THĂM THẦY

Học trò Mộng Hoa

 

Nay tôi viết về một người Thầy, người mà tôi hằng yêu mến kính phục và ngưỡng mộ. Tình cảm đặc biệt đó của tôi dành cho Thầy, vì ngoài trình độ chuyên môn giỏi, cách giảng dạy sáng tạo độc đáo, còn thể hiện một nhà trí thức yêu nước thương dân, không ngừng nghỉ đấu tranh cho quê hương dân tộc với những đều tốt đẹp, dù nay tuổi hạc đã xế chiều. Có lẽ trong trường YKH, Thầy nằm trong số các vị Thầy được học trò quý kính nhất từ xưa đến nay, tôi có cảm nhận như vậy. Mỗi khi nhắc đến, Thầy còn chiếm một vị trí rất đặc biệt trong ký ức vì tôi còn là bệnh nhân của Thầy trước khi bước chân vào ngưỡng cửa trường ĐHYKH.

 

Khi ấy tôi đang học lớp đệ lục đệ ngũ trường Trung học Đồng Khánh (lớp 8 bây giờ). Phòng mạch tư của Thầy nằm sát cạnh nhà tôi ở. Tôi hay qua chơi với chị Hường, thư ký phòng mạch Thầy. Tôi còn nhớ rõ hình ảnh Thầy hồi đó cao ráo và oai vệ trong chiếc áo Blouse trắng. Gia đình tôi ai đau ốm đều qua cho Thầy khám bệnh. Có một lần tôi bị sốt thương hàn cả tháng không khỏi, và anh tôi bị nhiễm trùng nặng ở bàn chân đi đâu cũng không hết, hai chúng tôi qua để Thầy chữa, vài ngày sau lành ngay tức thì.

 

Có lẽ Thầy không thể nhớ hết người bệnh và học trò của Thầy, nhưng bệnh nhân và học trò khi nào cũng nhớ ơn thầy thuốc và thầy giáo, không biết có phải “nhất tự vi sư bán tự vi sư” không ? Có lẽ đúng vậy, vì đối với một bậc “lương y như từ mẫu” đúng nghĩa, hành nghề đúng với lương tâm chức nghiệp, ra tay chữa lành bệnh hay ban ơn cứu tử thì bệnh nhân nhớ ơn muôn đời. Thành phố Huế nhỏ nên những người thầy thuốc giỏi như Thầy thời đó hầu như ai cũng biết, ngưỡng mộ và yêu mến như ân nhân.

 

 Ngoài là một vị lương y, Thầy còn dạy học tại ĐHYKH, và may mắn thay, tôi cũng là học trò của Thầy. Có nhiều giai thoại kể về phương pháp dạy học của Thầy. Thầy thường đem các ví dụ vui và cụ thể ở ngoài đời áp dụng vào giờ giảng các môn học khô khan, khó hiểu để biến chúng thành thú vị, dễ hiểu và đi vào trí nhớ sinh viên một cách dễ dàng. Ví dụ khi dạy về phần tai (Thầy dạy môn mắt và tai mũi họng), Thầy nói, các anh chị hãy xếp sách vở lại và nhìn về bên phải để quan sát tai trái của người bạn kế bên. làm cả lớp học đều bật cười (Nếu các Thầy khác dạy môn Anatomy đều làm như vậy thì sao nhỉ ?) Hầu hết sinh viên YKH dẫu có học với Thầy hay không, điều biết đến tiếng tăm của Thầy về cách dạy học độc đáo tuyệt chiêu này.

 

Và rồi giai thoại về Thầy sau biến cố 1975. Hồi đó hầu như tất cả các thầy cô và học sinh đều dùng phương tiện xe đạp để đi lại vì đời sống quá khó khăn, khắc nghiệt. Nếu có ai dùng các phương tiện như xe gắn máy hay xe hơi thì bị đánh giá tư sản, bị để ý và gây phiền hà trong cuộc sống. Cho nên Thầy cũng như trò đều đi xe đạp, đều xếp hàng mua tem phiếu và ăn mặc rất xuỳnh xoàng, xuống ngang hàng bằng XHCN (Xin đừng đọc Xuống Hàng Chó Ngựa). Chính vì vậy mà có một câu chuyện kể về Thầy bị anh gác cổng Bệnh Viện Huế chận lại không cho vào làm việc vì không biết Thầy là ai, anh đâu ngờ rằng đó là một vị cựu khoa trưởng trường ĐHYKH.

