New Title

Copy / Paste content of new file in here...

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

 

Sợ

The only thing we have to fear is fear itself-FDR


Cuối tuần rồi, đại ca Vĩnh Chánh có nhờ mình viết một bài về Tết. Mình là một chuyên gia viết theo đơn đặt hàng nhưng gần đây mình bị mắc bệnh sợ nên không tập trung viết lách được. Cũng nhờ bị bệnh mà mình nghiên cứu và trở thành một “chiên da” về bệnh này. Hy vọng một năm mới bớt sợ hãi hơn cho mình và mọi người dân Việt.

Sợ hãi là bản năng tự vệ giúp các loại động vật và người tiền sử thoát khỏi những loài thú ăn thịt hay những nguy hiểm khác. Cảm giác sợ hãi không phải là bất thường hay là dấu hiệu của sự yếu đuối mà biết sợ là một chức năng bình thường của bộ não. Tuy nhiên đối với con người hiện đại ngày nay, đa phần nỗi sợ hãi là do trí tưởng tượng chứ ít khi là mối nguy hiểm thực sự cho bản thân. Các nhà khoa học cho rằng loài người là sinh vật sợ hãi nhất vì có thể tự tạo ra sự sợ hãi trong đầu của mình. Sự sợ hãi có thể được hiểu là nỗi lo sợ quá mức và kéo dài về những đối tượng, hay những tình huống, hoàn cảnh cụ thể nào đó, và nó trở thành nỗi ám ảnh, khiến người ta tìm cách né tránh những đối tượng, hoàn cảnh gây ra nỗi sợ hãi cho họ. Nhìn chung, sợ hãi được hình thành bởi sự phóng đại sự thật, bởi suy luận thiếu cơ sở về những thứ mà con người tiếp thu trong cuộc sống hàng ngày.

Image result for phobia

Sợ hãi một phần là do bản năng hay di truyền, một phần do tích luỹ kinh nghiệm từ cuộc sống, hoặc có thể do sang chấn tâm lý hay được dạy dỗ mà có. Người ta dùng 4F để nói đến phản ứng đối với sợ hãi? Freeze, fight, flight or fright. Freeze là cảm giác tê cứng chưa có suy nghĩ hay phản ứng gì trước tác nhân gây sợ hãi. Rồi mình sẽ chọn là đương đầu hay trốn chạy (fight or flight). Trốn chạy có thể là bỏ chạy hay trốn vào các cuộc vui, các chất ma túy... Khi nỗi sợ hãi quá mức, con người sẽ bị hoàn toàn hoảng loạn (fright), không có phản ứng tự vệ hay bỏ chạy. Nhiều người có thể thêm faint (ngất xỉu). Mình thấy phản ứng lý tưởng nhất là face and forward. Bác nào muốn thêm thì xin mời nhưng nhớ dùng chữ F.

Sự sợ hãi do trí tưởng tượng thường gây tê liệt mà không có hành động gì. Tuy nhiên, sự sợ hãi thật sự nhiều lúc giúp con người có những hành động quyết đoán để vượt qua nguy hiểm. Trong chiến tranh, khi không còn đường lùi mà chỉ còn đường chết thì đội quân sẽ trở nên hùng mạnh hơn bao giờ hết. Ngày nay sự sợ hãi chủ yếu là cảm giác hơn là những nguy hiểm thực thể, nhưng cơ thể con người vẫn không phân biệt được sợ hãi thật hay sợ hãi do tưởng tượng. Cảm giác sợ hãi làm tăng tiết các hormone như cortisol và adrenaline. Nếu tình trạng này kéo dài, không có biện pháp hóa giải thích ứng thì người bệnh dễ bị rơi vào trạng thái stress nặng. Các hormone này sẽ tàn phá các cơ quan trong cơ thể.

Sợ hãi thì có hàng trăm kiểu, khó mà đề cập hết được. Đa số con người ai cũng sợ bệnh tật, sợ già và nhất là sợ chết. Đàn ông sợ yếu, đàn bà sợ đàn ông… yếu. Đàn bà sợ già, đàn ông sợ đàn bà… già. Trẻ con sợ ma, người lớn sợ… người ta. Người da đen thường hay sợ các loài động vật nhiều hơn các chủng tộc khác, người da trắng sợ kim chích hay máu. Người Mỹ sợ khủng bố, người Nga sợ hàng tăng giá, người Hoa sợ sai nha, người Việt sợ nước… lạ.  

