày thành ghiền, có người quay video clips tung lên Youtube để kiếm sống hoặc mua bán on line. Có vốn liếng chút thì mở internet cafe, tiệm ăn, fashion clothes, interior design, đủ thứ design để phục vụ cho người có tiền và làm tiền từ họ, vì người có tiền thì hay thích những gì độc và lạ, nói chung là dùng sự sáng tạo của óc để kiếm tiền.

 

Vì vậy tôi phải chế lại bài học thuộc lòng năm xưa của tôi như sau:

Đôi tay mãi gõ key board

Óc ta làm việc suốt ngày chẳng nguôi,

Một hôm óc bàn với ta,

Tôi đây cực khổ phải cần đấu tranh

Tội chi để chúng sai mình

Cần chi đến chúng, việc mình mình lo

Thế là óc được tự do

Bao nhiêu sáng tạo, bấy nhiêu là tiền

Công ty thành lập ra liền

Vì ta đã biết làm người chủ nhân…

 

Một người bạn gần nhà kể tôi nghe chuyện của những người hàng xóm. Có hai gia đình nọ ở đối diện nhau, một bà mẹ cố gắng nuôi ba đứa con đi học thành bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ; những người con nầy rồi cũng lấy vợ lấy chồng trong nghề. Bà mẹ kia thì cho con mình học nghề, đứa thì làm HVAC, đứa làm điện lạnh , đứa làm delivery guy, mấy người nầy lấy vợ là những phụ nữ bình thường, làm nội trợ hoặc những công việc part time. Mỗi weekend bà mẹ kia cứ ngồi cạnh cửa sổ nhìn ra đường trông con đến thăm, nhưng hiếm hoi lắm mới có, mấy cô cậu bác sĩ, dược sĩ chỉ gọi hỏi thăm vài câu rồi thôi . Trong lúc gia đình đối điên nhà bà thì con cháu rủ về thăm mẹ đầy nhà, họ đem đủ loại thức ăn đến chung vui với nhau, khiến bà mẹ kia nhìn qua thích quá, bà bảo với bà láng giềng bên cạnh rằng: “Thấy mấy đứa nhỏ với đôi má hồng chạy tung tăng trước sân nhà họ mà thèm, ưa chạy qua ăn cắp một đứa về nuôi. Mấy đứa con tôi chẳng đứa nào chịu đẻ, chứ đẻ cho tôi một đứa cháu như vậy thì tôi trông nó cả ngày cũng không mệt.” Vậy là hai bà mẹ có hai niềm hạnh phúc khác nhau, một bà vui với tiền và danh, một bà vui với tình cảm con cháu. Bạn là bà mẹ nào, và nếu bạn được cả hai thì xin chúc mừng bạn, bạn đang hưởng được phúc lớn.

 

Đời không đơn giản, nhưng tôi phải làm mọi thứ đơn giản theo khả năng và hiểu biết của mình để tìm đến nguồn hạnh phúc đơn sơ. Ngoài niềm vui với con cháu thì ăn một tô bún bò thơm tho nóng sốt, thưởng thức một bản nhạc sống trên hè phố, tản bộ trong công viên gần nhà, hay chat với bạn tri ân tri kỷ là hạnh phúc của tôi.

Là một di dân từ một nước cộng sản đến một thành phố hoa lệ ở tuổi trung niên, tôi phải làm việc cật lực với cả tay chân và khối óc để xây dựng cuộc sống mới. Giờ đây ở tuổi hưu trí nhìn lại những gì mình đã làm, trúng trật ra sao tôi không biết nhưng đó là những gì tôi đã cố gắng hết mình thì cứ vui với những gì mình đang có trong tay. Đôi lúc chân tay và bộ óc của tôi kèn cựa cãi vã lung tung, ai làm nhiều, ai làm ít, khiến tôi phải la lên:

“Im đi! Tụi bay được sinh sống ở Canada là sướng quá rồi còn đòi gì nữa.”

 

 

Lê Cẩm Tú YKH-13

 

 

 

 

 

 

 


Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.