 

 Một giai thoại khác từ một người thân của tôi, chuyện rằng, ngay sau 1975 nhà nước Cộng Sản cấm không cho các bác sĩ mở phòng khám tư. Tuy nhiên người dân Huế vẫn tìm cách đến nhà Thầy để nhờ chữa bệnh. Muốn khám thì phải khám chui, tức là ngụy trang phòng khám để che mắt nhà nước CS. Khi đến nhà Thầy thì phía ngoài rất bề bộn nên bệnh nhân hỏi vì sao nhà Thầy không dọn dẹp và trang hoàng lại cho gọn gàng, đẹp đẽ? Thầy trả lời rằng các ông bà muốn nhà tôi gọn gàng, đẹp đẽ hay được chữa lành bệnh? Thế là bệnh nhân thông cảm hoàn cảnh khó khăn của giới y sĩ thời lúc bấy giờ.

 

 Và còn rất nhiều những giai thoại thú vị kể về Thầy mà hầu hết nhiều người ở Huế biết đến và truyền tai kể cho nhau nghe.

………..

 

Vào một buổi sáng cuối năm vừa qua, tôi bất thần nghe tin nhắn từ người bạn, phu nhân của Thầy vừa mới qua đời. Dù biết sinh tử là lẽ thường ở đời, trong Phật Giáo quan niệm “có sanh có tử có luân hồi, không sanh không tử không khứ lai.” Tôi vẫn bị shock và buồn cho Thầy khi nghe tin đó. Sau khi nghe tin cô mất, tôi có gởi lời chia buồn và xin hẹn gặp thăm Thầy. Trước sự ngạc nhiên và ngoài dự đoán của tôi, Thầy trả lời ngay rằng có thể đến thăm vào ngày hôm sau hay bất cứ lúc nào vì Thầy luôn có mặt ở nhà và ít khi đi đâu, còn kèm thêm một lời ghi chú nhỏ rằng: “Hiện tại nhà cửa còn rất bề bộn nên Thầy trò mình cùng chịu khó.” Tôi thật cảm động trước điện thư hồi âm sớm của Thầy và tấm lòng lúc nào cũng quí mến, nhiệt tình với học trò của Thầy. Tôi hiểu lúc đó tâm trạng của Thầy không mấy được bình an vì vẫn còn trong trạng thái rất buồn bã, hụt hững bởi sự ra đi quá đột ngột và đau thương của người bạn đời. Vậy mà Thầy vẫn ưu ái trả lời điện thư và còn dành thời gian để tiếp đón một đứa học trò bình thường như tôi. Trước đây tôi cũng đã thường mong ước có dịp sẽ đến thăm Thầy và gia đình ở Canada nên lúc đó là một dịp tốt để đi với hy vọng an ủi và động viên Thầy, để Thầy bớt suy sụp và phấn chấn lên. Thật vậy có rất nhiều phân ưu gởi tới tấp đến Thầy từ tập thể YKH, thân hữu và bà con từ trong nước ra đến hải ngoại. Vậy mà Thầy đều hồi đáp tất cả.

 

Tôi đến Toronto thăm Thầy vào một ngày gần cuối năm 2018. Thành phố Toronto khá lạnh đối với tôi vì nhiệt độ trên dưới zero độ C mà tôi thì đã quen với khí hậu ấm áp của vùng cao nguyên Austin thuộc tiểu bang Texas. Không khí mùa Giáng Sinh ở Downtown Toronto khá nhộn nhịp nhộn, tấp nập với người đi mua sắm. Sau khi hẹn với chị Cẩm Tú là một đàn chị YKH khoá 12/13 và mua ít quà nhỏ, cả 2 chị em ghé thăm tư thất của Thầy và gia đình. Căn nhà của Thầy ở khá lớn và khang trang, được biết thầy đang ở với người con gái. Ra đón chào tôi trước cửa nhà là Lệ Thanh, cô em này cũng là đàn em Đồng Khánh Huế. Thanh nói là có anh Lý Văn Kim cũng vừa đến thăm và mới ra về.