ảnh nỗi sợ,con người,sợ hãiNỗi sợ được nói nhiều nhất của đàn ông là sợ vợ. Dành trọn đời nghiên cứu về tâm lý, cha đẻ của nhà tâm lý học hiện đại Sigmund Freud vẫn thừa nhận không hiểu đàn bà muốn gì. Mình thì nghĩ đơn giản đàn bà chỉ muốn đàn ông phục tùng và làm nô lệ cho họ. Sợ vợ là một trong số ít những loại sợ không có hại mà còn có lợi:

Đàn ông sợ vợ mới ngoan
Không biết sợ vợ hoàn toàn là sai
Sợ vợ mới đáng mặt trai
Kính vợ mới có tương lai huy hoàng

Sợ vợ cũng có nhiều kiểu khác nhau. Hồi mới ra trường đi nhậu với đàn anh, mấy đứa choai choai mình thiếu đàn bà nên đây là chủ đề tụi mình ưa thích. Anh Quí đại ca của nhóm nói tụi bây còn sung nên hăng máu chứ anh bây giờ thấy vợ thức dậy nửa đêm thì sợ lắm, vợ đụng chạm cứ giả vờ ngủ. Mình đã đọc 100 loại sợ thông thường không thấy cái sợ này nên không biết nên gọi là gì. Các bác văn hay chữ tốt giúp đàn em gọi tên loại sợ này với.

goyaQui luật của tạo hóa là sinh lão bệnh tử nhưng mà ai cũng sợ chết (fear of death or thanatophobia). Đây là nỗi sợ hãi lớn nhất của con người. Thơ ca nhạc họa cũng nhắc nhiều đến cái chết. Những vần thơ ám ảnh về cái chết như:

Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh!

Run như run thần tử thấy long nhan

Run như run hơi thở chạm tơ vàng

(Ave Maria – Hàn Mặc Tử)

 

 

 

Saturn Devouring His Son - Francisco de Goya

 

Sợ lạ (fear of unknown or xenophobia) là sợ hãi những gì ngoài vùng an toàn của mình. Sợ thay đổi (fear of change or metathesiophobia) là sợ rằng mình không thể thích nghi với môi trường mới hay những nguy hiểm có thể chờ đợi mình, chỉ thích những gì quen thuộc trong vòng kiểm soát của mình. Một chú ngựa non đứng một mình trong một khu vườn nhỏ bao quanh bằng một hàng rào thấp bằng gỗ. Trông nó rất cô đơn với ánh mắt nhìn vào khoảng không vô định. Chỉ cần một bước nhảy là nó sẽ bước vào thế giới tự do rộng lớn phiêu lưu hấp dẫn hơn là những đống cỏ khô hàng ngày. Cái gì đã kìm chân chú ngựa non để bằng lòng với cuộc sống tẻ nhạt hàng ngày? Chú ngựa không dám thay đổi vì sợ những rủi ro ngoài kia mặc dù hàng ngày chú vẫn mơ được làm ngựa hoang trên đồng cỏ xanh vô tận. Đa phần chúng ta thà chọn một cuộc sống tẻ nhạt nhưng an toàn hơn là một cuộc sống thú vị nhưng nhiều thử thách. Mình biết đọc đến đây có bác sẽ chửi mình ngu vì nhiều bác đâu có sợ lạ mà còn thích nữa. Cái này gọi là thích của lạ.

Có người không những sợ cái lạ từ bên ngoài mà sợ mình lạ với mọi người xung quanh. Trừ một số ít thích khác người, đa số chúng ta muốn lẫn trong đám đông vì không muốn là đối tượng để người khác bàn tán hay ganh ghét. Cái này có thể bắt đầu từ cuộc sống bầy đàn ấm áp hay camouflage của một số loài vật. Khen hay chê cũng không dám tiên phong, phải nhìn qua ngó lại xem có ai như mình không? Dù có ý kiến khác với đám đông nhưng cũng sợ không dám nói ra. Ưa thích và lựa chọn giống như sự ưa thích và lựa chọn của mọi người để khỏi bị xem là “không giống ai”. Cái này người Việt mình bị hơi nhiều vì trải qua một chiều dài lịch sử trong đó cái khác biệt nhiều khi phải trả giá đắt.

Phobophobia (fear of fear). Những người bị chứng rối loạn lo âu (anxiety disorder) hay cơn hốt hoảng (panic attack) có nguy cơ cao mắc loại sợ này. Ám ảnh sợ này thường đi kèm với sợ bệnh tật (fear of illness or nosophobia) hay bệnh tưởng (hypochondria). Nosophobia là ám ảnh mình đang mắc một chứng bệnh cụ thể như ung thư hay tiểu đường, thường sinh viên y khoa những năm đầu có nguy cơ cao về ám ảnh này. Người bệnh tưởng thường rất chú trọng đến những thay đổi nhỏ trên cơ thể và cho rằng nguyên nhân là do một chứng bệnh nghiêm trọng nào đó rồi trở nên lo âu và ám ảnh về nó. Một người anh em của hai chứng bệnh này là cyberchondria do ảnh hưởng của thông tin về bệnh tật tràn ngập trên internet. Khi chúng ta chưa có đủ trình độ thì nhiều thông tin có thể làm mình tẩu hỏa nhập ma. Nhiều người đọc thông tin về các loại thức ăn rồi ăn gì, uống gì cũng sợ. Muối thì cao huyết áp, đường thì gây tiểu đường, thịt làm tăng cholesterol, rau quả ô nhiễm gây ung thư. Mình có anh bạn cùng sở ăn gì uống gì cũng sợ kiểu như thế. Cả sở đi ăn ông luôn hỏi mình thức ăn này đồ uống kia có hại không, ăn nhiều có sao không? thấy mình hút thuốc và uống bia rượu là ông sợ lắm, nói coi chừng bệnh tật chết sớm. Rồi mà chết thật mà người chết là ông. Ông chết do ung thư phổi khi mới ngoài 50 tuổi.

Sợ đủ thứ (pantophobia or fear of everything). Mụ vợ mình đích thị là sợ đủ thứ. Làm gì chơi gì cũng cho là nguy hiểm và chết người. Mỗi ngày mình nói với thằng con mình đếm xem mẹ nó nói bao nhiêu lần nguy hiểm và chết. Vừa rồi cả nhà đi chơi tuyết, mỗi người ngồi trong một cái như cái thúng trượt dốc tuyết. Mụ vợ mình nhìn người ngồi một mình cũng nói nguy hiểm quá, hai ba người trượt cùng nhau thì nói như thế là chết. Đi trên đường thấy xe chạy nhanh là mụ nói nguy hiểm quá, thấy xe dừng thì nói dễ bị thằng khác đụng chết, thấy mấy người cưỡi mô tô là bảo rằng trước sau cũng chết. Ghế bên này mình lái là ghế bên kia mụ cũng lái và đạp phanh như chơi trò điện tử. Mỗi lần mụ nói đến chết như vậy mình và thằng con đều đồng thanh: chết liền, chết liền. Nhiều lúc mình tức quá nói có cách không nguy hiểm là nằm trên giường thôi. Nhưng giường lại là nơi nguy hiểm vì đa phần con người ta chết ở trên giường? Mình bị đau bao tử đi nội soi thấy bị viêm và từ đó mụ không cho mình ăn ớt, buổi sáng uống nghệ và nhiều loại thuốc khác nữa. Mình theo chế độ đó mà ngày càng đau nhiều hơn. Một hôm mình tức quá đôi chén nghệ, vứt đống thuốc vào thùng rác rồi ăn ớt nhiều và uống bia. Mụ vợ nói bị mình nạt bảo rằng ăn rồi chết cũng được, sợ quá hóa đau, lấy độc trị độc. Thế mà từ đó hết đau thật. Chuyện này thật 100% đó các bác.

Thấy con gái người ta lớn lên thì mụ sợ dùm cha mẹ chúng, nói con người ta ngây thơ dễ bị mấy thằng làm có bầu quá. Mình có hai thằng con trai còn nhỏ ngày nào mụ cũng nói sợ lớn lên làm con gái người ta có bầu thì khổ. Thằng nhỏ mình về nhà nói chuyện tụi lớp nó không đứa nào thích bác Trâm vì thế này thế kia là mẹ nó cảnh báo rằng không được bàn tán chuyện Trâm trên lớp vì tụi ủng hộ bác Trâm có thể đánh đập mình. Thằng lớn nói chuyện bác Bin Đen với mình mụ cũng chận họng ngay vì sợ bị khủng bố làm thịt. Mình được tăng lương làm mụ bị mất ngủ mấy đêm không phải vì mừng mà sợ tăng nhiều có đứa ganh tị. Cả năm nay mụ nhắc mình đừng đòi sếp tăng lương nữa, tăng nhiều áp lực lắm.