 

Gặp lại Thầy sau gần 6 tháng thôi, mà hôm ấy hình ảnh của Thầy thật khác với những lần họp mặt YKH ở Montreal. Khi lên đọc diễn văn khai mạc, Thầy trông rất quắc thước và tráng kiện. Vậy mà, hôm đó trông Thầy rất tiểu tuỵ, xơ xác như người không hồn, mặc dầu với tuổi trên 90 thầy trẻ hơn nhiều so với số tuổi, còn sáng suốt và còn sinh hoạt bình thường. Mấy Thầy trò ngồi tâm sự gần 2 giờ đồng hồ. Thầy kể cho chúng tôi nghe về mối tình của Thầy Cô lúc mới gặp nhau quen nhau rồi cùng trải qua biết bao đắng cay khó nhọc hơn 60 năm về trước. Thầy kể về đời sống trước và sau năm 1975 của gia đình Thầy, về quãng đời đi dạy trường YKH, rồi sự thay đổi cuộc sống gia đình khó khăn về tinh thần và kinh tế,.. rồi sau đó tìm cách cho gia đình đi vượt biên. Thầy có một trí nhớ thật tinh tường và suy nghĩ rất sắc bén.Vì còn quá xúc động nên có những lúc vừa nói chuyện thầy không kềm được nước mắt. Chúng tôi thật đau lòng khi thấy Thầy rơi vào trạng thái như vậy. Đối với một người đàn ông rất mạnh mẽ và ý chí như thầy chắc sự đau khổ phải đến cùng cực nên Thầy đã không kềm hãm được cảm xúc.

 

 

Mộng Hoa, Thầy Lê Bá Vận và Chị Cẩm Tú YKH13 tại tư thất Thầy

 

Chúng tôi an ủi và lau nước mắt cho Thầy, sau đó Thầy dẫn chúng tôi đến bàn làm việc của Thầy. Chúng tôi thấy có nhiều sách vở và tài liệu và các bài thầy đang viết dở trên computer. Tôi thật cảm phục Thầy dẫu tuổi đã lớn mà vẫn còn viết lách, đọc tài liệu mỗi ngày. Thầy viết về tình hình của đất nước VN, về chế độ CS và rất nhiều các bài vở về đủ mọi lãnh vực khác nhau. Những bài viết của Thầy rất có giá trị và hầu hết đều được đăng vào mục 99 độ YKH hay các website có giá trị khác.

 

Tôi khá mừng cho đời sống của thầy ở đây, tuổi già có con cái bên cạnh, và đời sống ổn định. Các con của Thầy đều thành đạt nơi xứ lạ quê người có người là Bác Sĩ, Nha sĩ, kỹ sư điện tóan, ...

 

 Sau gần 2 giờ hàn huyên tâm sự và thấy Thầy đã mệt nên chúng tôi xin phép ra về để Thầy cần nghỉ ngơi. Chúng tôi có nhã ý mời Thầy đi ăn trưa nhưng Thầy từ chối. Tôi cảm thấy mãn nguyện và cảm động khi được gặp lại Thầy trong chuyến viếng thăm này, như một nghĩa cử đền ơn giáo dưỡng đã có công truyền đạt kiến thức chuyên môn cho các thế hệ đàn em chúng tôi.

 

Tôi lang thang giữa thành phố Toronto, nhìn mọi người nô nức mua sắm, vui chơi chào mừng Giáng Sinh và chuẩn bị đón năm mới 2019, mà lòng nặng trĩu và âu lo nghĩ đến Thầy tôi, những vị Thầy khác, các khóa đàn anh/chị, những người trước đây đã từng có một quá khứ lẫy lừng trong chiếc áo blouse trắng hay trong các bộ quân phục với nhiều cấp bậc đã từng phục vụ trong chế độ VNCH. Giờ đây các tầng lớp này đang già yếu, đau ốm, bệnh tật và lần lượt ra đi.

 

 Tôi nghĩ các thầy cô và các đàn anh/chị cũng có cùng suy nghĩ và mang tâm trạng như tôi, dù mang thân người và chịu những mệnh số nghiệt ngã, nhưng vẫn may mắn hơn so với đồng bào của chúng ta đang hàng ngày sắp hàng chờ chết ở các hành lang bệnh viện mà không hy vọng được cứu chữa vì nhiễm độc từ thực phẩm, nước uống, môi trường, rượu bia, tai nạn, bệnh tật... vì không có tiền và vì một chế độ không coi trọng mạng sống người dân, không lo cho dân, sống chết mặc bây tiền thầy bỏ túi..