Thế giới của mụ vợ mình là một thế giới trong trắng tinh khôi trong khi thế giới của mình là một đống hỗn tạp thượng vàng hạ cám. Gần đây mụ sợ mình hay nói tục và chửi thề. Một lần mình chửi đời là mụ nhìn xem thử có ai nghe không, mụ sợ công an qua đây bắt. Thường thì con người ta hay chửi thề ở tuổi mới lớn và đa phần hết chửi ở tuổi trưởng thành khi nhận thấy cái đó không hay. Mình chưa bao giờ nghe ba mình chửi thề hay nói tục. Gần đây một anh bạn mà hơn 30 năm mới gặp lại nói chuyện với vợ mình rằng anh thích chơi với mình vì mình ngày xưa làm lớp trưởng mà hiền lắm. Vợ mình nghe thế là tái mét mặt. Mình là trường hợp lạ, bắt đầu chửi thề nói tục khi tóc đã bạc. Mỗi lần mình gặp anh bạn này, vợ mình phải ngồi bên để “chọt” vì mình quên hay kèm thêm loại ngôn ngữ đường phố. Mình nói với vợ rằng mình là đứa ăn nói trong lành nhất ở Mỹ này. Khi mình đi volunteer ở các bệnh viện, nhiều bác sĩ nữ và sinh viên y khoa nữ chửi thề nói tục trong từng câu nói. Xem truyền hình Mỹ kênh nào cũng đầy rẫy những từ ngữ đó, mọi giới nói tục chửi bậy, nhất là chính trị gia. Những giới được cho là trí thức trong xã hội có vẻ sử dụng loại ngôn ngữ này còn sành hơn. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng chửi thề hay F-words làm giảm căng thẳng và là liệu pháp giảm đau hiệu quả.

Bệnh sợ béo (obesophobia/pocrescophobia or fear of gaining weight). Người mắc bệnh này dễ có xu hướng phát triển thành rối loạn ăn uống (eating disorders). Ám ảnh rằng mình béo rồi nhịn ăn (anorexia nervosa) hoặc ăn vào rồi nôn ra (bulimia nervosa), dùng thuốc và tập thể dục quá mức. Một trong những người nổi tiếng chết vì anorexia là Karen Carpenter của ban nhạc lừng danh một thuở.

Sợ người (fear of human or anthrophobia). Trong phần sợ các mối quan hệ quan hệ xã hội này, mình muốn nói đến một trường hợp cụ thể là sợ bạn (fear of peers) sau đây. Thằng Tấn nổi tiếng học giỏi hồi còn học cấp ba cùng với chị họ mình. Trong khi bạn bè đi xa hơn nhiều thì nó đứng tại chỗ. Gần 30 năm nó không học hành hay làm việc, không vợ con chỉ ở nhà với mẹ già. Bạn bè ở SG đa phần khá giả nhớ đến Tấn ngày xưa học giỏi mua vé máy bay mời nó vào chơi một tuần. Mẹ nó kể từ ngày về lại Huế, thằng Tấn như người mất hồn không thiết ăn uống, hỏi gì cũng không nói, cứ ngồi một chỗ lẩm bẩm một mình. Theo đứa con gần nửa thế kỷ, mẹ nó linh cảm điều chẳng lành. Mấy hôm trước ngày nó ra đi, bạn bè lớp cấp ba ở Huế hay gọi điện nói chuyện và đến nhà lấy số đo để may đồng phục chuẩn bị cho kỷ niệm 30 năm ngày tốt nghiệp. Mẹ thằng Tấn vui vì thấy nó có vẻ phấn khởi hơn nhiều. Không ngờ đó là khoảnh khắc lóe sáng cuối cùng trước khi tắt hẳn. Sáng ngày họp mặt lớp, thấy thằng Tấn ngủ dậy trễ hơn bình thường, mẹ nó vào phòng gọi nó thì ngã khụyu. Thằng Tấn đã quyết định ra đi vĩnh viễn. Hôm làm đám ma cho thằng Tấn, bạn bè lớp đến viếng thì hòm nó đứt dây néo. Hôm đưa thằng Tấn về với cát bụi lúc sáng tinh mơ, tụi bạn thân mến đến tiễn đưa thì néo đứt lần thứ hai. Mẹ nó phải lạy đám bạn rằng: “Tụi con có thương thằng Tấn thì đừng đến tiễn đưa nữa để nó an lòng ra đi.” Câu chuyện này mình nghe chị họ của mình kể vì trong đám bạn ăn nhậu với thằng Tấn ở SG, chị luôn có mặt. Không biết chị mình có quá lời không khi cho rằng chính đám bạn đã góp phần dẫn đến cái kết của thằng Tấn. Lúc ngồi nhậu đám bạn vô tình khuấy động ốc đảo vốn yên bình mấy chục năm của thằng Tấn.

Image result for anthrophobiaThằng thì khoe mới được phong tặng PGS. Đứa thì nói tuần trước đi ăn cưới con đại gia Bê, đứa thì xin lỗi ra ngoài nghe điện thoại rồi vào nói anh Thăng Bí Thư vừa gọi điện rủ mai đi nhậu. Thằng đi tuyên bố rằng bây giờ con cái phải cho đi Mỹ học và khoe hai đứa con học ở Mỹ. Nó còn nổ đích thân bác Trâm đánh xe gì đó thiệt dài đến tận nhà đón đứa con 12 tuổi đi ăn tối. Nói có sách mách có chứng, nó cho tụi bạn coi cái bằng khen có chữ ký của bác Trâm trong cái Iphone Tàu. Thằng thì khoe hình hôm trước mới đi du lịch Dubay với diễn viên Angela FT múp ơi là múp. Hình như đứa nào cũng nghĩ đây là cơ hội để tụi bạn biết về sự vĩ đại của mình không thì uổng công lắm, tàn cuộc nhậu mà tụi nó không sợ mình thì phí lắm. Thằng Tấn như người mới tỉnh mộng sau một giấc ngủ dài 30 năm, mọi sự quá choáng ngợp với đầu óc thiếu niên trong hình hài một gã trung niên. Nếu tỉnh táo hơn, thằng Tấn có thể vui vì mình có cái mà bạn bè không có. Đó là sự ung dung tự tại, không phải lo nghĩ gì. Nó không biết rằng anh Bê một ngày thất thế sẽ bị thui, anh Thăng nếu không bị giáng thì cũng… thăng thiên. Một ngày hết đô la thì Angela cũng bay xa.

Mình thì theo đường lối trung dung, không chỉ trích bạn bè hay hãnh diện khoe khoang về những gì mình có. Bỏ qua đạo đức giả, thì suy cho cùng đó cũng là mục đích sống của nhiều người trong chúng ta. Một trong những nhu cầu quan trọng của con người là được công nhận, được ngưỡng mộ, và làm đứa khác… khiếp sợ. Tuy nhiên nếu mục đích của các cuộc họp mặt chỉ chừng đó thôi thì đừng gặp nhau là hơn. Nhạt lắm! Cái này xin được gọi là hiếp dâm cảm xúc vì chỉ mỗi mình sướng thôi. Mình khuyến khích sự cân bằng, tức là đôi bên đều sướng. Mỗi khi gặp bạn bè cũ, câu chuyện mình nói đến nhiều nhất là nhắc đến những kỷ niệm xưa và hỏi han hoàn cảnh của mỗi người nhất là các bạn ít nói hay chưa được hòa đồng với lớp vì nhiều lý do khác nhau. Cuộc đời mỗi người là một câu chuyện và theo mình không có câu chuyện nào hấp dẫn hơn câu chuyện nào. Mình hay nói với thằng con lớn của mình rằng người nào cũng cho câu chuyện đời mình là thú vị và ly kỳ nhất như trong truyện cười của Aziz Nesin. Mình đặt tên cho bệnh này là “bệnh sợ người khác không sợ mình” (mình cố gắng đặt tên tiếng Anh mà chưa đặt ra, các bác giúp mình với.)