 

Tôi liên tưởng nhớ đến những bài thơ trong tập Hoa Địa Ngục của Ngục Sĩ Nguyễn Chí Thiện:

 

Trên mảnh đất, Đảng gieo mầm tội lỗi!

Trong lành cũng phải tanh hôi!

Trẻ con chưa nứt mắt đã tù rồi!

Bạo lực đi về rất vội!

Chết trận, chết tù, hỡi ơi xã hội!

Biết bao là vợ góa, con côi,

Bán trôn rồi lại bán cả mồ hôi,

Mà đói rét vẫn quần cho sớm tối!

Mảnh đất chờ trông và sám hối

Thức giả tiêu sầu chai nước lã đun sôi!

 

Và cũng tự trách dân tộc mình ấu trĩ, bởi vì sao?

 

Vì ấu trĩ, thờ ơ, u tối,

Vì muốn an thân, vì tiếc máu xương...

Cả những kẻ đã nằm trong mả

Và những bào thai trong bụng mẹ trót sinh ra

Chúng sẽ có quyền nguyền rủa lũ ông cha

Ðã để chúng sa xuống hầm tai vạ.

Lỗi lầm tại ai? Xét ra tất cả,

Mấy ai người đem hết tâm can...

Ai đứng dậy diệt trừ lũ quỉ,

Ai trái tim lân mẫn vạn dân tàn?

 

Nhưng tôi vẫn lạc quan rằng:

 

Sẽ có một ngày con người hôm nay

Vất súng, vất cùm, vất cờ, vất Ðảng

Ðội lại khăn tang, quay ngang vòng nạng

Oan khiên!

Về với miếu đường, mồ mả, gia tiên

Mấy chục năm trời bức bách lãng quên

Bao hận thù độc địa dấy lên

Theo hương khói êm lan, tan về cao rộng

Tất cả bị lùa qua cơn ác mộng

Kẻ lọc lừa, kẻ bạo lực xô chân

Sống sót về đây an nhờ phúc phận

Trong buổi đoàn viên huynh đệ tương thân

Ðứng bên nhau trên mất mát quây quần

Kẻ bùi ngùi hối hận

Kẻ bồi hồi kính cẩn

Ðặt vòng hoa tái ngộ lên mộ cha ông

Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng!

Tiếng sáo mục đồng êm ả

Tình quê tha thiết ngân nga

Thay tiếng tiến quân ca

Và quốc tế ca

Là tiếng sáo diều trên trời xanh bao la!

 

 

Mong rằng ngày đó sẽ không còn xa nữa.

 

Xin kính chào thân ái.

 

 

Mộng Hoa YKH15

Thầy Lê Bá Vận tại Đại Hội YKHHN 2018

             

 


Tháng 4, 2024

Tháng 3, 2024

Tháng 2, 2024

Tháng 1, 2024

Tháng 12, 2023

Tháng 11, 2023

Tháng 10, 2023

Tháng 9, 2023

Tháng 8, 2023

Tháng 7, 2023

Tháng 6, 2023

Tháng 5, 2023

Tháng 4, 2023

Tháng 3, 2023

Tháng 2, 2023

Tháng 1, 2023

Bài viết từ 2021 trở về trước

Bài vở , hình ảnh, dữ liệu đăng trên trang nhà của Y Khoa Huế Hải Ngoại (YKHHN) hoàn toàn có tính thông tin hay giải trí. Nội dung của tất cả bài vở, hình ảnh, và dữ liệu này do tác giả cung cấp, do đó trách nhiệm, không nhất thiết phản ánh quan điểm hay chủ trương của trang nhà YKHHN.
Vì tác quyền của mọi bài vở, hình ảnh, dữ liệu… thuộc về tác giả, mọi trích dịch, trích đăng, sao chép… cần được sự đồng ý của tác giả. Tuy luôn nỗ lực để độc giả được an toàn khi ghé thăm trang nhà YKHHN, chúng tôi không thể bảo đảm là trang nhà này hoàn toàn tránh được các đe dọa nhiễm khuẫn hay các adwares hay malwares… Vì chúng tôi không thể chịu trách nhiệm cho những tổn hại nếu có, xin quý độc giả cẩn trọng làm mọi điều có thể, ví dụ scanning, trước khi muốn sao chép, hoặc/và tải các bài vở từ trang nhà YKHHN xuống máy của quý vị.