Cô em gái mình kể chuyện lớp cô họp mặt 20 năm ra trường. Chương trình hoành tráng là show diễn của một số người được cho là thành công. Thực ra những câu chuyện của các bạn đáng để học hỏi. Những người đã vượt khó vươn lên, nỗ lực không ngừng để thành công. Thành công không bao giờ là dễ, đáng để hãnh diện và được tuyên dương. Mình không thiên vị nhưng vẫn có phần cảm kích các bạn có hoàn cảnh khó khăn vẫn đến được với lớp và vui mừng khi biết họ an lòng với cuộc sống của mình. Cô em nhà mình ngày xưa thuộc loại học giỏi cũng tự tin nói về câu chuyện của mình. Cuộc đời cô không chức tước, không thăng tiến, không nhà cao cửa rộng. Hơn hai mươi năm ngày lo ba bữa cho chồng con. Nhà trả góp, xe trả góp, nhiều vật dụng trong nhà còn trả góp và hàng ngày cũng đang trả góp cuộc đời. Riêng cái cuối cùng là bình đẳng, sang hay hèn ai cũng phải trả góp từng tháng, từng năm cuộc đời hữu hạn của mình.

Related image

Gelotophobia (fear of being laughed at) là bệnh sợ người ta cười mình hay sợ người khác coi thường mình. Mình tự chẩn đoán mụ vợ mình (và nhiều bà vợ khác) mắc một biến tướng của bệnh này. Đó là: sợ người khác cười chồng mình. Xin được nói thêm là cái mặt thớt của mình làm mình trông có vẻ ngu hơn nhiều so với cái ngu trong đầu mình. Một cô người yêu cũ của mình nói thế, mà mình thấy phát kiến này hay. Nhờ vậy mà đi đâu mình cũng được các bác khôn ngoan dạy dỗ tận tình trong lúc mụ vợ mình chỉ thích mình làm thầy người khác.

Cách đây mấy năm lúc còn thất nghiệp, thỉnh thoảng mình tụ họp ăn uống ca hát ở nhà một người bạn mới quen. Mụ vợ mình khoái nhất là khoản mình hát to và hay được vỗ tay nhiều nhưng các thứ khác thì không. Khi anh em biết mình mới từ VN sang hỏi mình làm gì, vợ mình chẳng có gì hãnh diện nên mới ăn mày dĩ vãng, nói rằng chồng mụ là bác sĩ. Một anh bạn hỏi sao không học lấy lại bằng, rồi anh chỉ mình cách thi lấy bằng lại như thế nào. Anh cũng không quên nhắc nhở rằng việc này khó lắm, ai phải thiệt giỏi và kiên nhẫn mới được. Mình thưa với anh cả hai cái đó mình đều không có, hai cái mình có là thích beer và boobs. Về nhà mụ vợ nổi tam bành vì mình đã làm mất mặt mụ. Người Huế mình sợ mất mặt hơn mất tiền. Mụ hỏi tại sao mình không khoe thành tích USMLE. Mình cười hỏi mụ để làm gì, có ai trả tiền cho mình không?

Trong nhóm bạn đó có một anh xưng là luật sư tên Tài. Anh biết mình mới qua nên mặc định cho rằng không rành tiếng Mỹ, anh chỉ cho mình cách học tiếng Mỹ để mau giỏi cỡ như anh. Nào là chịu khó nói nhiều, đừng ngại nói sai, đi đâu cũng phải chỏng tai nghe lén người khác nói gì. Vợ mình nghe tức lắm, chọt chọt mình nói sao không nổ điểm thi Toefl cho nó bổ ngửa. Mình hỏi vợ rằng có được trả tiền mình theo điểm không? Mình đang thất nghiệp nên có lấy chứng chỉ phiên dịch để kiếm chút tiền lẻ. Chừng một tháng sau buổi nhậu, sáng sớm mình nhận tin nhắn yêu cầu vào bệnh viện gần đó càng nhanh càng tốt để dịch cho một ca cấp cứu. Mình chạy vào phòng thì thấy anh Tài đang đứng bên giường người mẹ già. Một y tá đang đặt catheter vào tĩnh mạch trung tâm. Cô y tá nói rất mừng khi biết mình là người phiên dịch. Người ta hỏi bệnh và giải thích với người nhà sẽ làm gì cho bà cụ. Người Mỹ thật rảnh, cần người nói tiếng Mỹ như Pháp nói lại cho người giỏi tiếng Mỹ, cũng nhờ vậy mình mới có việc làm. Anh Tài trông hơi mắc cỡ, anh nói từ chuyên môn y khoa anh không rành. Sau đó những lúc mình đi nhận dịch ở tòa án là cứ sợ gặp lại anh luật sư Tài, khi đó không biết ăn nói sao.

Một buổi tối mình được gọi vào bệnh viện gấp để dịch cho một cụ ông nhập viện cấp cứu đó khó thở. Đưa cụ ông vào cấp cứu có cụ bà và người con trai lớn. Khi mình vào thì bác sĩ đã khám bệnh nhân rồi nên mình chỉ dịch cho một cô y tá và một cậu kỹ thuật viên trẻ. Họ cho cụ ông thở oxy rồi tiêm hai mũi thuốc vào đường truyền ở cẳng tay phải. Một lúc sau cụ ông khỏe hơn và bớt khó thở. Anh con trai lớn hỏi chuyện mình làm nghề này lâu chưa, có học gì ra không? Mình nhỏ nhẹ thưa rằng không học gì hết mới đi làm nghề này. Ánh mắt anh ta lóe lên sự thương cảm. Anh ta nói anh làm kỹ sư mấy chục năm và nói được 7 thứ tiếng, hồi còn ở trại tị nạn trên đất Hồng Công mấy chục năm trước anh đã làm thông dịch viên cho UN. Lúc cậu kỹ thuật viên vào cố định lại đường truyền do chảy máu nhiều, cụ bà hỏi cậu ta rằng cụ ông bị bệnh gì, cậu kỹ thuật viên thưa rằng không trả lời được và bác sĩ sẽ là người trả lời câu hỏi đó. Anh con trai nói với mình có chừng đó mà không biết, phán rằng ba anh bị amonia. Anh nhắc đi nhắc lại mấy lần với mình và thấy mặt mình đờ ra như ngỗng đực. Anh bảo mình làm nghề này nên tìm hiểu thêm về bệnh tật để ai hỏi còn biết trả lời. Nhìn vào cái mặt đầy lép vế chịu trận của mình, anh tỏ ra thương cảm, còn đem cà phê mời mình. Về nhà mình vui vẻ kể với vợ làm quà, mụ tức lắm la mình sao không dạy cho anh ta một bài học. Mình nói với vợ mình chỉ làm đúng phần việc mình, không thêm không bớt. Ai có nói đúng nói sai là việc của người ta, không ảnh hưởng đến mình. Có đụng chạm chăng thì chỉ đụng đến cái tôi của mình thôi. Mấy chục năm trước ai đụng cái tôi của mình là mệt chuyện, nhưng bây giờ cái mà mình không để ai đụng được là tờ iên tiên huyền. Ngày xưa mình trai trẻ đầu đội trời nên dễ ngã. Bây giờ mình nằm rồi nên không ngã được nữa. Mình nói với mụ vợ mình đi làm việc kiếm tiền chứ không để hơn thua, gây gổ rồi đem tức giận về nhà, có thêm được đồng nào đâu. Vả lại người ta khi thấy địch thủ của mình yếu quá thì chuyển qua thương hại, không ai còn muốn hơn thua khi đối thủ đã buông súng. Người ta sẽ thấy sướng vì sức mạnh của họ và mình cũng thấy sướng vì đã làm cho người khác sướng.

Cách đây mấy hôm cả nhà mình đi dự đám cưới con gái một người hàng xóm. Bàn mình ngồi ở trong góc phía cuối phòng. Đến lượt cô dâu chú rể đến cảm ơn và chụp hình, mỗi bàn cử một đại diện đáp lễ. Mình ngồi ngoài nên mọi người đề nghị mình đại diện bàn. Hai anh mặt mũi sáng láng ngồi đối diện hỏi mình làm được không, mình trả lời hên xui. Anh ngồi đối diện có vẻ rất học thức mà về nhà vợ mình cứ tấm tắc sao lại có người như vậy trên hành tinh này. Thấy mặt mình đơ ra anh trấn an mình rằng dễ thôi mà, chỉ cần nói một vài câu đại loại như abc. Khi đứng dậy, mình quên mất lời … bác dạy mà chúc đôi trẻ có một đêm động phòng thành công. Cũng may hai đứa Mỹ con cười híp mắt, nói: “Cảm ơn, bác vui tính quá”. Vợ mình coi bộ hơi quê nên chống chế mình đây từng là MC của YKH. Vợ mình muốn mình xuất hiện ở đâu cũng thật “oai dằn” làm mọi người khiếp sợ mà mình thì không gồng được. Cái mặt mình thấy ngu bẩm sinh rồi khó mà làm khác được.

Related imageSẽ thiếu sót nếu nói về sợ hãi mà không đề cập đến quan điểm của Phật giáo về điều này. Phật giáo có hẳn một phần về kinh sợ hãi và khiếp đảm (Bhaya Bherava Sutta or The Discourse on Fear and Terror). Theo Phật giáo, nguyên nhân sâu xa của sự sợ hãi là đó tâm chấp ngã, do nhận thức sai lầm của con người. Vì chấp ngã, vì nhận thức và tư duy theo đường hướng sai lầm khiến cho lòng vị kỷ, tâm tham luyến, sân hận càng ngày càng lớn mạnh. Cuộc sống là vô thường, tất cả mọi sự vật hiện tượng trong thế giới này đều biến đổi không ngừng. Con người không thể nào kiểm soát và làm chủ hết được trong tất cả các tình huống, hoàn cảnh sống. Chính vì không làm chủ được, không kiểm soát được, lại không muốn mất đi những gì người ta yêu thích, những gì người ta đang sở hữu, và không muốn cái ngã của mình bị tổn thương cho nên sợ hãi.

Hiểu rõ về căn nguyên của sợ hãi giúp ích cho việc hóa giải chúng. Giáo lý nhà Phật và tâm lý học hiện đại gặp nhau ở các phương pháp chế ngự sự sợ hãi này. Bắt đầu bằng thay đổi nhận thức với các liệu pháp tâm lý như CBT nhằm sửa đổi các tư duy lệch lạc hay Đạo Phật gọi là thiếu hiểu biết. Hiểu các qui luật vô thường, vô ngã,… của cuộc sống và thực hành tu tập sẽ giúp tâm trở nên thanh tịnh, ít bị đảo động bởi những tham ái, chấp ngã… Thay vì trốn chạy thì chúng ta tiếp cận với các đối tượng gây sợ hãi bằng liệu pháp flooding, hay systemic desensitization nhằm làm quen với chúng và không còn thấy sợ nữa. Đức Phật đã thực hành flooding bằng cách ngồi thiền ở khu rừng hoang vắng trong những đêm không trăng. Đức Phật cũng dùng phương pháp tương tự systemic desensitization để hoá giải những nỗi nợ hãi khởi lên do tâm tham lam. Ngài đã dạy thực hành pháp bố thí. Khi tâm hạnh bố thí được lớn mạnh thì tâm tham lam sẽ bị yếu đi. Thiền là một phương pháp quan trọng trong thực hành Đạo Phật và gần đây được sử dụng như là một trị liệu tâm lý hữu hiệu để chế ngự các vấn đề trầm cảm, lo âu, và sợ hãi.

Tóm lại, sợ hãi là bản năng sinh tồn của con người bình thường. Sợ hãi không có gì là xấu, bác Trâm cũng nhờ trốn quân dịch mà mới có ngày làm tổng thống Mỹ, nếu không có thể bỏ mạng ở Việt Nam rồi. Tuy nhiên sợ hãi một cách thái quá, ám ảnh về những thứ không thực sự nguy hiểm là sự sợ hãi bệnh lý. Nỗi sợ hãi của từng cá nhân có thể điều trị được bằng các trị liệu tâm lý hay bằng thuốc. Nỗi sợ hãi bao trùm cộng đồng sẽ là một năng lượng cộng hưởng xấu làm tê liệt sự năng động sáng tạo của xã hội, biến toàn dân thành bầy cừu ngoan ngoãn. Nhiều chú cừu còn khoe mình là khôn ngoan và thức thời. Đó chỉ là lý luận của cừu, người khôn ngoan là người hiểu rõ bản chất của sự sợ hãi và đối diện với chúng. Đó là cách tốt nhất để vượt qua sợ hãi và tiến lên.

 

Nguyễn Thanh YKH-29

 

     *** Trở về mục lục 99Độ:  http://ykhoahuehaingoai.com/99do/99doIndex.htm

                       Trang nhà:  http://ykhoahuehaingoai.com/index.html

 

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.